Trong mắt nhiều người Việt Nam và cả bạn bè trên thế giới, cầu Long Biên được coi là một nhân chứng lịch sử trong suốt hơn một thế kỷ qua. Dường như, hình ảnh cây cầu Long Biên cổ kính, bắc từng nhịp qua sông Hồng đã trở thành biểu tượng của thủ đô Hà Nội.
Cầu Long Biên được khởi công xây dựng vào năm 1898, hoàn thành năm 1903. Vào thời điểm đó, cầu Long Biên hay cầu Doumer (tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer) là một trong 4 cây cầu dài và nổi bật nhất ở Đông Dương. Khi mới xây dựng, cầu chủ yếu dành cho xe lửa và hai bên có đường cho người đi bộ, thưa thớt vài loại xe thô sơ. Ngày nay, vai trò huyết mạch giao thông tuy không còn nhưng Cầu Long Biên vẫn hiên ngang ở đó chứng kiến thêm nhiều cây cầu hiện đại, bề thế được xây dựng, chứng kiến một Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ từng ngày, từng giờ.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cầu Long Biên vẫn được đánh giá là cây cầu đẹp nhất của Thủ đô bởi nét đẹp cổ kính, đầy chất lãng mạn.
2. Làng cổ Đường Lâm
Ảnh: Toidi.net
Làng cổ Đường Lâm thuộc thị xã Sơn Tây (Hà Nội), hiện còn tới 956 ngôi nhà truyền thống có niên đại từ thế kỷ 16, nằm rải rác tại các thôn Đông Sàng, Mông Phụ và Cam Thịnh.... Nét đặc sắc nơi đây là những ngôi nhà gỗ, với tường xây bằng đá ong, nằm quanh co bên con đường làng được lát gạch nghiêng.
Người phương xa đến đây dễ nhận ra nét đặc sắc của làng cổ Đường Lâm, đó chính là những ngôi nhà gỗ với tường xây bằng đá ong, nằm trong các khuôn viên có tường bao cũng bằng đá ong và đường làng lát gạch nghiêng chạy giữa những bức tường ấy…
Hình thành bên hữu ngạn sông Hồng, làng Đường Lâm cổ kính với nhiều mái ngói đỏ rêu phong, những bức tường đá ong độc đáo, cùng giếng nước, sân đình như đưa du khách về một miền quá khứ tươi đẹp của những ngôi làng Bắc Bộ trước đây. Giữa vòng xoáy hối hả của thời hiện đại bên ngoài, ngôi làng cổ chứa đựng lượng giá trị văn hóa khổng lồ này vẫn lặng lẽ khép mình vào một góc tưởng chừng bị quên lãng.
3.Làng cổ Phong Nam
Ảnh: Internet
Làng cổ Phong Nam ở Đà Nẵng là một trong số ít ngôi làng còn giữ được nét đặc trưng của một làng quê Việt Nam truyền thống, với đồng lúa xanh bát ngát điểm xuyến những lũy tre làng, con đường đất quanh năm mát rượi và những ngôi nhà bình dị của nhà nông, đôi khi tưởng chỉ còn trên phim ảnh thời xưa.
Dọc theo con đường làng yên vắng thanh bình dẫn về làng cổ Phong Nam với những nét dân dã vô cùng quen thuộc như đưa du khách về với quá khứ đầy hoài niệm. Chiếc cổng làng phủ rêu phong, những thảm lúa dập dìu, những lũy tre già vi vu theo gió như chào đón bước chân lữ khách đến thăm.
Ngoài ra, du khách còn có thể nghe nhiều câu chuyện thú vị về những con người nổi tiếng được người đời truyền tụng như Ông Ích Khiêm – người con tài năng của miền đất Phong Lệ, mà xưa kia làng Phong Nam là một phần quan trọng của vùng đất này, hay nghe chuyện kể về Cao Bá Quát với những lần viếng thăm và cả câu đối của cụ Phan Bội Châu dành tặng mà dân làng hết sức trân trọng.
Làng cổ Phong Nam mang những nét tiêu biểu nhất của làng quê Việt Nam xưa chắc chắc sẽ thỏa lòng du khách – những người yêu phong cảnh làng quê với bao chất thơ thẫm đẫm trữ tình.
4. Phố cổ Hội An
Ảnh: Internet
Hội An trở thành dấu son trên bản đồ du lịch không phải chỉ là những ngôi nhà cổ hay không gian hoài niệm. Nơi ấy có bề dày vẻ đẹp văn hóa đa dạng của thương cảng cổ từng ghi dấu mối giao lưu, tiếp biến nhiều nền văn hóa.
Không quá trang nghiêm như Cố Ðô Huế, sôi động như chợ Lớn- Sài Gòn, Phố cổ Hội An lưu dấu lại trong lòng du khách nét đẹp e ấp của người thiếu nữ truyền thống thuần khiết nhưng vô cùng say đắm lãng mạn.
Dường như vẻ đẹp đó đã trở thành cái hồn của phổ cổ, đi đến đâu người ta cũng vô tình bắt gặp nó: những mái ngói rêu xanh phủ màu thời gian, sắc màu lung linh của những chiếc đèn lồng, nét chạm trổ tinh vi trong những căn nhà gỗ đã tồn tại từ hơn ba trăm vòng quay xuân hạ thu đông, những cái nghiêng điệu đà của người bán hàng mời chào khách, nụ cười, những cái nhìn… tất cả như xoáy vào lòng du khách.
Ðặc biệt, khu phố cổ mang một vẻ lãng mạng, sâu lắng và bình yên dưới ánh đèn lồng huyền ảo mỗi đêm 14 âm lịch hàng tháng. Khi đèn điện đồng loạt tắt, mọi sinh hoạt của phố cổ bình yên này được quay trở về với tập quán của hơn 300 năm trước dưới ánh sáng mờ dịu, phảng phất dấu ấn thời gian xa xưa của chiếc đèn lồng.
5. Nhà thờ Mằng Lăng
Ảnh: Internet
Nhà thờ Mằng Lăng được coi nhà thờ cổ nhất tỉnh Phú Yên và là một trong những nhà thờ lâu đời nhất tại Việt Nam, tọa lạc bên bờ sông Cái, thuộc thôn Hội Phú, xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.
Được xây dựng vào năm 1892, đến nay nhà thờ đã có niên đại trên 120 tuổi. Nét cổ kính của nhà thờ Mằng Lăng không chỉ hấp dẫn các tín đồ Công giáo địa phươn, mà còn thu hút rất nhiều du khách khắp mọi miền đất nước.
Nhà thờ được xây dựng trong diện tích 5.000m2 với kiến trúc Gothic vô cùng đẹp mắt và có chút bí ẩn. Gần như toàn bộ công trình được sơn một màu xám nhẹ, trông thanh sạch và gần gũi. Sự gần gũi của nhà thờ Mằng Lăng còn được tô điểm thêm bởi các hoa văn đơn giản xung quanh nhà thờ, bởi các vườn cây xinh xắn trong khuôn viên đang đua nhau tỏa bóng.
Vào các ngày cuối tuần, nhà thờ Mằng Lăng được tiếp thêm sức sống nhờ các tín đồ Công giáo đến tham gia thánh lễ. Vẻ đẹp tín ngưỡng được toát ra từ khắp bốn bề của nhà thờ cổ. Vào những ngày khác trong tuần, dù ít nhộn nhịp hơn nhưng nhà thờ Mằng Lăng vẫn hiền hòa lan tỏa tiếng chuông của mình, như một lời kinh cầu an lành gửi đến vạn vật.
6. Nhà cổ Bình Thủy
Ảnh: VnExpress
Đến xứ Tây Đô, ngoài trải nghiệm chợ nổi Cái Răng, dạo bộ bến Ninh Kiều... du khách không thể bỏ qua chuyến thăm ngôi nhà cổ Bình Thủy đã có trên 100 năm tuổi, được dùng làm bối cảnh của nhiều phim nổi tiếng.
Nhà cổ Bình Thủy hiện thờ họ Dương, được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1870 và tôn tạo lại vào giai đoạn đầu thế kỷ 20. Ngôi nhà bề thế nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, Bình Thủy, Cần Thơ. Bước qua rào cổng kiên cố bằng bê tông và sắt theo kiểu dinh thự Pháp, bạn sẽ thấy một cổng phụ xây theo kiến trúc Á Đông với 4 cột tròn, mặt trước gắn bảng "Phước An Hiệu".
Chủ nhân ngôi nhà là ông Dương Chấn Kỷ - một thương gia trí thức giàu có, đồng thời cũng là điền chủ có óc mỹ thuật. Ông rất thích tìm tòi cái mới, lạ của trào lưu Tây phương đang thịnh hành, đặc biệt trong lĩnh vực kiến trúc. Chính vì vậy, du khách có thể nhận thấy sự kết hợp hài hòa giữa hai nền văn hóa Đông - Tây.
Ngôi nhà cổ được bao bọc bởi rất nhiều cây và hoa nở rộ bốn mùa làm không gian vừa có sẵn nét cổ kính, vừa sống động, tươi mới.
Dù đã trải qua hai cuộc chiến tranh, nhất là sự xâm hại của thời gian, nhưng ngôi nhà cổ vẫn còn khá nguyên vẹn, là một công trình kiến trúc có giá trị tới ngày nay. Hiện ngôi nhà do hậu duệ dòng họ Dương cùng gia đình tiếp tục kế thừa và gìn giữ.