Ngay sau khi thành lập, SMEDF đã được kỳ vọng trở thành “bà đỡ” cho các dự án của các DNNVV. Sau 1 năm, “bà đỡ” đã hoạt động thế nào, thưa bà?
Một năm để chúng tôi hoàn tất hệ thống văn bản pháp luật khung cho tổ chức, hoạt động của Quỹ. Quy trình ủy thác cho vay qua 3 ngân hàng thương mại (gồm BIDV, Vietcombank, HDBank) cũng như các tiêu chí lựa chọn đối tượng ưu tiên hỗ trợ và các lĩnh vực ưu tiên hỗ trợ của Quỹ cũng đã được hoàn tất.
SMEDF đã xác định 4 lĩnh vực ưu tiên là: nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải, với gần 100 mã ngành đăng ký kinh doanh cấp 2, cấp 3.
Đặc biệt, nguồn vốn điều lệ 837,25 tỷ đồng được cấp từ ngân sách nhà nước cho năm 2016 đã là vốn mồi tốt cho việc huy động các nguồn tài chính ngoài nhà nước cùng tham gia hỗ trợ DNNVV.
Đến nay đã có bao nhiêu DNNVV hưởng lợi từ hoạt động của Quỹ?
Chỉ tính riêng trong tháng 12/2016, thời điểm chính thức lựa chọn các hồ sơ đủ điều kiện, đã có 20 hồ sơ được 3 ngân hàng nhận ủy thác đề nghị Quỹ chấp thuận ủy thác đợt 1, với tổng nhu cầu vay vốn khoảng 250 tỷ đồng. Việc giải ngân đang được thực hiện theo tiến độ triển khai dự án và nhu cầu của DNNVV.
Có thể nói, số DNNVV được hỗ trợ chưa nhiều, nhưng đây mới là giai đoạn “làm quen” với doanh nghiệp. Đến tháng 4/2017, đã có hơn 1.000 lượt DNNVV tiếp cận, tìm hiểu thông tin về các chương trình hỗ trợ qua các kênh như hội thảo, truyền thông, Call Center. Đây là tín hiệu mừng sau 1 năm đi vào hoạt động.
Năm tới, chúng tôi sẽ đánh giá tác động cụ thể đến từng nhóm đối tượng mà Quỹ đã hỗ trợ.
Cũng phải nhấn mạnh, việc Quỹ ủy thác cho vay DNNVV thông qua các ngân hàng thương mại thậm chí còn khuyến khích ngân hàng tự thu xếp nguồn lực để tham gia hỗ trợ tài chính cho DNNVV, tác động đến định hướng nhóm khách hàng trọng tâm của họ. Các ngân hàng đã quan tâm hơn khu vực DNNVV, thay vì doanh nghiệp lớn. Việc đánh giá rủi ro cũng thay đổi, chuyển từ việc đề cao tiêu chí tài sản bảo đảm sang việc chú trọng đánh giá năng lực nội tại của doanh nghiệp (triển vọng phát triển, kinh nghiệm của chủ doanh nghiệp, tính minh bạch của thông tin tài chính…).
Bên cạnh đó, với mức lãi suất cho vay ưu đãi của Quỹ (5,5% với khoản cho vay ngắn hạn và 7% với khoản cho vay trung và dài hạn), các ngân hàng nhận ủy thác cũng cam kết đồng tài trợ cho DNNVV với mức lãi suất cho vay thương mại ưu đãi dành cho DNNVV theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, đồng thời giảm thiểu yêu cầu về tài sản đảm bảo. Thậm chí, các ngân hàng còn điều chỉnh các gói dịch vụ cho vay thương mại với các điều kiện thuận lợi hơn cho DNNVV để cạnh tranh với chương trình hỗ trợ của Quỹ.
DNNVV đỡ khó hơn trong tiếp cận tín dụng.
Vậy kế hoạch của Quỹ năm 2017 là gì, thưa bà?
Quỹ đã ban hành Chương trình hỗ trợ tài chính với tổng hạn mức là 560 tỷ đồng. Các chương trình này dành cho hỗ trợ DNNVV đổi mới sáng tạo; DNNVV trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; lĩnh vực chế biến, chế tạo; hoạt động cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải.
Ngay sau khi Chương trình được ban hành, các ngân hàng nhận ủy thác cũng cam kết bố trí nguồn vốn đối ứng đầy đủ để đồng tài trợ DNNVV được Quỹ chấp thuận vay vốn.
Bên cạnh đó, với đội ngũ cán bộ được đào tạo nghiệp vụ tài chính - ngân hàng, có kinh nghiệm làm việc lâu năm tại các ngân hàng thương mại, cùng với các chuyên gia trong nước và quốc tế về tài chính, công nghệ, chúng tôi tin là sẽ làm tốt các công tác hỗ trợ, tư vấn cho DNNVV ngay từ khâu lập dự án, phương án sản xuất, kinh doanh đến giai đoạn triển khai dự án sau khi vay vốn.
Đây là phần việc quan trọng, đảm bảo nâng cao hoạt động của Quỹ, cũng như giúp DNNVV tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Năm nay, để thúc đẩy minh bạch trong hoạt động, Quỹ đang phối hợp với ngân hàng nhận ủy thác ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai chương trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ vay vốn của DNNVV trực tuyến.