5 yếu tố cần theo dõi ở thị trường chứng khoán châu Á năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhà đầu tư đang dự báo xu hướng của thị trường chứng khoán châu Á vào năm 2022 sẽ theo dõi cẩn thận về các gói kích thích của Trung Quốc, xu hướng của đồng đô la, sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân và triển vọng niêm yết cổ phiếu mới.
5 yếu tố cần theo dõi ở thị trường chứng khoán châu Á năm 2022

Chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương đã hoạt động kém hơn so với chỉ số MSCI của Mỹ và châu Âu khoảng 20% vào năm ngoái nên thị trường chứng khoán châu Á trong năm nay có thể tăng điểm nhờ mức định giá hấp dẫn hơn.

Diễn biến chỉ số MSCI Asia Pacific, MSCI USA và MSCI Europe

Diễn biến chỉ số MSCI Asia Pacific, MSCI USA và MSCI Europe

Chỉ số MSCI đã bị ảnh hưởng trong năm nay do các quy định về chính sách của Trung Quốc và tốc độ tăng trưởng chậm hơn đè nặng lên chỉ số, nhưng các nhà đầu tư kỳ vọng rằng việc Bắc Kinh quay trở lại các chính sách ủng hộ tăng trưởng và tỷ lệ tiêm chủng cao hơn trong khu vực sẽ làm đảo ngược xu hướng trong năm nay.

David Chao, chiến lược gia thị trường toàn cầu của khu vực châu Á Thái Bình Dương tại Invesco cho biết: “Có thể chứng khoán châu Á vượt trội so với các nền kinh tế toàn cầu khi các nền kinh tế khu vực bắt đầu nhận thấy lợi ích lớn hơn từ việc tiêm chủng và mở cửa lại ở mức cao hơn”.

Dưới đây là năm yếu tố trọng tâm của các nhà đầu tư châu Á khi hướng đến năm mới:

Kỳ vọng về chính sách kích thích của Trung Quốc

Các nhà đầu tư đang kỳ vọng chứng khoán Trung Quốc sẽ phục hồi trong năm nay khi Bắc Kinh cam kết hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đang chậm lại do thị trường bất động sản suy yếu và tiêu thụ giảm. Các nhà chức trách đã tuyên bố sẽ hỗ trợ bao gồm cắt giảm nhiều hơn phí và thuế, trong khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bơm thêm thanh khoản vào hệ thống tài chính. Các biện pháp nới lỏng hơn nữa cũng được mong đợi.

Các sự kiện chính trị như Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc của Trung Quốc vào tháng 3 sẽ được theo dõi chặt chẽ để biết thêm các dấu hiệu về các chính sách ủng hộ tăng trưởng và động lực "thịnh vượng chung".

Sau một năm mà Bắc Kinh đưa ra một loạt các quy định liên quan tới cổ phiếu công nghệ, dạy thêm và bất động sản, BlackRock và HSBC cho biết rằng, các quy định kiểm soát khắc nghiệt nhất của Trung Quốc có thể đã trôi qua.

Herald van der Linde, Trưởng bộ phận chiến lược cổ phần khu vực châu Á Thái Bình Dương của HSBC cho biết: “Có vẻ quan trọng là phải tập trung vào sự ổn định và tăng trưởng trong một năm quan trọng như vậy chứ không phải tái cơ cấu và các quy định mới”.

Chính sách Covid

Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới đang theo đuổi chính sách Zero Covid nên có khả năng sẽ đóng cửa biên giới trước Thế vận hội Mùa đông vào tháng 2 do sự bùng phát trở lại của các ca nhiễm virus trong nước.

Nhưng một khi biên giới quốc tế được mở ra, điều đó có thể là chất xúc tác chính cho sự tăng trưởng theo chu kỳ từ các hãng hàng không đến các cổ phiếu xa xỉ trong toàn khu vực, với du khách Trung Quốc là những người chi tiêu nhiều nhất trên thế giới.

Mặt khác, việc phong toả nhiều hơn có thể gây ra làn sóng ảnh hưởng tiêu cực tới các chuỗi cung ứng ở châu Á. Các công ty khổng lồ trong khu vực như Samsung Electronics và BYD đang phải đối mặt với các vấn đề sản xuất ở thành phố Tây An, Trung Quốc.

Ảnh hưởng của đồng USD

Với việc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) giảm bớt kích thích và dự kiến ​​sẽ tăng lãi suất ít nhất ba lần trong năm tới, tác động mạnh hơn của đồng đô la lên tài sản châu Á sẽ là điều đáng lo ngại. Cùng với sự tăng trưởng yếu hơn của Trung Quốc, điều đó có thể đè nặng lên hàng hóa và tiền tệ vào năm 2022, gây thêm khó khăn cho các nền kinh tế châu Á mới nổi vào thời điểm chính sách tiền tệ trong nước thắt chặt.

Thị trường chứng khoán Đông Nam Á đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi dòng vốn chảy ra do sự lây lan của biến thể omicron, mặc dù hiện tượng bán tháo trên thị trường tài chính trong năm 2013 khi Fed rút lại các gói kích thích khó có thể lặp lại. Tuy nhiên, đồng yên yếu hơn vẫn tốt cho thị trường chứng khoán tập trung nhiều nhà xuất khẩu như ở Nhật Bản.

Tai Hui, chiến lược gia của JPMorgan Asset Management cho rằng, Fed đã phát đi thông điệp đầy đủ “để ngăn chặn sự biến động mạnh của lợi suất trái phiếu, lãi suất và tỷ giá hối đoái, hạn chế tác động tiêu cực lên chứng khoán châu Á”.

Cơn sốt tham gia vào thị trường chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân

Sau hai năm tăng trưởng bùng nổ về lượng nhà đầu tư mới, sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân và việc mở tài khoản mới ở một số quốc gia như Hàn Quốc và Ấn Độ đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều đó có thể làm giảm sự biến động cũng như các giao dịch theo đám đông trên thị trường vào năm 2022 và các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo trường phái cơ bản sẽ tham gia nhiều hơn khi thị trường ổn định hơn.

Số lượng tài khoản mở mới ở Hàn Quốc giảm dần

Số lượng tài khoản mở mới ở Hàn Quốc giảm dần

“Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng đầu tư theo phân tích cơ bản hơn sẽ bắt đầu xem xét lại chứng khoán Hàn Quốc. Chúng tôi đang mong đợi hai đợt tăng lãi suất từ ​​ngân hàng trung ương Đài Loan vào năm 2022 và đó có thể là chất xúc tác chỉ làm chậm lại việc tham gia giao dịch của nhà đầu tư cá nhân”, Chetan Seth, chiến lược gia cổ phần châu Á Thái Bình Dương tại Nomura Holdings cho biết tại một cuộc họp báo trong tháng này.

Hoạt động IPO

Sau một năm đầy biến động đối với việc niêm yết chứng khoán ở Hồng Kông, các nhà đầu tư sẽ mong chờ một số đợt IPO sắp ra mắt trong đó có Didi Global.

Trong khi đó, cơn sốt niêm yết thông qua công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) cuối cùng cũng có thể tìm đến châu Á, khi làn sóng đầu tiên các SPAC được thông qua để niêm yết ở Singapore và Hồng Kông.

Tin bài liên quan