Ngoài vải nội địa, năm nay thị trường vải tại Việt Nam còn có sự góp mặt của vải Nhật Bản, nhập về theo đường xách tay bằng máy bay. Theo đó, một hệ thống cửa hàng trái cây cao cấp tại TP HCM và Hà Nội vừa chào bán loại vải không hạt của Nhật với giá 990.000 đồng mỗi hộp đóng gói sẵn.
Mỗi hộp vải nặng 200 gram, gồm 8 quả. Như vậy, tính ra mỗi quả vải có giá gần 125.000 đồng, hay mỗi kg vải có giá 5 triệu đồng. Loại vải này không có hạt, vỏ dày màu đỏ ruby và vị ngọt lịm.
Khi ăn, người dùng chỉ cần tách đôi rãnh ngay thân vỏ và ăn trọn phần thịt bên trong, được quảng cáo là 'dày như thạch jelly, ngọt thơm như kẹo sữa'. Theo thông tin trên bao bì và cửa hàng, vải được trồng tại thị trấn Miyazaki, tỉnh Saga.
"Nhân mùa vải nên chúng tôi thử nghiệm nhập mặt hàng mới về để thị trường có thêm sự lựa chọn. Loại vải này nhập theo thùng, mỗi thùng chỉ có 8 ly. Sản phẩm được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn của Liên minh Hợp tác xã nông nghiệp Nhật Bản (JA) nên giá khá cao", chị Nguyễn Huyền, đại diện hệ thống cho biết.
Miyazaki vốn là vùng trồng nhiều loại trái cây có giá đắt đỏ của Nhật Bản, trong đó có quả vải. Ngoài vải không hạt được nhập về Việt Nam, vùng này còn có loại vải có hạt, quả to hơn, được trồng chăm chút trong nhà kính với từng chùm quả treo bằng chỉ. Các quả vải được kiểm soát lượng đường từ 15 đến 18 độ. Ngoài ra, độ dày của cùi phải đạt chuẩn quấn được hai vòng quanh một quả bóng golf 50g.
Theo lý giải của nông dân địa phương, do vải thiều là loại cây nhiệt đới, trong khi Nhật Bản có khí hậu phức tạp, với mùa hè ngắn còn mùa đông dài và lạnh nên việc trồng rất khó khăn, tốn nhiều công phu. Vì công canh tác và sản lượng ít nên giá vải đội lên rất cao. Một quả vải thiều có hạt loại to hảo hạng có thể có giá đến 240.000 đồng.
Ở thị trường vải nội địa, theo thống kê của Sở Công Thương Bắc Giang, vụ vải năm nay của tỉnh đạt sản lượng tiêu thụ hơn 147.000 tấn, giá bình quân cả vụ cao kỷ lục đến gần 32.000 đồng mỗi kg. Năm ngoái, giá trung bình cả vụ chỉ khoảng 16.000 đồng.
Khoảng 54,2% sản lượng vải của tỉnh được xuất khẩu, tương đương 79.600 tấn. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhiều nhất với gần 78.900 tấn. Số vải còn lại được xuất sang Trung Đông, châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore...