5 tháng đầu năm 2023, cả sản xuất, tiêu thụ và giá thép đều sụt giảm mạnh

5 tháng đầu năm 2023, cả sản xuất, tiêu thụ và giá thép đều sụt giảm mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong tháng 5, tiêu thụ thép xây dựng tăng hơn 26% so với tháng trước, nhưng giá thép đã giảm lần thứ 10 liên tiếp cho thấy giai đoạn khó khăn đối với các nhà sản xuất thép dự kiến sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.

Theo thông tin mới nhất từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong tháng 5, sản lượng thép xây dựng sản xuất đạt 812.085 tấn, tăng 14,18% so với tháng trước, nhưng giảm 27,3% so với cùng kỳ năm trước. Bán hàng đạt 927.618 tấn, tăng 26,08% so với tháng trước song đi ngang cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 164.007 tấn, giảm 11,3% so với tháng 5/2022.

Giá nguyên vật liệu diễn biến tháng 5 có xu hướng nhích nhẹ cuối tháng và kéo dài sang tháng 6 này. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước yếu nên các nhà máy cạnh tranh liên tục điều chỉnh giá bán giảm dần và mới có chương trình hỗ trợ vào trung tuần tháng 6.

Thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khả quan trở lại, một vài dự án nhà ở xã hội cũng mới được triển khai chưa nhiều; cùng với hệ thống ngân hàng siết chặt tín dụng nên sử dụng thép xây dựng ở mức thấp so với kỳ vọng vào mùa xây dựng sau Tết.

Tính chung 5 tháng đầu năm, sản xuất thép xây dựng đạt hơn 4,25 triệu tấn, giảm 26,3% so với cùng kỳ 2022; bán hàng đạt 4,29 triệu tấn, giảm 22,6%. Trong đó, xuất khẩu đạt 681.000 tấn, giảm 40,6% so với cùng kỳ.

VSA đánh giá, nhu cầu thép yếu tại hầu hết các khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm. Xu hướng giảm giá thép trên phạm vi toàn cầu càng được củng cố thêm khi các doanh nghiệp thép Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ giá giảm nhanh để cạnh tranh.

Riêng trong tháng 5, các đơn vị đã điều chỉnh giá bán thép xây dựng 5 lần, với tần suất giảm 1 lần/tuần, với các mức giảm từ 100 - 200 đồng/kg/lần tuỳ chủng loại sản phẩm, nhưng sức tiêu thụ của thị trường vẫn rất yếu.

Trong đợt giảm giá ngày 29/5, nhiều doanh nghiệp đồng thời thực hiện bảo lãnh giá cho hàng và tiếp tục bảo lãnh hàng bán vào thị trường dân dụng. Điều này cho thấy xu hướng dò đáy của giá thép xây dựng vẫn có khả năng tiếp tục trong thời gian tới.

Thực tế, đến ngày 15/6, một số doanh nghiệp sản xuất thép đã hạ 100.000 - 270.000 đồng/tấn với sản phẩm thép cuộn CB240, xuống khoảng 13,94 - 14,82 triệu đồng/tấn, song vẫn giữ nguyên mức giá đối với thép vằn thanh CB300 so với đợt điều chỉnh gần nhất (12/6).

Theo Steelonline, thương hiệu Thép Hòa Phát tại miền Bắc giảm thêm 200.000 đồng/tấn với dòng thép cuộn CB240, xuống 14,29 triệu đồng/tấn. Tại miền Trung, thép cuộn CB240 giảm 100.000 đồng/tấn, về mức giá 14,04 triệu đồng/tấn. Tại miền Nam, thép cuộn Hòa Phát giảm 200.000 đồng/tấn, xuống 14,31 triệu đồng/tấn.

Cùng xu hướng, Thép Việt Ý tại miền Bắc giảm 280.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240 về mức giá 13,94 triệu đồng/tấn. Sản phẩm thép cuộn CB240 của thép Việt Đức tại miền Bắc cũng được điều chỉnh giảm 200.000 đồng/tấn, về mức giá 14,04 triệu đồng/tấn.

Tương tự, thương hiệu thép miền Nam điều chỉnh giảm 200.000 đồng/tấn với thép cuộn CB240 xuống còn 14,82 triệu đồng/tấn và giữ nguyên giá mặt hàng thép thanh CB300 với 15,02 triệu đồng/tấn.

Tính từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng đã có 10 đợt điều chỉnh giảm liên tiếp, mặt hàng CB240 rớt xuống mốc gần 14 triệu đồng/tấn.

Ông Trần Trọng Nhân, Giám đốc của CTCP EduTrade, đơn vị thành viên kinh doanh của Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam cho rằng, các đợt sóng tăng giá thép ngắn hạn sẽ xuất hiện sau thời gian giảm. Tuy nhiên, giá thép chỉ tăng đến hết quý cuối năm nay.

Theo dự báo của Hiệp hội Thép thế giới (WSA) vào cuối tháng 5/2023, nhu cầu thép toàn cầu sẽ bắt đầu phục hồi trong năm 2023 sau khi giảm 3,2% năm 2022. Đông Á và Đông Nam Á sẽ đóng góp phần lớn tăng trưởng nhu cầu năm 2023, bù đắp cho sự suy yếu ở châu Âu và Hoa Kỳ.

WSA dự kiến nhu cầu thép năm 2023 sẽ tăng 40,8 triệu tấn, đạt 1,8223 tỷ tấn. Trong đó, Trung Quốc đóng góp 18,4 triệu tấn, ASEAN 4,5 triệu tấn, Nhật Bản 2,2 triệu tấn và Hàn Quốc 1,5 triệu tấn.

Tin bài liên quan