520 tỷ USD cần được xoá nợ để đáp ứng mục tiêu khí hậu của các kinh tế đang phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo một báo cáo của Đại học Boston công bố vào thứ Năm (6/4), khoản nợ lên tới 520 tỷ USD cần được xóa nợ để giúp các quốc gia đang phát triển có nguy cơ vỡ nợ cao nhất quay trở lại nền tảng tài chính vững chắc hơn và đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và phát triển.
520 tỷ USD cần được xoá nợ để đáp ứng mục tiêu khí hậu của các kinh tế đang phát triển

Theo tính toán từ Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của Đại học Boston và dự án Giảm Nợ cho Phục hồi Xanh và Toàn diện (DRGR), việc xoá nợ đối với các chủ nợ công và tư nhân của 61 quốc gia đã hoặc đang có nguy cơ lâm vào tình trạng khó khăn về nợ là điều cần thiết để tránh "vỡ nợ theo tầng".

Kevin P. Gallagher, đồng chủ tịch dự án DRGR và giám đốc Trung tâm Chính sách Phát triển Toàn cầu của Đại học Boston cho biết: “Nếu không có tham vọng xóa nợ, nhiều nước nghèo nhất sẽ không có cơ hội”.

Đại dịch Covid-19, sau đó là những cú sốc về lương thực và nhiên liệu sau khi xung đột Nga-Ukraine leo thang vào năm 2022 đã gây ra căng thẳng lớn cho tài chính công và dẫn đến chi phí đi vay tăng vọt.

Đồng thời, nợ công của các thị trường mới nổi đã tăng 178% kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tăng lên 3.900 tỷ USD vào năm 2021 và cơ cấu của những người cho vay ngày càng trở nên phức tạp.

Trong khi đó, làm thế nào để giữ cho các quốc gia có nguy cơ không bị vỡ nợ sẽ là chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự tại các cuộc họp mùa xuân của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tuần tới.

Fitch Ratings cho biết, hiện có một số lượng kỷ lục các khoản nợ quốc gia không trả được nợ, trong khi IMF cho biết 25% các thị trường mới nổi và 60% các quốc gia có thu nhập thấp đang hoặc sắp lâm vào tình trạng khó khăn về nợ nần.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khoản nợ 812 tỷ USD đối với tất cả các loại chủ nợ nên nằm trong phạm vi tái cơ cấu.

Để đạt được kết quả tốt nhất, các nhà nghiên cứu đã đề xuất đưa vào các công cụ đã làm dịu bớt các cuộc khủng hoảng nợ của các thị trường mới nổi trước đây.

Điều này bao gồm một cơ sở bảo lãnh sẽ cung cấp các cải tiến, hoặc các hình thức bảo đảm cho trái phiếu Brady (trái phiếu được phát hành bởi chính phủ của các quốc gia đang phát triển và là một trong số những trái phiếu có tính thanh khoản cao nhất) mới phát hành tập trung vào phục hồi xanh và toàn diện mà các chủ nợ tư nhân và thương mại có thể hoán đổi với một khoản cắt giảm đáng kể so với nợ cũ.

"Đề xuất này theo nhiều cách là một phiên bản hiện đại của Kế hoạch Brady và Sáng kiến của các nước nghèo mắc nợ cao (HIPC) của những năm 1990 - lần gần nhất mà tình trạng nợ nần đe dọa các mục tiêu phát triển của chúng ta”, báo cáo cho biết.

Điều này trùng hợp với những gì các chuyên gia cảnh báo là thảm họa môi trường đang chờ xử lý. Nghiên cứu đã tìm thấy mối tương quan giữa tình trạng nợ nần và tình trạng dễ bị tổn thương do khí hậu, trong đó một loạt các quốc gia đang gặp khó khăn về nợ nần bao gồm Pakistan, Ethiopia và Malawi, gần đây đã phải chiến đấu với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đồng thời làm gia tăng áp lực đối với tài chính công.

Báo cáo cũng cảnh báo rằng, khi thị trường tài chính ngày càng đưa các rủi ro liên quan đến khí hậu vào các đánh giá của họ, thì việc đi vay của các quốc gia đó sẽ trở nên đắt đỏ hơn và điều này khiến các dự án thiết yếu nhằm cắt giảm khí thải và tăng cường khả năng phục hồi khí hậu nằm ngoài tầm với. Ông Gallagher cũng cảnh báo rằng, sự chậm trễ trên diện rộng đối với các dự án đó có thể là một thảm họa.

“Cái giá của việc trì hoãn hành động khí hậu xét về tác động sinh thái, bão, bất ổn xã hội, những thứ đó còn nhiều hơn những gì chúng tôi đang đề xuất ở đây”, ông Gallagher cho biết.

Tin bài liên quan