5 vấn đề nên xem xét với lĩnh vực bảo hiểm hiện nay

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dự án luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đang được Quốc hội xem xét, những thay đổi tới đây sẽ là căn bản và giúp ngành bảo hiểm tại Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững hơn thời gian tới.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Hoàng Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần TC Advisors (TCA) - hoạt động theo mô hình đại lý tổ chức, đã chia sẻ 5 vấn đề nên xem xét với lĩnh vực bảo hiểm hiện nay.

Ông Lê Hoàng Hải
Ông Lê Hoàng Hải

Thứ nhất, để tăng sự hài lòng và tin tưởng của người dân, cần quan tâm sâu hơn tới việc các bộ, ban ngành khác hỗ trợ người dân trong việc tập hợp hồ sơ yêu cầu bồi thường.

Ví dụ, khi đi khám tại bệnh viện tư nhân, nếu người dân có nhu cầu cần chuẩn bị giúp hồ sơ để bồi thường bảo hiểm, thì các bệnh viện này sẽ chuẩn bị rất chu đáo.

Nhưng tại các bệnh viện công, thì thủ tục này rất nhiêu khê, đòi hỏi người dân phải đi lại nhiều lần gây bức xúc. Đặc biệt, với người dân ở các tỉnh lên bệnh viện trung ương khám bệnh, việc phải đi lại nhiều lần khiến họ nản và bỏ cuộc. Điều này dẫn tới việc người dân mất niềm tin vào bảo hiểm.

Nếu có sự kết nối giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính để tháo gỡ những khó khăn trên, thì sẽ tăng niềm tin của người dân lên rất nhiều.

Thứ hai, nên quản lý tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm của khách hàng.

Theo tôi, nếu Công ty bảo hiểm nào để tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm thấp thì không cho tăng số lượng cấp chứng chỉ cho tư vấn, không cho mở rộng kinh doanh. Việc này tương tự như Ngân hàng nhà nước đang quản lý nợ xấu ở các ngân hàng.

Cụ thể, trên thực tế hiện nay, nhiều công ty bảo hiểm đang bị số đông đại lý trục lợi. Các đại lý chạy theo doanh số hợp đồng để hưởng hoa hồng, nên tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm là rất thấp. Điều này khiến các Công ty bảo hiểm bị lỗ vốn và được coi là "lợi nhuận xấu".

Để phát triển ngành bảo hiểm nhanh và bền vững hơn thì nên từ chối "lợi nhuận xấu" này.

Thứ ba, Luật kinh doanh bảo hiểm nên phân biệt đại lý tổ chức độc lập và đại lý tổ chức phụ thuộc, đồng thời, quản lý chặt hơn đại lý tổ chức độc lập.

Đại lý tổ chức phụ thuộc chính là những Tổng đại lý độc quyền của các Công ty bảo hiểm hiện nay. Trong đó, chính sách hoa hồng của người đứng đầu Tổng đại lý và các đại lý của họ hoàn toàn do Công ty bảo hiểm quy định. Công ty bảo hiểm sẽ trả hoa hồng cho từng đại lý.

Đại lý tổ chức độc lập là những đơn vị như ngân hàng, TCA và các Công ty tương tự... Trong đó, chính sách lương thưởng hoa hồng cho đại lý của họ do chính họ quyết định. Công ty bảo hiểm chỉ trả lương cho Tổng đại lý.

Do đó, nên có sự đòi hỏi và kiểm soát năng lực của các Tổng đại lý độc lập để họ có thể kinh doanh bền vững. Có thể yêu cầu vốn lớn hoặc yêu cầu doanh nghiệp có bằng cấp chuyên môn để đảm bảo việc tính toán chính sách bền vững và dịch vụ khách hàng tin cậy.

Điều này tương tự như Ngân hàng nhà nước đang kiểm soát các Ngân hàng mở mới chi nhánh.

Thứ tư, không nên lạm dụng danh sách đại lý bảo hiểm đen (blacklist) như hiện nay

Trừ khi Công ty bảo hiểm đưa một nhân viên ra tòa và chứng minh họ vi phạm pháp luật thì nên cảnh báo cho các công ty khác không tuyển dụng, còn việc tùy tiện ngăn cản sự nhảy việc của các tư vấn viên như hiện nay là điều hết sức kỳ lạ, thậm chí là vi phạm quyền tự do kinh doanh, vi Hiến.

Thực tế, việc 2 công ty có thị phần trên 50% thỏa thuận công khai không tuyển dụng người của nhau đã bị tuýt còi.

Thứ năm, không nên để cơ quan quản lý là Bộ Tài chính phê duyệt sản phẩm bảo hiểm như hiện nay.

Theo tôi, chỉ cần đưa ra một khung pháp lý "không được vi phạm", còn lại để cho các Công ty linh hoạt thực hiện và cạnh tranh với nhau.

Đơn cử như ở làn sóng Covid đầu tiên, các Công ty bảo hiểm nhanh nhẹn tung ra các sản phẩm bảo hiểm Covid, nhưng vì một số lý do nên đã bị cấm bán. Và thực tế, khi dịch bùng phát, hàng ngàn người tử vong, hàng trăm ngàn người mắc Covid, thu nhập bị giảm sút mà không được bảo hiểm.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thực tế công nghệ đang ngày càng phát triển, việc thiết kế và thử nghiệm các sản phẩm online cần rất nhanh và liên tục. Nếu mỗi sản phẩm phải phê duyệt mất vài tháng như hiện nay thì có thể lỡ mất cơ hội kinh doanh và làm chậm tốc độ ra sản phẩm mới.

Hiện nay, chính phủ của đa số các nước trên thế giới đã không phê duyệt sản phẩm bảo hiểm, chỉ ra khung "không được vượt qua" khi các Công ty thiết kế sản phẩm.

Tin bài liên quan