5 yếu tố cho thấy bạn là người trung thành với công ty hay không

5 yếu tố cho thấy bạn là người trung thành với công ty hay không

Trước khi quyết định rời bỏ công việc mình yêu thích hay công ty mình gắn bó bạn có bị tình cảm, sự chần chừ... "níu chân"? - Dandan Zhu, sáng lập Công ty nhân sự Dandan Global đã chia sẻ 5 yếu tố về sự trung thành trong công việc.

"Sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp của tôi là chưa bao giờ nhảy việc", Dandan Zhu viết. Là một headhunter (chuyên gia săn đầu người), Zhu luôn khuyên các ứng viên của mình nên cẩn thận khi gia hạn hợp đồng với công ty.

Thế nhưng bản thân Zhu lại làm ngược lại với những gì mình nói. "Tôi luôn trăn trở không biết cuộc đời mình sẽ ra sao nếu khi ấy tôi quyết định gây dựng công ty nhân sự của mình ở một thành phố khác", người sáng lập Dandan Global chia sẻ.

Dưới đây là những lý do ảnh hưởng tới quyết định khi ấy của Zhu:

1. Sự ngây thơ

Dandan Zhu bắt đầu công việc tại công ty mình mơ ước từ ngày không có chút kinh nghiệm cho tới khi có thể kiếm được 200.000 USD một năm khi 25 tuổi. Vì thế, đã có lúc cô cảm thấy vô cùng biết ơn và mù quáng tin tưởng vào tương lai được thăng chức và sở hữu cổ phần công ty. Cuối cùng, mọi thứ lại chẳng hề diễn ra như vậy.

"Tôi đã không nhận ra rằng công ty không muốn mất tôi chỉ vì điều đó sẽ làm ảnh hưởng tới doanh thu. Họ chỉ quan tâm tới lợi nhuận, chứ không phải lợi ích của tôi. Dù vậy, bạn chẳng thể đổ lỗi cho họ, bởi đó là bản chất của bất cứ bản hợp đồng lao động nào", nhà sáng lập Công ty nhân sự Dandan Global viết trên Quora.

Bài học rút ra: Công ty không có trách nhiệm về tương lai của bạn, mà chính bạn phải biết tự đầu tư cho nó. Hãy quên hết những lời hứa hẹn nhưng cũng đừng cảm thấy ấm ức.

2. Tình cảm

Zhu chọn cách ở lại công ty một phần bởi không muốn xa chàng trai mà cô mới hẹn hò được một tháng, và hy vọng quyết định sẽ giúp phát triển mối quan hệ. Trớ trêu thay, anh ta bỏ cô chỉ hai tuần sau đó, với lý do cảm thấy quá áp lực. Zhu như sụp đổ, tổn thương và hụt hẫng.

Bài học rút ra: Đừng ngu ngốc để bất cứ ai ảnh hưởng tới quyết định của bạn, nhất là khi bạn chưa rõ họ có thực sự chân thành hay không.

3. Chớ nguỵ biện

Khi đang cân nhắc công việc mới cũng là lúc Dandan Zhu vừa mua căn hộ đầu tiên của mình ở Brooklyn, và vin luôn vào đó để hợp lý hoá quyết định của mình. Lý do cô đưa ra là sẽ khó để quản lý nhà cửa khi mình thường xuyên vắng mặt, nhưng thực ra là chưa đủ can đảm để thực hiện một bước ngoặt trong sự nghiệp.

4. Văn hoá công ty thay đổi

Dưới thời quản lý đầu tiên, Zhu cảm thấy mọi thứ thật tuyệt vời. Tới năm thứ 3, sếp cũ nghỉ việc, cũng là lúc cô phải đối mặt với một phong cách quản lý mới, hoàn toàn không phù hợp với mình.

"Vốn là nhân viên xuất sắc, tôi đã quen với các chế độ ưu tiên và quyền tự quyết. Thế nhưng thay đổi nhân sự này lại khiến tôi phải đối mặt với nhiều hạn chế và không còn được tự do thực thi ý tưởng của mình. Nguyên nhân này cùng với một số yếu tố khác, là lý do tôi muốn ra đi", Zhu chia sẻ.

Bài học rút ra: Mọi thứ đều có thể thay đổi bất cứ lúc nào, và bạn chẳng thể kiểm soát được kết quả của nó. Hãy luôn trong tư thế sẵn sàng và nhanh chóng hành động khi có thay đổi xảy tới sự nghiệp của mình.

5. Quyết đoán trong đàm phán 

Do khi ấy Zhu muốn chuyển việc, nhưng cô đã thương lượng với sếp không đủ quyết liệt và đã được thuyết phục ở lại. Trớ trêu thay, điều đó lại khiến cô từ bỏ quyết định nhảy việc. "Đáng lẽ, tôi nên làm căng hơn để đảm bảo mình không còn đường lui", cô tâm sự. 

Bài học rút ra: Hãy luôn biết chứng tỏ bản thân và đừng tự kìm hãm mình khỏi hình tượng mà bạn muốn hướng tới.

Cuối cùng, Zhu đã tiếp tục làm thêm 2 năm nữa ở công ty cũ, và ra đi sau đúng 5 năm gắn bó tại đó. "Ấy là khi tôi nhận ra rằng mình thực sự không còn muốn làm một nhân viên nữa. Dù giờ đây tôi đang rất hạnh phúc với công việc tại Dandan Global, đâu đó vẫn luôn có chút tiếc nuối vì sự chần chừ của mình khi ấy", Dandan Zhu đúc kết.

Tin bài liên quan