1. Vĩ mô quốc tế dần đi vào ổn định. Sau một thời gian nhiều lo lắng về tình hình khủng hoảng nợ tại các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), tình hình kinh tế châu Âu đang được cải thiện tốt hơn. Ngoài việc EU thực hiện nhiều biện pháp mạnh để ổn định tình hình (như lập quỹ 1.000 tỷ USD để đối phó với khủng hoảng, đưa ra các giải pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách, mạnh tay đối phó với giới đầu cơ…), thì Trung Quốc cũng đang có những động thái nhất định nhằm mở rộng quyền lợi của mình ở châu Âu, đồng thời góp phần làm ổn định thêm tình hình tại khu vực này. Việc đồng EUR mất giá cũng có nhiều tác dụng tích cực, thúc đẩy xuất khẩu của các nước trong khối sử dụng đồng tiền chung châu Âu, mà đặc biệt là kinh tế Đức. Kinh tế của các nước lớn như Mỹ, Anh, Đức, Trung Quốc… đều tăng trưởng. Mức độ trầm trọng của khủng hoảng tại các nước như Hy Lạp, Tây Ban Nha đã được giảm bớt khi thâm hụt giảm, kinh tế tăng trưởng.
2. Vĩ mô trong nước tốt. Với quyết tâm ổn định kinh tế vĩ mô trong nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp khác nhau và đạt được kết quả tốt, thể hiện ở tăng trưởng kinh tế cao, lạm phát ổn định ở mức thấp trong mấy tháng vừa qua, lãi suất cho vay ngày càng giảm dần.
3. Kết quả kinh doanh của các DN khá tốt. Tuy châu Âu bị khủng hoảng, nhưng không ảnh hưởng nhiều tới xuất khẩu của Việt Nam, mà ngược lại, các DN có cơ hội nhập khẩu nguyên vật liệu và hàng hóa trên thế giới rẻ hơn. Tốc độ tiêu thụ hàng hóa trong nước tăng trưởng tốt. Các DN chuẩn bị ra báo cáo kết quả kinh doanh quý II, nhiều khả năng là khả quan.
4. Cổ phiếu giá còn rẻ. Nhiều cổ phiếu hiện tại có mức giá còn rẻ, thể hiện rõ nhất ở hệ số P/E thấp, thậm chí có những cổ phiếu giá 1x, nhưng hoạt động kinh doanh bài bản, lợi nhuận khá ổn định. Đây là cơ hội để đầu tư trung và dài hạn.
5. Sự quan tâm của các NĐT nước ngoài. Các tổ chức nước ngoài ngày càng để ý tới TTCK Việt Nam. Trong các nước mới nổi thì TTCK Việt Nam được coi là một trong những thị trường có tiềm năng nhất để đầu tư. Khuyến nghị và tư vấn của các tổ chức tài chính nước ngoài cho NĐT nước ngoài để đầu tư vào Việt Nam ngày càng nhiều. Thực tế, các NĐT nước ngoài mua ròng liên tục trong các tháng vừa qua và khối lượng mua ròng ngày càng nhiều.
6. Dòng tiền vào TTCK ngày càng tăng. Thị trường bất động sản giảm nhiệt, kiều hối tăng mạnh so với năm ngoái, kênh đầu tư vàng bị khống chế. Nền kinh tế Việt Nam là kinh tế dùng tiền mặt nên vẫn còn một lượng lớn tiền đang để ở kênh chứng khoán, ngoại tệ, vàng. Khi dòng tiền ở thị trường vàng, ngoại tệ… có khả năng sinh lời kém thì thông thường sẽ được dịch chuyển sang chứng khoán. Nhiều NĐT hiện tại vẫn chưa giải ngân hết số tiền của mình vào cổ phiếu và hoàn toàn chưa dùng đòn bẩy. Nếu tâm lý được giải tỏa thì sẽ có một lượng tiền lớn đổ vào chứng khoán.