Ảnh: Bình Minh.
Đây là thông điệp chính được nhiều diễn giả đưa ra tại hội thảo “Thúc đẩy phát triển năng lượng xanh: hiện trạng và giải pháp thực hiện” do Viện Kinh tế Việt Nam, Tạp chí Doanh nghiệp và Thương mại tổ chức sáng 8/8.
Theo TS. Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, năng lượng tái tạo đòi hỏi đầu tư lớn, đồng thời, lưu trữ cũng là thách thức. Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2021 - 2030 lên đến hơn 130 tỷ USD, 3 năm qua mới đạt khoảng 30 tỷ USD, do đó, trong 6 năm còn lại cần hơn 100 tỷ USD cho ngành điện. Đây là thách thức rất lớn về nguồn lực.
Cùng với đó, hạ tầng hệ thống điện chưa đáp ứng được với sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực năng lượng tái tạo, hay thiếu quy định pháp luật cho phát triển điện gió ngoài khơi, công nghệ hydrogen còn ở giai đoạn thử nghiệm, chưa được thị trường hoá cũng là những thách thức lớn.
Toàn cảnh Hội thảo (ảnh Bình Minh) |
Theo GS.TS. Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội, các chính sách hướng tới phát triển bền vững được ban hành tập trung vào 04 trụ cột chính: Biến đổi khí hậu; Tiết kiệm năng lượng; Năng lượng tái tạo; Thị trường năng lượng.
Điểm đáng chú ý là Việt Nam khá nhạy bén trong việc tạo điều kiện cho thị trường tín chỉ carbon phát triển khi đã ban hành chính sách để thúc đẩy thị trường này. Đặc biệt, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt được thiết kế để đáp ứng mục tiêu Net Zero vào năm 2050.
Cụ thể, đến năm 2030, năng lượng tái tạo từ 30,9 – 39,2%, trong đó, năng lượng mặt trời tăng 4.100 MW; năng lượng gió trên bờ: 21.880 MW – ngoài khơi: 6.000 MW; phát thải khí nhà kính 204 – 254 triệu tấn. Đến năm 2050, năng lượng tái tạo tăng từ 67,5 – 71,5%, trong đó, năng lượng mặt trời tăng từ 168.594 – 189.294 MW; năng lượng gió ngoài khơi: 70.000 – 91.500 MW; phát thải khí nhà kính: 27 – 31 triệu tấn.
Về nguồn lực thực thi, ông Lê Anh Tuấn cho rằng, Việt Nam có thể tham gia đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) để tận dụng các nguồn lực quốc tế, Việt Nam có thể tận dụng được 15,5 tỷ USD để thúc đẩy quá trình chuyển dịch xanh.
Theo TS Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành kinh tế xanh, đến từ: Nguồn dự trữ carbon dồi dào từ tài nguyên rừng; Tài nguyên phát triển năng lượng tái tạo mạnh mẽ (điện mặt trời, điện gió); Tốc độ phát triển nhanh nhất khu vực về kinh tế số…
Ông Ngọc cho biết, kinh nghiệm quốc tế thành công trong cuộc đua tăng trưởng xanh chủ yếu tập trung vào 5 yếu tố: Các chiến lược và lộ trình tăng trưởng xanh chi tiết, rõ ràng; Hệ thống khung pháp lý đồng bộ với cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ tăng trưởng xanh phù hợp; Triển khai sớm các dự án xanh thí điểm; Huy động và quản lý nguồn lực đầu tư và tài chính cho tăng trưởng xanh toàn diện; Đội ngũ hoặc hệ thống quản trị chiến lược xanh tích cực và sát sao. Đây cũng là những điều Việt Nam có thể học hỏi, áp dụng trong quá trình chuyển đổi xanh.
Về kinh nghiệm triển khai và phát triển thị trường tín chỉ carbon, TS Vũ Minh Pháp, Viện Khoa học công nghệ Năng lượng và Môi trường Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, trên quốc tế, các tập đoàn lớn trong ngành dầu khí thường dùng chương trình giảm thiểu phát thải carbon nội bộ cho doanh nghiệp trong tập đoàn trước khi tiến ra thị trường quốc tế và thực hiện mua bán.
Kinh nghiệm tham gia thị trường carbon của các doanh nghiệp dầu khí trên thế giới và đề xuất khả năng ứng dụng cho ngành dầu khí Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể thực hiện vận hành nội bộ, cho các đơn vị thành viên triển khai.
"Thị trường tín chỉ carbon rất tiềm năng, nhất là với các doanh nghiệp dầu khí, nhưng đây cũng là lĩnh vực còn mới mẻ. Do đó, với các doanh nghiệp, cần tìm hiểu để tuân thủ tốt về nghĩa vụ giảm thiểu phát thải, cùng với đó là việc bố trí nhân sự chuyên trách tham gia giảm thiểu phát thải và tham gia thị trường carbon", ông Pháp nhấn mạnh thêm.