Tại Hội thảo chuyên đề “Kinh tế số hoá: Thế giới không chờ chúng ta”, hoạt động đầu tiên trong Diễn đàn kinh tế số hoá quốc tế do Diễn đàn Kinh tế tư nhân phối hợp với Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam tổ chức vừa diễn ra chiều 23/10, GS. Nguyễn Đức Khương, Đại học IPAG kiêm thành viên Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ cho biết, nền kinh tế thế giới đang thay đổi một cách sâu rộng dưới tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Với hiệu suất kinh tế vượt trội, các mô hình kinh tế mới đang tạo ra những biến đổi căn bản trong nhiều ngành công nghiệp, từ thông tin truyền thông (Facebook, Tencent), giải trí (Netflix, Pinterest), giáo dục đào tạo (Coursera, KHAN Academy), đến giao thông vận tải (Uber, Didi Chungxing), khách sạn (Airbnb), phân phối, bán buôn và bán lẻ (Amazon, Alibaba)...
“Thế mạnh công nghệ mới cũng giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tư nhân giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống như hạ tầng tin học (AWS, Google Cloud), sản xuất xe ôtô (Tesla), hàng không vũ trụ (SpaceX), giao dịch tài chính (Lending Club, TransferWise, Bitcoin)...
Các tập đoàn kinh tế số đã tạo ra những thay đổi quan trọng trên chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là những nhân tố và động lực tăng trưởng hoàn toàn mới cho nền kinh tế thế giới trong thời gian tới”, ông Khương nhấn mạnh.
Ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân chia sẻ, tại Việt Nam hiện nay, sự phát triển của các mô hình số hóa như Uber, Grab trong lĩnh vực giao thông vận tải hay Facebook, Viber trong lĩnh vực thông tin truyền thông đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi trong xã hội. Tuy nhiên, họ cũng tạo ra những mâu thuẫn với mô hình doanh nghiệp truyền thống.
Ông Giám khuyến cáo, trước viễn cảnh các mô hình số hóa sẽ tác động lên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, việc giải quyết các bài toán này bằng các công cụ hành chính, chính sách cần cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lâu dài để giúp các doanh nghiệp Việt Nam đủ tính cạnh tranh khi nền kinh tế Việt Nam tham gia ngày càng bình đẳng vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhận định về tác động của sự thay đổi trong xu hướng kinh tế số tới nền kinh tế, các chuyên gia khẳng định sự phát triển của các mô hình tổ chức và công nghệ vượt trội đặt ra vấn đề rất lớn về nguồn nhân lực.
Ông Aymeril Hoàng,Giám đốc đổi mới sáng tạo Ngân hàng Societe Generale (Pháp) dẫn kết quả nghiên cứu của các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford và Tập đoàn tư vấn McKinsey đưa ra, theo đó dự báo 50% công việc tại các nước phát triển sẽ được thay thế bởi các quy trình tự động hóa trong 15 năm tới.
Tỷ lệ này cao hơn ở các nước đang phát triển như Việt Nam vì giá trị gia tăng của lực lượng lao động trong nước là rất thấp so với mức trung bình của thế giới. Do đó, nhu cầu đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số ngày càng trở nên cấp bách.
Ông Thân Trọng Phúc, Giám đốc điều hành lĩnh vực đầu tư công nghệ - Quỹ Vina Capital cho biết, dù kinh tế số trên thế giới đang phát triển, nhưng nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chưa bắt kịp với nền kinh tế số.
Theo đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ gia nhập vào nền kinh tế số để không bị tụt lùi, ai ứng dụng sẽ tồn tại phát triển. Tuy nhiên, rất cần sự hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp số địa phương hàng đầu để phát triển mạnh trên thị trường nội địa và sau đó phát triển ra nước ngoài.
Thống kê cho thấy, Việt Nam đứng đầu 6 nước trong khu vực châu Á với số công việc đang tuyển dụng liên quan lập trình điện thoại di động, cao hơn cả Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonexia.
Điều này cho thấy, nhu cầu kinh tế số đang ngày càng tăng, đặc biệt là lập trình. Ông Phúc dự báo, trong thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng ngành này sẽ tiếp tục tăng lên, lập trình cho công ty start up, công ty Việt Nam gia công cho nước ngoài và các công ty trong nước như FPT, Viettel sẽ thu hút nhiều nhân tài nhất.
Với tốc độ phát triển của thị trường công nghệ, xu hướng dân số trẻ đam mê ứng dụng công nghệ vào loại nhanh nhất thế giới, ngày càng nhiều các công ty lớn trên thế giới đều có xu hướng đầu tư vào thị trường Việt Nam trong thời gian tới.
Trước xu hướng kinh tế số, theo ông Phúc, tại Việt Nam, một số ngành nghề đã bắt đầu chịu sự tác động một cách rõ rệt như taxi truyền thống cạnh tranh với Uber, Grab. Trong khi với sự chiếm lĩnh của mạng xã hội Facebook, thì báo chí đối mặt với nguy cơ không thu hút được quảng cáo, còn Viber, Zalo thì nhà mạng bị đe doạ; Amazon, Alibaba thì xâm lấn lĩnh vực bán lẻ truyền thống; You tube thì chiếm lĩnh các lợi thế của truyền hình...
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp địa phương đã bắt kịp được xu thế vươn lên thì có thể khẳng định được vị trí của mình trên thị trường. Yeah 1 là một ví dụ điển hình của trường hợp nền kinh tế số giúp doanh nghiệp Việt Nam đi ra ngoài và không cần có sự hiện diện.
Hiện số người xem video trên Yeah 1 mỗi tháng đứng thứ 7 trên toàn cầu, khoảng 4,2 tỷ lượt xem/tháng.
Yeah 1 là 1 công ty giải trí truyền thông trên Facebook và trên Youtube. Hiện số người xem video trên Yeah 1 mỗi tháng, đứng thứ 7 trên toàn cầu, khoảng 4,2 tỷ lượt xem/tháng. Chỉ thua 6 Công ty của Mỹ và là số 1 châu Á.
Công ty này chưa bao giờ quảng cáo và thành lập tại nước ngoài, với sản phẩm xuyên biên giới khiến sản hẩm được đưa tới khắp nơi trên thế giới, giúp doanh nghiệp Việt Nam đứng vững trong nước và tiến ra nước ngoài. Hiện họ vừa thành lập trụ sở tại Singapore để phát triển ra thị trường ngoài.
“Đây là minh chứng rõ nhất cho xu hướng kinh tế số giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể "làm mưa gió" trên thị trường thế giới mà không cần có bất cứ một sự hiện diện như văn phòng hay cơ sở vật chất nào”, ông Phúc bình luận.
Ông Giám cho rằng, các vấn đề nêu trên không chỉ là áp lực, thách thức hoặc là cơ hội phát triển cho riêng doanh nghiệp hay một ngành nghề nào tại Việt Nam.
“Trên hết, đây là bài toán chiến lược với Chính phủ, là giai đoạn then chốt đưa ra những quyết sách vĩ mô, vi mô để bắt kịp Cách mạng Công nghệ 4.0 thay vì bỏ lỡ cơ hội và đứng trước nguy cơ tụt hậu khi mà nhiều quốc gia khác đã có sự chuẩn bị cả về chiến lược, cũng như mạnh dạn dấn bước cho một sự chuyển đổi số cấp độ quốc gia”, ông Giám nhấn mạnh.