Doanh nhân trẻ tuổi Nicholas Cole nhận định, có không ít doanh nhân dùng lý do "ý tưởng tồi" để đổ lỗi cho kinh doanh thất bại trong khi vấn đề thực chất nằm ở bản thân họ.
Nicholas là một trong 25 nhân vật có ảnh hưởng nhất về marketing năm 2017 theo xếp hạng của tạp chí Forbes. Anh cũng là diễn giả, chuyên gia tư vấn thương hiệu cá nhân, cây bút quen thuộc trên Inc. Magazine và trang hỏi đáp nổi tiếng Quora.com.
Có nhiều nguyên nhân (chủ quan lẫn khách quan) dẫn tới sự thất bại của mỗi người. Tuy nhiên, với riêng doanh nhân, Nicholas nhận định có 7 nguyên nhân chủ quan phổ biến khiến họ "ngậm trái đắng".
1. Không lường trước khó khăn
Doanh nhân nối tiếp Gary Vaynerchuk từng nhiều lần chia sẻ, ông thiếu niềm tin vào những doanh nhân có xuất thân hoàn cảnh thuận lợi - những người sống trong nhung lụa, tốt nghiệp từ những trường đại học nổi tiếng giàu có - và bây giờ muốn chơi trò kinh doanh.
Quan điểm của Gary không phải không có lý và bản thân Nicholas rất đồng ý với suy nghĩ trên, bởi anh cũng là một trong số những người may mắn đó.
Mặc dù có nhiều điều kiện phát triển bản thân nhưng việc sống trong hoàn cảnh quá thuận lợi cũng khiến con người bỏ lỡ rất nhiều trải nghiệm quý giá mà một trong số đó là "cảm giác phải đấu tranh để vươn lên trong cuộc sống, hoặc đơn độc bước vào đời", anh chia sẻ.
Tuy nhiên, nói như Gary không đồng nghĩa với việc những doanh nhân sinh trưởng trong môi trường tốt đều kém cỏi và những doanh nhân có cuộc sống vất vả đều thành công. Điều quan trọng là khả năng nhận diện nguy cơ và chuẩn bị giải pháp đối phó ở mỗi người.
Theo Nicholas, một số doanh nhân thất bại vì lý do họ không lường trước được viễn cảnh khó khăn phải trải qua, và do đó, không chuẩn bị phương pháp đối phó thích hợp.
Thương trường không giống như lớp học. Không ai cho bạn những bài tập có đáp án rõ ràng, cũng chẳng có phương pháp cụ thể nào chỉ dẫn bạn thành công. Đó là những kiến thức, kỹ năng bạn phải tự trang bị cho mình thông qua quá trình trải nghiệm, học hỏi.
Bên cạnh đó, có những doanh nhân thất bại vì chưa tìm ra phương pháp thành công của riêng mình. Trường hợp này thường đúng với những doanh nhân xem kinh doanh như một cơ hội trải nghiệm, hoặc là một dịp "cưỡi ngựa xem hoa" cảm nhận không khí trên thương trường. Về sau, họ nhanh chóng "ngã ngựa" vì không tìm ra phương pháp nỗ lực phù hợp, chưa kể còn bị sốc khi nhận ra khối lượng thời gian, công sức đòi hỏi phải bỏ ra nếu muốn thành công.
2. Chạy theo trào lưu
Nicholas chia sẻ, anh từng rất ngạc nhiên khi nhìn thấy nhiều người chạy theo trào lưu khởi nghiệp bằng ứng dụng mạng xã hội trong khi bản thân lại thiếu kiến thức về công nghệ, không am hiểu về mạng xã hội hoặc cả hai. Cách nghĩ này cũng giống với việc một người kinh doanh nhà hàng Pháp chỉ vì anh ta thích ăn món Pháp và không có chút kiến thức kinh doanh nào.
Là doanh nhân, bạn không nên hỏi "Mọi người muốn gì?", thay vào đó, câu hỏi của bạn nên là "Mình biết điều gì mà người khác chưa biết?", "Mình cần bổ sung thêm kiến thức gì?", "Có thứ gì mà mọi người đều muốn nhưng họ chưa nhận ra?"... Người có kiến thức sâu về một lĩnh vực nào đó luôn có nhiều lợi thế hơn người chẳng biết gì đang muốn "nhảy" vào thị trường chỉ vì trào lưu.
Đừng chạy theo xu hướng. Hãy đầu tư nhiều hơn cho bản thân, cho những thứ mà bạn giỏi nhất.
3. Đi một mình
Làm lãnh đạo không phải là một môn thể thao cá nhân. Có thể cảm giác tự tay gầy dựng mọi thứ rất tuyệt vời nhưng ngay cả khi bạn nắm toàn bộ mọi thứ thì cũng sẽ có lúc bạn cần đến sự giúp sức của người khác. Đó có thể là người giúp bạn triển khai chiến lược đang nằm trên giấy, người giúp bạn phát triển nó, người giúp bạn điều chỉnh nó phù hợp với xu hướng thị trường,...
Chưa kể, việc đi một mình dễ khiến nhà lãnh đạo nảy sinh tâm lý không coi trọng đối tác, xem họ như "hàng hóa" có thể tìm kiếm ở bất kỳ đâu miễn là đáp ứng được tiêu chuẩn đặt ra.
Dần dà, những "nhà lãnh đạo cô đơn" bị thui chột kỹ năng kết nối với người khác, lưỡng lự chia sẻ vấn đề với mọi người - cho dù đó là khối lượng công việc cần phải san sẻ, hoặc để người khác có cơ hội cùng gánh vác trách nhiệm.
4. Không biết bản thân thiếu sót những gì
Một trong những lý do hàng đầu khiến các doanh nhân thất bại, theo Nicholas, là do họ không biết mình đang không biết những gì. Đặc biệt, nếu bạn đang bước chân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới thì điều này vô cùng tai hại, có thể ảnh hưởng đến sự sống-chết của doanh nghiệp.
Thực tế, doanh nhân không thể xây dựng doanh nghiệp với tâm lý biết hết mọi thứ. Bạn chỉ không nhận ra mình chưa biết thứ gì thôi. Với những người dày dạn, có nhiều năm kinh nghiệm làm việc thì thời điểm họ nghĩ bản thân có thể giải đáp mọi trả lời cũng là lúc họ ngừng lắng nghe. Và khi không còn lắng nghe người khác, họ sẽ ngừng học hỏi, nhận thức bị che mờ và họ bắt đầu ra quyết định dựa trên sự ngạo mạn.
Trong cuộc sống, luôn có người chỉ ra những thứ bạn chưa biết. Và thời điểm bạn phát hiện ra điều gì đó, cũng đừng ra vẻ lên mặt với mọi người. Hãy hạ cái tôi xuống và tiếp tục học hỏi những thứ khác mới mẻ hơn.
5. Thích "đá lấn sân"
Đây là lúc mọi người bắt đầu đi chệch hướng. Thời điểm họ sa đà những thứ không thuộc lĩnh vực chuyên môn/thế mạnh của mình cũng là lúc bắt đầu thất bại. Điều này cũng giống như một nhà sáng lập không có khả năng sáng tạo lại thích đưa ra sáng kiến và bắt nhân viên làm theo.
Việc tập trung "đúng người, đúng việc" cũng là một kỹ năng quan trọng. Nó đồng nghĩa với việc bạn sẵn sàng bước sang một bên để cho những người khác có khả năng làm tốt công việc được phát huy khả năng.
Bên cạnh đó, một doanh nhân thích kiêm nhiệm nhiều thứ còn có nguy cơ làm giảm chất lượng công việc chung. Vì đồng nghiệp xung quanh ngại lên tiếng nên nhiều lúc họ cho rằng mọi người đều đồng tình ủng hộ với mình.
6. Muốn được mọi người công nhận
Danh xưng "CEO" hay "nhà sáng lập" dạo gần đây đã trở thành một thứ thời thượng mà không ít người muốn ghi lên hồ sơ cá nhân Facebook, Twitter cho dù họ chưa kiếm được một đồng doanh thu nào. Điều đó chứng tỏ có nhiều người thích việc được trở thành doanh nhân hơn là làm doanh nhân thực tế.
Bất cứ ai nghĩ rằng làm doanh nhân là để được người khác công nhận thì sẽ chẳng bao giờ là một doanh nhân thực thụ và dễ gặp thất bại trong kinh doanh.