Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp về Hội chữ này tổ chức sáng nay, 1/2, tại Hà Nội.
Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám, trưởng ban tổ chức cho biết: “Đây là năm thứ 5 Hội chữ Xuân được tổ chức với mục tiêu tạo không gian vui chơi đậm chất văn hóa Tết cho người dân Hà Nội và những vùng lân cận. Với 97 người đăng ký dự thi, chúng tôi đã chọn lựa được 55 người viết chữ đủ trình độ, chất lượng tham gia viết chữ tại Hội chữ Xuân 2018, trong đó có 45 người viết Hán nôm và 10 người viết chữ Quốc ngữ”.
Cũng theo ông Kiêu, điểm nhấn của Hội chữ Xuân là triển lãm thư pháp với chủ đề “Hiền tài” trưng bày 35 bức thư pháp chữ Hán-Nôm và chữ Quốc ngữ nhằm truyền tải nội dung cổ vũ tinh thần “Tôn sư trọng đạo, tôn trọng hiền tài” của dân tộc.
Không gian Hội chữ Xuân sẽ được phân thành các khu vực bao gồm: Khu sân khấu trung tâm nơi diễn ra lễ khai mạc, bế mạc, các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống…;
Khu trưng bày triển lãm thư pháp; khu viết chữ với 63 gian; khu tái hiện quang cảnh trường thi gồm nhà Thập đạo, chòi canh, lều chõng...;
Khu vực làng nghề truyền thống gồm giấy dó, tranh dân gian, gốm sứ, mây tre đan, cói, thêu dệt, chạm khắc gỗ…và khu vực các trò chơi dân gian như nặn tò he, vẽ tranh, ô ăn quan….
Ngoài ra, du khách cũng sẽ được tìm hiểu những hoạt động hữu ích, rất đặc trưng của ngày Tết như tìm hiểu về mâm ngũ quả ngày Tết, trải nghiệm gói bánh trưng ngày Tết với một số món ăn đặc trưng truyền thống hay tham gia lễ hội hoa đăng thả đèn xuống mặt hồ với mong muốn một năm mới An khang, Thịnh vượng, Như ý….
Theo thông lệ, Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam, chứa đựng rất nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán độc đáo.
Trong đó, khai bút đầu năm là một phong tục đẹp, đầy thú vị, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Khai bút và xin chữ đầu năm có ý nghĩa đề cao sự học, gửi gắm trong những nét chữ đầu xuân là ước nguyện về một năm thi cử đỗ đạt, học hành tấn tới, sự nghiệp như ý. Khai bút thường là lúc giao thừa vừa sang hoặc vào buổi sáng mồng Một tết.
Đây được coi là những thời điểm quan trọng và thiêng liêng nhất. Đó cũng là lý do, Hội chữ Xuân tại Văn Miếu Quốc Tử Giám luôn là một trong những sự kiện hấp dẫn nhất với người dân Hà Nội và một số vùng lân cận mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Mặc dù đây là năm thứ 5, hoạt động này được tổ chức quy củ, công khai, minh bạch nhưng theo ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hiện tại Hà Nội có nhiều lễ hội, trong nhiều lễ hội hoạt động cho chữ đầu năm vẫn diễn ra.
Tuy nhiên, chỉ có Hội chữ Xuân tổ chức hàng năm tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, các ông đồ mới được sát hạch đảm bảo chất lượng.
Ông Tiến ví dụ: “Năm nay có 10 người từ chùa Hương vượt qua kỳ thi sát hạch của Hội chữ Xuân tuy nhiên, để có kết quả này, trước đó, có những người mất 2 năm trời đi lại học tập mới vượt qua kỳ thi này. Do đó, để đảm bảo chất lượng, thời gian tới, chúng tôi sẽ xem xét các hoạt động kiểm tra nhằm bảo đảm mục tiêu hoạt động cho chữ phải thực chất và có chất lượng”.
“Tránh tình trạng như những năm trước, người cho chữ không hiểu và giải thích được nghĩa của chữ họ viết, năm nay, ban tổ chức đã biên soạn một cuốn sách gồm 200 thành ngữ, từ cố định biên soạn và dịch ra tiếng Việt để người cho chữ có thể tìm hiểu và giải thích cặn kẽ nội dung cho nhân dân”, ông Trần Quốc Trí, Trưởng ban Liên lạc các câu lạc bộ thư pháp Hà Nội nói.