Một làn sóng mới những doanh nhân trên toàn cầu đang lãnh đạo doanh nghiệp với mục tiêu tạo ra tác động tích cực lên xã hội.
Đây là kết quả của báo cáo mới nhất trong chuỗi nghiên cứu “Tinh hoa doanh nghiệp” do Khối dịch vụ tài chính tư nhân thuộc Tập đoàn HSBC ủy quyền thực hiện.
Báo cáo cho thấy, những doanh nghiệp trẻ chính là thế hệ đang dẫn đầu xu hướng này. Có 24% doanh nhân dưới 35 tuổi cho biết, động lực của họ là tạo sự thay đổi tích cực trong xã hội so với chỉ 11% doanh nhân trên 55 tuổi.
Báo cáo cũng cho thấy, thế hệ doanh nhân trẻ chính là những người quan tâm đến việc nuôi dưỡng tinh thần khởi nghiệp, xem đó là một cách để kết nối và hợp tác với cộng đồng doanh nhân.
Doanh nghiệp hướng về cộng đồng
Cứ 5 doanh nhân thì có một người xem trách nhiệm xã hội, sự tích cực của doanh nhân trong cộng đồng và trách nhiệm với môi trường mới là ưu tiên hàng đầu của chủ doanh nghiệp, thay vì các ưu tiên khác như tối đa hóa giá trị cho cổ đông hay sự thịnh vượng về kinh tế.
Những doanh nhân xem trọng tác động xã hội có khuynh hướng đầu tư hỗ trợ khởi nghiệp nhiều hơn. Cụ thể, 55% trong số doanh nhân xem trọng tác động xã hội có đầu tư vào khởi nghiệp so với 44% trong số doanh nhân xem trọng các yếu tố thương mại.
Bên cạnh đó, những doanh nhân xem trọng tác động xã hội sẵn sàng lắng nghe ý kiến chuyên gia và tiếp nhận tư vấn nhiều hơn nhóm người còn lại (75% so với 66%).
Cuộc khảo sát cũng cho thấy mối liên hệ mạnh mẽ giữa việc xem trọng tác động xã hội với khát vọng của doanh nghiệp. Có 33% trong số những chủ doanh nghiệp dự kiến đạt tăng trưởng cao nói rằng họ đã khởi động các quỹ đầu tư mạo hiểm với kỳ vọng tạo ra tác động xã hội tích cực, trong khi có khoảng 28% những chủ doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng thấp nhất thực hiện điều này. Tác động xã hội vì vậy nên được xem như một phần không thể thiếu của công thức đưa doanh nghiệp đến thành công.
Phong cách đầu tư mới
Gần phân nửa những doanh nhân tham gia khảo sát (47%) đã đầu tư vào các công ty tư nhân chưa niêm yết khác, chắt lọc cả chuyên môn và dòng vốn để tái phục vụ cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, chính những doanh nhân trẻ là những người hăng hái đầu tư hơn so với thế hệ đi trước, với 57% doanh nhân dưới 35 tuổi đang đầu tư vào các công ty khởi nghiệp (startup) so với chỉ 29% doanh nhân trên 55 tuổi.
Những khác biệt thế hệ cũng tồn tại trong cách các doanh nhân nhìn nhận và tiếp cận đầu tư vào khởi nghiệp. Hơn phân nửa (57%) trong số những doanh nhân trẻ xem đầu tư vào khởi nghiệp là một cách để kết nối và hợp tác với cộng đồng doanh nhân, cập nhật các tiến bộ cũng như các thách thức trong ngành và nâng cao kiến thức cùng năng lực chuyên môn.
Trong khi đó, thế hệ đi trước đang đầu tư vào khởi nghiệp như một cách để đa dạng hóa và phát triển danh mục đầu tư. Họ tiếp cận cơ hội đầu tư theo cách phi chính thức, ví dụ như thông qua các mối quan hệ cá nhân.
Có 43% trong số những doanh nhân trên 55 tuổi xem bạn bè họ là kênh tiếp cận các công ty mới. Trong khi đó, 44% trong số các doanh nhân dưới 35 tuổi thông qua tư vấn chuyên nghiệp để tìm đến các cơ hội đầu tư.
Stuart Parkinson, Giám đốc toàn cầu phụ trách Đầu tư, Khối dịch vụ tài chính tư nhân Tập đoàn HSBC nhận định: "Rõ ràng, những doanh nhân trẻ hơn muốn tạo nên những điều tốt đẹp cho xã hội. Sẽ là sai lầm khi cho rằng khát vọng đó là kiểu chủ nghĩa lý tưởng của những người trẻ, như thể một khoảng dừng tạm thời khi con người đạt được thành tựu về tài chính.
Họ hiểu rằng, việc kinh doanh của họ không thể mang lại tác động như mong muốn nếu không có tăng trưởng bền vững và họ tập trung để đạt được cả hai.
Họ nhận ra những hiệu ứng tích vực từ đầu tư cho khởi nghiệp, và cảm thấy hạnh phúc khi thông qua đầu tư họ có thể kết nối với một cộng đồng doanh nhân rộng lớn hơn, góp phần vào thành công của người khác cũng như học hỏi lẫn nhau".
Những cách tiếp cận khác nhau trên toàn cầu
Báo cáo cũng thể hiện những khác biệt về tư duy làm kinh doanh ở các thị trường trên toàn cầu. Các doanh nhân ở Trung Đông (66%) là những nhà đầu tư khởi nghiệp xông xáo nhất, kế tiếp là Mỹ (54%) và Trung Quốc (53%). Trong khi đó, tại Châu Âu, 45% doanh nhân tại Anh đang đầu tư khởi nghiệp, kế tiếp là tại Đức (35%) và tại Thụy Sĩ (33%).
Những doanh nhân trẻ hơn muốn tạo nên những điều tốt đẹp cho xã hội. Sẽ là sai lầm khi cho rằng khát vọng đó là kiểu chủ nghĩa lý tưởng của những người trẻ.
Doanh nhân ở các khu vực khác nhau cũng có cách tiếp cận đầu tư vào khởi nghiệp khác nhau. Tại Mỹ, việc đầu tư vào khởi nghiệp mang tính chuyên nghiệp cao. Các nhà đầu tư tìm kiếm những cơ hội mới thông qua các kênh chính thức, như các chuyên gia tư vấn hoặc chuyên gia tài chính. Ngược lại, các doanh nhân ở Trung Đông chủ yếu thông qua bạn bè. Cụ thể, 51% doanh nhân tại Mỹ có đầu tư khởi nghiệp có chuyên gia tư vấn tài chính so với 38% doanh nhân tại Trung Đông.
45% doanh nhân tại Mỹ có đầu tư khởi nghiệp thông qua bạn bè so với 53% tại Trung Đông. Các doanh nhân cũng nhận thức được vai trò của họ là hỗ trợ, giúp nâng cao các kỹ năng lãnh đạo và phát triển các công ty khởi nghiệp. Tại Mỹ, những doanh nhân xem mình là kẻ thách thức đối với tư duy và chiến lược của doanh nghiệp mà họ đầu tư nhằm giúp nâng cao hiệu quả của đội ngũ quản lý.
Tại châu Âu, các doanh nhân có xu hướng đầu tư vào khởi nghiệp như một cách để đa dạng hóa và phát triển danh mục đầu tư, hơn là để xây dựng mạng lưới và chia sẻ chuyên môn.
Về mặt tác động xã hội, các doanh nhân ở Mỹ và Trung Quốc xem trọng các vấn đề môi trường, với tỷ lệ 8,1/10 người ưu tiên các vấn đề về môi trường trong kế hoạch kinh doanh của họ, so với 6,7/10 người ở Anh, Singapore, Thụy Sĩ và Úc.
Có 64% doanh nhân ở Ả Rập Saudi và 62% ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cho rằng doanh nghiệp cần tích cực hoạt động vì cộng đồng và xã hội – chiếm tỷ lệ cao nhất trong 11 nước tham gia khảo sát trong khi tỷ lệ trung bình toàn cầu là 44%