5 xu hướng phát triển nổi bật của các doanh nghiệp lớn Việt Nam

5 xu hướng phát triển nổi bật của các doanh nghiệp lớn Việt Nam

(ĐTCK) Một trong những chiến lược chủ chốt mà các doanh nghiệp lớn Việt Nam đang lựa chọn để phù hợp với mức độ cạnh tranh tăng lên là chuyên sâu vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.

Vinh danh nhiều tên tuổi lớn dẫn đầu ngành

Bảng xếp hạng VNR500 - Top 500 doanh nghiệp lớn Việt Nam năm 2016 vừa được Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report), kết hợp cùng Báo VietnamNet chính thức công bố, đánh dấu năm thứ 10 liên tiếp VNR500 được công bố định kỳ hàng năm nhằm tôn vinh những doanh nghiệp đã đạt được những thành tựu xuất sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Vietnam Report cũng công bố 2 danh sách Top 50 doanh nghiệp xuất sắc năm 2016 (Top 50 Vietnam The Best 2016) là các doanh nghiệp có doanh thu cao, có tốc độ tăng trưởng doanh thu tốt nhất trong giai đoạn 2011 - 2015, hoạt động hiệu quả, có đóng góp nhiều nhất vào Ngân sách Nhà nước năm 2016; và Top 50 doanh nghiệp thành tựu 2016 (Top 50 Most Profitable Large Enterprises 2016) là các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh và năng lực tài chính tốt, đặc biệt có tổng lợi nhuận sau thuế cao liên tiếp trong 5 năm gần nhất.

Trong suốt 10 năm qua, trải qua giai đoạn từ khủng hoảng đến hồi phục của nền kinh tế trong nước và những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp VNR500 đã khẳng định được sự nỗ lực vượt khó, thực lực kinh doanh và tiềm năng tăng trưởng của mình để ngày càng vươn lên phát triển và lớn mạnh.

Hai danh sách này đều bao gồm hầu hết các tên tuổi lớn thuộc top 10 doanh nghiệp có quy mô lớn nhất năm 2016 như Tập đoàn Dầu khi Việt Nam (PVN), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Xăng dầu (Petrolimex), Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản (Vinacomin), Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines).

Trong khi đó, Top 10 Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn Việt Nam 2016 gồm Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tập đoàn Vingroup, FPT…

Đặc biệt, Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lớn nhất năm 2016 cũng ghi nhận sự góp mặt của nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ngoạn mục với lợi nhuận ở mức cao liên tiếp trong nhiều năm liền và dẫn đầu trong lĩnh vực hoạt động như Phục Hưng Holding hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, Công ty cổ phần Scavi dẫn đầu trong lĩnh vực may mặc thời trang, Công ty Nhựa Duy Tân với 20 năm được bình chọn là "Hàng Việt Nam chất lượng cao, Công ty CP Cơ điện Trần Phú trong lĩnh vực sản xuất dây và cáp điện, Công ty CP Xây lắp điện 1 (PCC1), Công ty CTCP Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất, Công ty CP Dược phẩm OPC, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Tổng Công ty Hóa Dầu Petrolimex… 

5 xu hướng phát triển nổi bật của doanh nghiệp lớn Việt Nam trong 10 năm qua

Vietnam Report vừa chính thức giới thiệu Sách trắng song ngữ Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2017 “Doanh nghiệp lớn Việt Nam – chặng đường 10 năm: Gỡ bỏ rào cản, kiến tạo môi trường kinh doanh”.

Báo cáo nghiên cứu tìm hiểu chiến lược kinh doanh và sự chuẩn bị các nguồn lực nhằm thích nghi với những thay đổi liên tục của môi trường kinh doanh trong một thập kỷ qua.

Báo cáo cũng bao gồm các phân tích về bài học thành công, các chiến lược, các rào cản/ thách thức mà cộng đồng doanh nghiệp lớn Việt Nam đang phải đối mặt, qua đó đề xuất một số chính sách giúp doanh nghiệp thích nghi tốt hơn với sự thay đổi môi trường kinh doanh và cạnh tranh thành công trên trường quốc tế, và đưa ra những định hướng đóng góp cho Chính phủ để định hình bộ khung chính sách hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.

Đại diện Vietnam Report cho biết, qua nghiên cứu về chiến lược của doanh nghiệp lớn VNR500 đã rút ra 5 xu hướng nổi bật rất đáng chú ý trong quá trình phát triển các doanh nghiệp lớn Việt Nam rong 10 năm qua.

Thứ nhất, một trong những chiến lược chủ chốt mà các doanh nghiệp lớn Việt Nam đang lựa chọn để phù hợp với mức độ cạnh tranh tăng lên là chuyên sâu vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi.

Thứ hai, các doanh nghiệp lớn đã có những nỗ lực đáng kể trong việc cải thiện ngày càng nhiều hơn các chỉ tiêu liên quan đến năng suất lao động nhằm giữ vững, gia tăng thị phần trong nước và thâm nhập vào thị trường thế giới.

Thứ ba, cổ phần hóa doanh nghiệp và phát triển khu vực tư nhân là một trong những lực đẩy giúp tăng trưởng kinh tế phục hồi đáng kể trong một vài năm trở lại đây.

Thứ tư, tiến trình minh bạch hóa thông tin đang dần trở nên rõ nét trong các doanh nghiệp VNR500 và các doanh nghiệp lớn cũng đã và đang tập trung phát triển các chiến lược quản trị tiên tiến phù hợp với bối cảnh mới của kinh tế toàn cầu.

Thứ năm, xu thế hội nhập và quyết tâm mở rộng thị trường xuất khẩu đang nổi bật trong một vài năm gần đây.

“Điều này cho thấy, trong suốt 10 năm qua, trải qua giai đoạn từ khủng hoảng đến hồi phục của nền kinh tế trong nước và những ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp VNR500 đã khẳng định được sự nỗ lực vượt khó, thực lực kinh doanh và tiềm năng tăng trưởng của mình để ngày càng vươn lên phát triển và lớn mạnh”, ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report - đại diện Ban tổ chức VNR500 Vinh nhận định.

Tin bài liên quan