5 vấn đề cần lưu ý khi phê duyệt báo cáo tài chính trong dịch Covid-19

5 vấn đề cần lưu ý khi phê duyệt báo cáo tài chính trong dịch Covid-19

(ĐTCK) Tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, gây khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Giám đốc tài chính, những người chịu trách nhiệm phê duyệt báo cáo tài chính (BCTC) cần nhận thức các vấn đề không chỉ diễn ra trước thời điểm lập BCTC mà cả những vấn đề có thể xảy ra trong thời gian tới.

Những vấn đề cần được trình bày trong BCTC

Người đọc và sử dụng BCTC quan tâm đến tác động của dịch Covid-19 tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp, các vấn đề này cần được trình bày trong báo cáo của Ban Giám đốc (ví dụ các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc niên độ và những thay đổi hay các rủi ro lớn ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp).

Ngoài ra, sự bùng phát dịch Covid-19 dẫn đến thay đổi các nghĩa vụ hoặc các vấn đề không chắc chắn mà chưa được ghi nhận hay trình bày trong BCTC trước đây. Việc trình bày bổ sung thông tin không chỉ liên quan đến các khoản doanh thu, chi phí, tài sản và công nợ đã được ghi nhận, mà còn cần lưu ý tới các vấn đề có thể xảy ra tại các kỳ báo cáo tiếp theo.

Thay đổi các ước tính kế toán không còn phù hợp

Trong BCTC kết thúc ngày 30/6/2020, giám đốc tài chính cần xác định chính xác các ước tính kế toán và những giả định sẽ được áp dụng để lập BCTC.

Do hoàn cảnh thị trường thay đổi vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 mang lại, một số ước tính kế toán trước đây không còn phù hợp (ví dụ như dự phòng các khoản phải thu khó đòi, cách thức sử dụng tài sản cố định làm cơ sở tính khấu hao và dự phòng phải trả về nghĩa vụ bảo hành).

Do chưa từng đối mặt với tình huống tượng tự trước đây, việc xây dựng các giả định làm cơ sở cho các ước tính kế toán là một thách thức không hề nhỏ đối với các giám đốc tài chính.

Những vấn đề liên quan đến hàng tồn kho

Hiện nhiều doanh nghiệp đang bị gián đoạn chuỗi cung ứng. Ngoài ra, các doanh nghiệp bất động sản có thể bị ảnh hưởng bởi giá bất động sản giảm do kinh tế suy giảm; các doanh nghiệp có hàng tồn kho theo mùa vụ và các sản phẩm dễ hỏng có thể gặp rủi ro do hư hỏng, lỗi thời và suy giảm giá trị.

Do đó, giám đốc tài chính cần đánh giá sự suy giảm giá trị của hàng tồn kho tại ngày lập BCTC theo các quy định tại Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 2 - Hàng tồn kho.

Việc xác định giá trị có thể thực hiện được trong điều kiện thị trường có nhiều biến động với các lý do không chắc chắn bởi dịch Covid-19 là một thách thức mà giám đốc tài chính cần phải cân nhắc.

Ngoài ra, với những tháng sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường (ví dụ do ngừng sản xuất tạm thời), doanh nghiệp phải xác định chi phí sản xuất chung cố định phân bổ vào chi phí chế biến cho một đơn vị sản phẩm theo mức công suất bình thường.

Khoản chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ nên được ghi nhận ngay vào giá vốn hàng bán trong kỳ. 

Xem xét giả định về hoạt động liên tục khi lập BCTC

Chuẩn mực Kế toán Việt Nam số 1 - Chuẩn mực chung có quy định BCTC phải được lập trên cơ sở giả định là doanh nghiệp đang hoạt động liên tục và sẽ tiếp tục hoạt động kinh doanh bình thường trong tương lai gần. Nghĩa là doanh nghiệp không có ý định cũng như không buộc phải ngừng hoạt động hoặc phải thu hẹp đáng kể quy mô hoạt động của mình.

Với tình hình dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ giải thể hoặc phải dừng hoạt động một số lĩnh vực dẫn đến BCTC phải được được lập trên một cơ sở thay thế (ví dụ cơ sở giá thanh lý hoặc giá thực tế có thể thực hiện). 

Đánh giá suy giảm giá trị tài sản của doanh nghiệp

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập diễn ra mạnh mẽ, ngoài việc lập BCTC theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã lập BCTC theo Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế (IFRS).

Với tình hình dịch bệnh tác động bất lợi đến các doanh nghiệp như đóng cửa nhà máy, tạm dừng sản xuất và hạn chế đi lại và xuất nhập khẩu, có thể được coi là những dấu hiệu của sự suy giảm giá trị tài sản.

Chính vì vậy, giám đốc tài chính phải đặc biệt lưu tâm và tiến hành xác định giá trị có thể thu hồi của tài sản để bảo đảm rằng tài sản được ghi nhận trên BCTC không cao hơn giá trị có thể thu hồi.

Việc xác định giá trị thu hồi của tài sản đòi hỏi doanh nghiệp phải có ước tính về dòng tiền tương lai từ việc sử dụng tài sản đó và các nhân tố khác.

Thách thức đặt ra là liệu dự báo dòng tiền tương lai có chính xác hay không. Môi trường kinh doanh càng bất định, cơ sở hình thành nên các giả định và ảnh hưởng có thể có khi thay đổi các giả định quan trọng càng cần được thuyết minh chi tiết trong BCTC.

Các doanh nghiệp cần tiếp tục theo dõi các diễn biến của dịch Covid-19 và xác định ảnh hưởng tới tình hình tài chính và khả năng hoạt động hiệu quả của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các biện pháp cũng như các quyết định để quản lý rủi ro.

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế, BCTC không chỉ là công cụ quan trọng cung cấp các thông tin tài chính hữu ích về doanh nghiệp mà còn là công cụ hữu hiệu để tạo niềm tin từ những người đọc và sử dụng BCTC của doanh nghiệp.

Grant Thornton Việt Nam, thành viên của Grant Thornton International Ltd, là công ty kiểm toán và tư vấn quốc tế hàng đầu tại Việt Nam chuyên cung cấp dịch vụ kiểm toán, tư vấn thuế, tư vấn doanh nghiệp và giải pháp doanh nghiệp. Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng xem tại www.grantthornton.com.vn

Tin bài liên quan