Chênh lệch lợi nhuận hay doanh thu sau kiểm toán là vấn đề muôn thuở của doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp niêm yết. Nơi mà sự minh bạch quyết định niềm tin của nhà đầu tư.
Ấy vậy mà, theo thống kê của Vietstock, tính đến 08/09, trong 629 doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng 2012 thì có tới 352 doanh nghiệp có lợi nhuận chênh lệch. Trong đó, có 204 doanh nghiệp điều chỉnh giảm lợi nhuận, còn lại 148 doanh nghiệp điều chỉnh tăng.
Từ lãi sang lỗ… chuyện thường ngày!
Dẫn đầu danh sách có lợi nhuận chênh lệch cao là HLC với dấu ấn từ lãi gần 200 tỷ giảm xuống còn 14 tỷ đồng. Dù có sự chênh lệch lớn này nhưng hiện vẫn chưa thấy bất cứ thông tin giải trình nào của HLC.
“Ông lớn” MSN cũng nằm trong top những doanh nghiệp có tỷ lệ chênh lệch cao. Trong khi doanh thu thuần chênh lệch tăng thêm 153 tỷ đồng, lên 4.061 tỷ đồng thì lợi nhuận sau thuế giảm 58 tỷ đồng, xuống còn 849 tỷ đồng. Sở dĩ có sự chênh lệch này do doanh thu tài chính giảm 80 tỷ đồng do không có khoản phí quyền chọn và chi phí quản lý tăng 96 tỷ đồng.
Từ mức lãi sau thuế 124 tỷ đồng, sau soát xét, chỉ tiêu này của SCR giảm xuống còn 96.5 tỷ đồng, tương đương mức giảm 22%. Theo giải trình của công ty, do chênh lệch từ kết quả kiểm toán tại công ty liên kết là CTCP Đầu tư Bất động sản Tân Thắng. Cụ thể, đơn vị kiểm toán đã tính lại làm tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp tại Công ty Tân Thắng, dẫn đến lợi nhuận từ đầu tư vào công ty liên kết còn 56 tỷ đồng, so với 83.89 tỷ đồng trước soát xét. Đồng thời, trên bảng cân đối kế toán, số dư khoản đầu tư vào công ty liên doanh liên kết của SCR cuối quý 2/2012 là 726 tỷ đồng, giảm 27.79 tỷ đồng so với báo cáo trước soát xét.
Đặc biệt trong top 10 này, SDH nổi bật với chỉ tiêu lãi sau thuế biến đổi 180 độ sau soát xét, từ lãi gần 3 tỷ đồng thành lỗ tới 19 tỷ đồng. Theo SDH, nguyên nhân lỗ là do các khoản chi phí phát sinh thêm, bao gồm 12 tỷ đồng dự phòng công nợ phải thu, 4.5 tỷ đồng dự phòng chi phí dở dang về xây lắp, và 259 triệu đồng lãi vay phải trả cho bảo hiểm và ngân hàng…
Ngoài ra, XMC, SDJ và PVL cũng tăng mạnh mức lỗ sau khi được đơn vị kiểm toán kiểm tra.
Trong đó, XMC “được” đơn vị kiểm toán lưu ý đến khoản nợ ngắn hạn 1,483 tỷ đồng đã vượt quá 192 tỷ đồng so với tài sản ngắn hạn tại thời điểm 30/06/2012. Ngoài ra, lưu chuyển thuần từ kinh doanh trong 6 tháng đầu năm của công ty này cũng âm 44.5 tỷ đồng. Theo đó, khả năng thanh toán của XMC phụ thuộc vào lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh có thể thu được trong tương lai, huy động vốn từ khách hàng mua bất động sản, vay vốn từ các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh tế và các nhà đầu tư.
Giải trình về khoản lỗ tăng thêm 15 tỷ đồng sau soát xét, XMC cho biết do 3 công ty thành viên có kết quả kinh doanh sau soát xét có lỗ tăng thêm 8.7 tỷ đồng làm ảnh hưởng đến kết quả hợp nhất. Khoản lỗ tăng thêm từ các công ty thành viên bao gồm 2.9 tỷ từ CTCP Đầu tư và Xây dựng số 45, 2.4 tỷ từ CTCP Bê tông Vinaconex Phan Vũ và 3.4 tỷ từ CTCP Vinaconex Xuân Mai Đà Nẵng.
SDJ là doanh nghiệp có “thâm niên” kết quả sau kiểm toán luôn thay đổi. Bởi cuối năm 2011, từ mức lãi 2.7 tỷ đồng, sau kiểm toán SDJ lỗ ròng 7.4 tỷ đồng. Với con số lỗ này, Sở GDCK Hà Nội (HNX) đã đưa cổ phiếu SDJ vào diện cảnh báo từ ngày 31/05. Sau “án treo” này, SDJ đã đưa ra một vài phương án khắc phục tình trạng thua lỗ như: Làm việc với các chủ đầu tư để giải quyết các vướng mắc về phương pháp tính bù giá và nghiệm thu thanh toán các khối lượng đã thực hiện; tập trung công tác thu hồi công nợ, tiết kiệm chi phí; sắp xếp tổ chức sản xuất, tiếp thị tìm kiếm việc làm, xây dựng các giải pháp thực hiện sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Nhưng với kết quả 6 tháng đầu năm 2012 lỗ gần 16 tỷ đồng thì dường như những phương án chung chung của SDJ chưa phát huy hiệu quả.
Đối với PVL, mức lỗ tăng thêm 12.5 tỷ đồng sau soát xét là do công ty điều chỉnh tăng chi phí tài chính từ 7.5 tỷ đồng lên 17.9 tỷ đồng. Công ty vẫn chưa có thông tin giải trình nào về vấn đề này.
Đột nhiên lãi lớn… không lý do
Sau soát xét, doanh thu thuần 6 tháng của GAS giảm 126 tỷ đồng nhưng nhờ mức điều chỉnh giảm giá vốn cao hơn mức điều chỉnh giảm doanh thu thuần nên lãi gộp tăng 38 tỷ đồng lên 7.204 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận cũng tăng thêm 62 tỷ đồng, dù xét về tỷ lệ phần trăm chênh lệch chỉ ở mức 1,36%.
"Gia đình" Tập đoàn Đại Dương cũng có 2 thành viên lọt vào danh sách chênh lệch tăng sau soát xét là OCH và OGC với mức tăng lần lượt 56,6 tỷ đồng và 24 tỷ đồng. Ngoài ra, dù có kết quả kinh doanh thua lỗ, nhưng SGT cũng đáng được điểm tên khi giảm lỗ khá mạnh sau soát xét còn 51,5 tỷ đồng.
Dù mức chênh lệch lợi nhuận chỉ tăng thêm 7,7 tỷ đồng sau soát xét, nhưng báo cáo của UNI được đơn vị kiểm toán lưu ý khoản phải thu ngắn hạn trị giá 33,5 tỷ đồng của bà Lê Mộng Huyền (không phải thành viên của công ty). Khoản thu này dựa trên hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa công ty và bà Huyền. Theo đó, hai bên hợp tác kinh doanh trong việc đầu tư tài chính, UNI không can thiệp vào hoạt động đầu tư tài chính của bà Huyền khi sử dụng số tiền hợp tác kinh doanh nói trên. Trong 6 tháng đầu năm 2012, UNI chưa phát sinh khoản lãi nào từ hợp đồng đầu tư này. Thời hạn dự kiến chấm dứt hợp đồng là 31/12/2012, khoản đầu tư này chiếm 35,36% vốn chủ sở hữu của công ty mà không có bất cứ khoản đảm bảo nào, cũng như mục đích cụ thể của việc sử dụng vốn.
Việc chênh lệch báo cáo tài chính sau soát xét hay kiểm toán đều không phải là vấn đề mới nhưng hiện vẫn chưa có chế tài nào đủ mạnh để giải quyết triệt để ngoài việc đề nghị công ty… giải trình. Và như thế, niềm tin của nhà đầu tư vào báo cáo tài chính của doanh nghiệp ngày càng vơi đi với những ngờ vực về con số - Thật hay ảo?!