Hội thảo “Khát vọng Việt Nam 2035 - Vai trò của doanh nghiệp và yêu cầu hiện đại hóa thể chế” được tổ chức sáng nay (30/5), tại Hà Nội do Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức, cho thấy, Việt Nam cần có chương trình hành động đột phá hơn nhằm tạo ra một thể chế mạnh mẽ trong thời gian tới.
Là người phát biểu đầu tiên tại phiên thảo luận "Khát vọng 2035 và vai trò của cộng đồng doanh nghiệp", ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, chìa khóa cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới chính là khu vực tư nhân.
Ông Lộc cho biết, năng suất của Việt Nam trong lĩnh vực tư nhân không những thấp mà còn có xu hướng giảm từ 2003 tới nay. Cụ thể, năm 2000, năng suất của khu vực tư nhân ở Việt Nam cao hơn Trung Quốc nhưng giờ còn một nửa.
“Câu trả lời có nhiều nguyên nhân như doanh nghiệp Việt Nam có quy mô quá nhỏ, không lớn được trong thời gian qua khiến năng suất lao động thấp; yếu tố tạo nên năng suất cao trong giai đoạn năm 2000 đã hết và doanh nghiệp cảm thấy đuối sức trong các năm vừa qua; yếu tố thị trường, cũng như nhiều nhân tố không được cải cách kịp thời đã không theo tín hiệu thị trường… làm cho năng suất xã hội thấp đi… Cần phải có chương trình đột phá hơn, cải cách hơn nữa nhằm nâng cao năng suất”, ông Lộc nhấn mạnh.
Ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia kinh tế trưởng WB nói: “Cải cách là cần thiết và cần tập trung vào thể chế, kinh tế vi mô. Một thể chế mạnh mẽ tạo ra môi trường thuận lợi xây dựng doanh nghiệp tư nhân phát triển là quan trọng”.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có vai trò ngày càng quan trọng trong việc xây dựng cải cách và hoàn thiện thể chế. Thể chế không chỉ là pháp luật, là quy tắc bất thành văn, thậm chí có những quy định phi chính thức. Ông Phúc cho rằng, những phiền hà được tạo ra cho doanh nghiệp lại chính là quy định, thể chế phi chính thức.
“Doanh nghiệp ngày càng có vai trò trong việc phát triển cả ngắn hạn và dài hạn của nền kinh tế và chính Nhà nước phải học tập lại cách thức quản trị của doanh nghiệp. Nhà nước khi xây dựng thể chế phải tính tới cách quản trị của doanh nghiệp”, ông Phúc cho biết.
Hàm ý sâu hơn về doanh nghiệp trong vấn đề nâng cao năng suất, theo ông Lộc: “Xây dựng thế chế không chỉ là trách nhiệm của Chính phủ, chính quyền, Đảng, Nhà nước, mà là của cộng đồng doanh nghiệp. Luật Ban hành Hệ thống văn bản pháp luật mà có liên quan tới doanh nghiệp thì phải gửi cho VCCI lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp phải là người đóng góp ý kiến tích cực nhất, đó là vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới”.
Dù đứng góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái khuyến nghị 6 điểm với chính doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý trước khi đề cập đến việc doanh nghiệp tham gia hỗ trợ hiện đại hóa thể chế.
Thứ nhất, phải hiểu rằng, chúng ta đang thực sự ra biển lớn, trong đó có cơ hội song hành với thách thức nhưng đó là điều không thể cưỡng lại và dẫu sao lợi ích là nhiều hơn nên những người chủ phải nâng cao trình độ để theo kịp tiến trình.
Thứ hai, cần phải xây dựng tầm nhìn trung hạn, ngắn hạn trong bối cảnh hiện nay cũng như tận dụng tối đa công cuộc hội nhập để thu về lợi ích.
Thứ ba, buộc phải quan tâm đến thị trường xuất khẩu do các FTA khiến nhiều doanh nghiệp ngoại nhăm nhe thị trường Việt Nam.
Thứ tư, tận dụng thế mạnh cũng như chủ động kết hợp với doanh nghiệp FDI, liên doanh bán cổ phần cho nước ngoài. Đây là xh đúng đắn. Chúng ta cần phải hợp tác, phải dựa vào thế mạnh của nước ngoài.
Thứ năm, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần rất tiết kiệm, tránh lãng phí khiến mất đi sức mạnh và kế hoạch đầu tư của chúng ta.
Thứ sáu, nghĩ đến sự minh bạch, liêm chính và có trách nhiệm nhiều hơn.