51.500 tỷ đồng vốn Trung ương cho xây dựng nông thôn mới có khả thi

0:00 / 0:00
0:00
Chiều 23/6, Uỷ ban Kinh tế Quốc hội họp trực tuyến thẩm tra tờ trình của Chính phủ đề xuất chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Đến tháng 5/2021 cả nước có 5.298/8267 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Đến tháng 5/2021 cả nước có 5.298/8267 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Theo tờ trình của Chính phủ, mục tiêu phấn đấu của chương trình này đến năm 2025 là, cấp xã có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Về phạm vi, chương trình được thực hiện trên địa bàn nông thôn cả nước. Liên quan đến khả năng bố trí vốn ngân sách Trung ương cho chương trình, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đa số các thành viên Chính phủ đều nhất trí với tính toán của bộ này. Đó là, trong giai đoạn 2021 - 2025 cần thiết phải bố trí cho chương trình khoảng 51.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ý kiến của Hội đồng thẩm định nhà nước, tổng vốn ngân sách Trung ương của chương trình giai đoạn 2021 - 2025 mới bố trí được khoảng 39.632 tỷ đồng. Bao gồm, vốn đầu tư phát triển 30.000 tỷ đồng và vốn sự nghiệp 9.632 tỷ đồng.

Theo ý kiến đa số các thành viên Chính phủ, Chính phủ vẫn đề nghị Quốc hội xem xét, phê duyệt vốn ngân sách Trung ương cho chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là 51.500 tỷ và giao Chính phủ nghiên cứu, tìm nguồn bố trí tăng 11.868 tỷ đồng.

Chính phủ dự kiến tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2021- 2025 là 2.602.312 tỷ đồng, trong đó vốn tín dụng dự kiến khoảng 1.790.000 tỷ đồng, chiếm 68,8%.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, bà Vũ Thị Lưư Mai cho biết, Uỷ ban này thực sự băn khoăn về tính khả thi của con số 51.500 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương.

"Uỷ ban Tài chính- Ngân sách cho rằng cần chọn phương án 39.632 tỷ đồng vì giai đoạn tiếp theo, số tăng thu sẽ không lớn, hai là ảnh hưởng của dịch bệnh, lộ trình vắc xin còn rất dài, vắc xin chưa phổ cập thì tác động đến sản xuất. Thứ ba, chi ngân sách tới đây nhiệm vụ chi rất lớn, nhiều khoản nợ công đến thời gian trả nợ, để khả thì thì nên giữ phương án 39.632 tỷ đồng", bà Mai phát biểu.

"Chọn phương án nào là do Chính phủ, ta không lãng phí nhưng đừng tiết kiệm, quan trọng là hiệu quả", đại biểu Tạ Văn Hạ, Ủy viên thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nêu quan điểm.

"Không thể là Chính phủ chọn phương án được, bao nhiêu tiền là do Quốc hội quyết định", bà Vũ Thị Lưu Mai "phản biện".

Về con số 1.790.000 tỷ đồng tín dụng, chiếm 68,8%, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú giải thích, tín dụng cho nông thôn mới sẽ tăng theo sự phát triển kinh tế, sẽ đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao. Vì thế 5 năm tới ngành ngân hàng xác định phải đẩy cao hơn nữa tín dụng cho chương trình nông thôn mới.

"Cũng phải nói thật là nếu mổ xẻ ra thì tín dụng cho hai chương trình kia (chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 - PV) cũng tính ở đây", Phó Thống đốc nói.

Phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nói, ông "từ quê mới ra Thủ đô", nên hiểu được nông thôn mới, vui với nông thôn mới, buồn với nông thôn mới và trăn trở với nông thôn mới.

“Mẹ tôi là nông dân, và tôi sinh ra ở nông thôn”, Bộ trưởng chia sẻ và nhấn mạnh câu chuyện nông thôn mới là câu chuyên của tất cả chúng ta.

Dù chúng ta chia nhiều vai, trình, thẩm định, giám sát chính sách, nhưng cuối cùng chúng ta có bổn phận làm sao để chương trình nông thôn mới thiết thực, hiệu quả, ông Hoan bày tỏ quan điểm.

Cho rằng vừa qua có lãng phí trong đầu tư, ông Hoan nhấn mạnh dù phương án nào về nguồn lực thì cũng cần phải đầu tư hiệu quả, thực chất.

Nhắc lại vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là cân đối, phân bổ, sử dụng nguồn lực sao cho tránh lãng phí, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng phương án 51.500 tỷ đồng hay 39.632 tỷ đồng cũng đều có những lý do xác đáng.

Cá nhân tôi thì ủng hộ phương án đầu tư nhiều hơn cho nông thôn mới, ông Thanh nói.

Sau khi hoàn thiện thêm một bước, Chính phủ sẽ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tại kỳ họp thứ nhất vào tháng 7 tới.

Tin bài liên quan