5 tháng đầu năm, tôm Việt xuất khẩu sang 103 thị trường, mang về 1,3 tỷ USD

5 tháng đầu năm, tôm Việt xuất khẩu sang 103 thị trường, mang về 1,3 tỷ USD

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong 5 tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 103 thị trường, mang về 1,3 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến hết quý II, xuất khẩu tôm có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khi tồn kho giảm bớt, giá xuất khẩu khả quan hơn.

Đây là thông tin được ông Đỗ Ngọc Tài, Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep) chia sẻ tại Hội nghị toàn thể Hội viên Vasep năm 2024 vừa qua.

“Kim ngạch xuất khẩu tăng nhẹ so với cùng kỳ là tín hiệu tích cực tuy nhiên ngành tôm vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức khi tình hình kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu phục hồi, lạm phát vẫn cao, xung đột chưa có hồi kết”, ông Tài cho biết.

Ở thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm Việt Nam 5 tháng đạt 229 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tôm sang Mỹ chỉ tăng mạnh trong tháng 1, ngược lại tháng 2, tháng 4 và tháng 5 giảm mạnh.

Tại thị trường này, lạm phát vẫn cao, các chi phí nhà ở, xăng, gas... cũng cao. Bên cạnh đó, cước tàu tăng đột biến 40% từ tháng 5 do xung đột tại Trung Đông và Trung Quốc gom container rỗng để dự phòng xuất hàng cho Mỹ trước kỳ hạn bị áp thuế mới. Tôm Việt Nam còn phải cạnh tranh mạnh về giá với tôm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia trên thị trường Mỹ.

Ông Tài nhận định, nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam từ Mỹ có thể tăng nhẹ vào quý III năm nay khi các nhà nhập khẩu tăng mua phục vụ nhu cầu lễ hội cuối năm.

Ở thị trường EU, xuất khẩu tôm Việt Nam sang châu Âu đạt 165 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tôm sang EU sau khi giảm trong tháng 2 và 3, đã phục hồi tăng trở lại trong tháng 4 và 5.

Tiêu thụ tôm của thị trường EU trong quý đầu năm rất chậm do thị trường này ảnh hưởng nhiều bởi xung đột Nga-Ukraine kéo dài, đồng Euro mất giá so với USD, cước tàu tăng đột biến 60% do phải đi vòng, Trung Quốc gom container rỗng để xuất vào Mỹ.

Bên cạnh đó, tôm Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh hơn với các nguồn cung đối thủ trên thị trường này như Ấn Độ, Ecuador do 2 nguồn cung này gặp khó với mức thuế cao trên thị trường Mỹ, nên sẽ giảm giá để tăng lượng xuất khẩu vào châu Âu.

Những tháng tới, nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường EU dự kiến tăng nhẹ cho đến cuối năm. Nhu cầu nhập khẩu hàng giá trị gia tăng của thị trường này sẽ tăng trưởng tốt hơn các mặt hàng truyền thống vì tồn kho đã giảm nhiều.

Ở thị trường Nhật Bản, 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản đạt 183 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ. Tuy tồn kho của các nhà nhập khẩu không nhiều, nhưng do đồng Yên mất giá từ đầu năm đến nay vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi và lạm phát cao nên người tiêu dùng chi tiêu tiết kiệm.

Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản giảm liên tục từ tháng 2 đến tháng 5, nhưng tốc độ giảm không mạnh như những thị trường khác. Nhật Bản vẫn được coi là thị trường có nhu cầu nhập khẩu tương đối ổn định hơn so với những thị trường khác.

Hàng giá trị gia tăng của Việt Nam tại thị trường Nhật vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các nguồn cung khác như Ấn Độ, Ecuador. Theo dự báo, nhu cầu của thị trường Nhật dự kiến tăng nhẹ từ tháng 9 để phục vụ nhu cầu cuối năm.

Ở thị trường Trung Quốc, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) 5 tháng đạt 260 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ. Xuất khẩu vào thị trường này tăng trưởng giảm dần từ tháng 1 đến tháng 4 và sang tháng 5 có dấu hiệu giảm nhiều, nguyên nhân chính là giá tôm của Việt Nam cao hơn giá của các nguồn cung đối thủ.

Những tháng tiếp theo cho đến cuối năm, Ecuador, Ấn Độ và Indonesia sẽ tập trung hơn vào thị trường Trung Quốc do Mỹ áp thuế cao, vì thế tôm của Việt Nam xuất vào Trung Quốc sẽ khó khăn hơn về giá, đặc biệt là tôm sú nguyên con, thẻ nguyên con ..

Ở thị trường Hàn Quốc, tính chung 5 tháng, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 124 triệu USD, giảm 9% so với cùng kỳ. Nhu cầu tiêu thụ chậm, lạm phát cao, tiền mất giá, lãi suất tăng khiến cho xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc chưa thể phục hồi.

Tuy tồn kho có giảm nhưng các nhà nhập khẩu không dám mua nhiều vì lạm phát còn cao, đồng tiền vẫn còn mất giá và chuẩn bị vào mùa vụ chính họ sợ tôm sẽ xuống giá. Những tháng tiếp theo cho đến cuối năm, nhu cầu nhập khẩu của thị trường này dự kiến ổn định.

Theo đánh giá chung của Vasep, tính đến hết quý II năm nay, xuất khẩu tôm có thể tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khi tồn kho giảm bớt, giá xuất khẩu khả quan hơn, nhu cầu tích cực hơn từ các thị trường chính.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, xuất khẩu tôm Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức như giá xuất khẩu giảm, áp lực cạnh tranh mạnh từ các nguồn cung đối thủ, chi phí vận chuyển và giá đầu vào tăng mạnh, xung đột địa chính trị, suy thoái kinh tế thế giới.

“Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đã và đang nỗ lực vạch ra các chiến lược để phát triển như gia tăng chất lượng, tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình trên thị trường. Bên cạnh đó là áp dụng khoa học công nghệ vào cả khâu sản xuất và khâu nuôi để nâng hiệu suất và giảm giá thành sản phẩm”, Vasep nhận định.

Tin bài liên quan