6 cách tạo lòng tin nhờ ngôn ngữ cơ thể

6 cách tạo lòng tin nhờ ngôn ngữ cơ thể

Bằng cách sử dụng những tín hiệu không lời, chúng ta sẽ tạo được lòng tin khi giao tiếp với người khác. 

1.Tạm dừng nghe điện thoại

Việc duy trì tiếp xúc ánh mắt khi ai đó đang nói chuyện sẽ xây dựng được lòng tin, vì nó thể hiện sự quan tâm chân thành. Tuy vậy, khó có thể làm điều này nếu bạn cứ liên tục nhìn vào điện thoại hay chăm chú nhìn xung quanh phòng.

Theo tiến sĩ người Mỹ Paul Zak, chúng ta hãy lắng nghe bằng mắt, nhằm ngụ ý truyền tải thông điệp “Tôi không muốn xem email lúc này, vì bạn là người quan trọng”. Việc xây dựng những mối liên kết chặt chẽ giữa con người với nhau giúp chúng ta dễ tạo được lòng tin và biết nhiều hơn về họ.

2. Biểu hiện của tay và chân

Chỉ có thể bắt chéo 2 tay và chân khi bạn cảm thấy lạnh. TS. Lisa Gueldenzoph Snyder (Trường Đại học Bắc Carolina) cho biết: “Bắt chéo 2 tay và chân nhằm tỏ ý truyền đạt thông tin tiêu cực đến người nghe, do đây là tư thế phòng vệ, làm cản trở bất cứ nền tảng nào của việc xây dựng lòng tin. Vậy nên, hãy chắc chắn rằng cơ thể của bạn luôn trong tư thế thoải mái, nó khiến bạn cảm thấy cởi mở hơn và hiểu được suy nghĩ của người khác”.

Chỉ, trỏ ngón tay vào người khác giống như một lời buộc tội, trong khi đó việc giơ cao nắm đấm tay cho thấy bạn đang tức giận, ngay cả khi sử dụng những cử chỉ này nhằm nhấn mạnh vấn đề. Khi mở rộng bàn tay, mọi người sẽ cởi mở hơn với bạn. Mở rộng lòng bàn tay, các ngón tay duỗi thẳng khi cần nhấn mạnh vấn đề là biểu hiện của sự cởi mở. Ngược lại, ngón tay khép lại là dấu hiệu của sự đổ lỗi, thiếu cởi mở.

3. Chạm người đúng cách

Chạm nhẹ vào bàn tay của một người có ngụ ý bạn muốn hỗ trợ họ.

Theo nhận xét của TS. Gueldenzoph Snyder: “Khi nói "Tôi lấy làm tiếc về điều đó" mà không kèm theo bất cứ ngôn ngữ cơ thể nào, thì việc làm của bạn sẽ ít có ý nghĩa gắn kết. Trong khi đó, một cái chạm nhẹ vào khuỷu tay hay vai dành cho người đối diện thể hiện sự thấu cảm nhiều hơn. Tuy nhiên, tránh dùng cách này ở chỗ làm việc bởi vì ngay cả những cái chạm tay nhẹ có thể vô tình bị hiểu sai ý nghĩa”.

4. Chỉ cần mỉm cười và gật đầu

Gật đầu và mỉm cười trong khi ai đó đang nói chuyện là dấu hiệu đang lắng nghe, thể hiện sự quan tâm về vấn đề người đối diện đang nói.

Theo ý kiến của giáo sư ngôn ngữ học – nghệ thuật và khoa học về giao tiếp Carla Chamberlin-Quinlisk (Trường Đại học Pennsylvania) thì: “Đó thực sự là một biểu hiện tốt của việc lắng nghe từ phản hồi không lời. Chỉ cần đừng thể hiện quá mức sẽ khiến người đối diện cảm thấy thiếu chân thành”.

5. Vị trí ngồi

Việc chọn ngồi ở ghế cao hơn người khác là biểu hiện của sự thống trị, nhất là khi muốn chứng tỏ quyền lực. Nó sẽ bất lợi nếu bạn đang có ý định xây dựng lòng tin.

Ngồi ở vị trí ở giữa thay vì cuối của một bàn hội nghị, sẽ khiến mọi người có tâm lý đề phòng, cảnh giác khi cần đóng góp ý kiến. Còn khi chọn ngồi ngang hàng, ngụ ý muốn chia sẻ quyền lực với những người khác, bạn sẽ gặt hái nhiều điều tốt đẹp hơn.

6. Hạn chế ghi chú

Đôi lúc, ghi chú là cần thiết khi đang nói chuyện với đồng nghiệp, nhưng cần chắc chắn rằng mọi đoạn ghi chú ngắn cần kèm theo tiếp xúc ánh mắt. Nếu bạn cứ liên tục cắm cúi viết điều người khác nói, thì họ có thể bắt đầu cảm thấy không thoải mái.

Tin bài liên quan