500 điểm vẫn là mốc kháng cự mạnh

500 điểm vẫn là mốc kháng cự mạnh

(ĐTCK) VN-Index đã chinh phục thành công mốc tâm lý quan trọng 500 điểm trong phiên giao dịch ngày 7/8. Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Gia Nam, Trưởng phòng Môi giới I, CTCK Đông Á (DAG), về xu hướng thị trường.

Nhiều ý kiến cho rằng, 500 điểm vẫn là ngưỡng cản lớn đối với VN-Index, quan điểm của ông như thế nào?

Trong 3 tháng qua, VN-Index dao động tuần tự trong vùng 480 - 520 điểm. Do đó, VN-Index trong ngắn hạn vượt lên hoặc đi xuống dưới mốc 500 điểm sẽ trở nên bình thường và xảy ra thường xuyên. Quan sát các chỉ báo kỹ thuật của VN-Index, mốc 500 điểm biến động xung quanh đường trung bình di động MA 50 ngày, chỉ báo ADX, MFI duy trì ở mức dưới 40 cho thấy, xu thế biến động hẹp của VN-Index là chủ yếu. Việc nhiều nhà đầu tư coi 500 điểm là mốc kháng cự mạnh của VN-Index, chúng tôi nhận định, đây chỉ là một mốc tâm lý chung.

Vừa qua, giá xăng và giá điện tăng dự báo góp phần đẩy CPI các tháng cuối năm tăng cao hơn, lãi suất cũng khó giảm thêm, sẽ tác động lớn đến quyết định của nhà đầu tư tăng tỷ trọng vốn vào chứng khoán trong giai đoạn này. Với thanh khoản thị trường ở mức thấp so với các tháng trước, biến động của VN-Index đơn thuần thể hiện biến động giá của nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn chi phối chỉ số, ví dụ BVH, DPM, GAS, MSN, VIC, VNM, chứ chưa thể hiện chính xác diễn biến toàn thị trường.

 

Thanh khoản của thị trường đang ở mức thấp, cộng với tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng khi giải ngân. Liệu TTCK có giữ được mốc 500 điểm, thưa ông?

Tâm lý thận trọng của nhà đầu tư được thể hiện một phần qua thanh khoản của thị trường trong giai đoạn hiện tại, lực mua bán ở mức trung bình thấp, nhà đầu tư ngắn hạn chưa mạnh dạn mua vào trong những phiên giảm điểm, trong khi tranh thủ bán ra chốt lãi sớm trong những phiên tăng điểm. Vì thế, để thị trường tăng mạnh thì lực cầu phải cao, dòng tiền vào thị trường mạnh hơn, tạo sự bứt phá và thay đổi tâm lý của nhà đầu tư trong ngắn hạn.

Theo các công bố gần nhất về kết quả kinh doanh quý II, nhiều DN vốn hoá lớn có kết quả kinh doanh khả quan, do đó chúng tôi đánh giá, trong ngắn hạn, VN-Index sẽ dao động xung quanh mốc 500 điểm và có thể tăng nhẹ.

 

Ngày 15/8 là hạn cuối cùng để các doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm. Theo ông, các cổ phiếu sẽ có sự phân hóa ra sao?

Theo đánh giá của chúng tôi, lợi nhuận của các doanh nghiệp được chia làm hai nhóm, nhóm một có hoạt động kinh doanh tăng trưởng tốt và ổn định, đa số là các cổ phiếu vốn hoá lớn như CSM, DRC, DPM, GAS, HPG, PPC, VNM…; nhóm còn lại là các doanh nghiệp vẫn đang trong giai đoạn vượt qua khó khăn, tái cấu trúc, nhiều khả năng có kết quả kinh doanh quý II ở mức trung bình thấp, hoặc không đạt được kế hoạch, thậm chí thua lỗ. Theo đó, bức tranh thị trường sẽ phân hoá theo hai nhóm đó.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, các doanh nghiệp giảm được gánh nặng chi phí lãi vay, doanh nghiệp hoạt động tốt sẽ tận dụng yếu tố này để gia tăng lợi nhuận. Như vậy, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong quý III sẽ khả quan hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn nêu trên.

 

Thông tin được nhiều nhà đầu tư chờ đợi nhất hiện nay là việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Hiệu ứng nới room đối với TTCK như thế nào, theo ông?

Về việc nới tỷ lệ sở hữu tối đa (room) trong các doanh nghiệp niêm yết cho khối ngoại, nhiều khả năng sẽ phát hành cổ phiếu không có quyền biểu quyết. Lượng cổ phiếu tăng room này sẽ được quản lý giao dịch riêng, có thể là phát hành riêng lẻ, đấu giá, các giao dịch mua bán trên sàn theo phương thức thoả thuận, như vậy sẽ không ảnh hưởng đến biến động giá của cổ phiếu trên thị trường niêm yết. Nếu các doanh nghiệp tăng room thành công thì doanh nghiệp thiếu vốn sẽ có thêm nguồn vốn để gia tăng hoạt động sản xuất - kinh doanh, thay vì phải đi vay nợ trong giai đoạn còn nhiều khó khăn hiện nay. Như vậy, khi chính sách tăng room này được thông qua sẽ có tác động tích cực đến TTCK.