Thương mại điện tử: Cơ hội mở rộng thị trường
Chia sẻ tại “Hội thảo APEC về tăng cường thúc đẩy tiếp cận thị trường thông qua thương mại điện tử cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do nữ giới làm chủ” được tổ chức mới đây, bà Jane Melville, Tổng giám đốc Công ty Deman (New Zealand) cho biết, là một doanh nghiệp quy mô khiêm tốn và mới thành lập được 5 năm, song Deman đã tiếp cận thị trường toàn cầu thành công nhờ thương mại điện tử.
"Deman hiện cung cấp dịch vụ marketing, kỹ thuật số, cơ sở dữ liệu cho nhiều tên tuổi lớn như Microsoft, HSBC, Amazon, CT… Trong đó, Microsort đã sử dụng dữ liệu của chúng tôi để tiếp cận 30 MSMEs tại New Zealand”, bà Melville nói.
“Công nghệ số giúp chúng tôi làm những điều không thể. Nếu như trước kia, để tiếp cận thị trường các nước thường phải trả tiền cho các tổ chức tư vấn, nghiên cứu thị trường ở nước sở tại, thì nay công nghệ số giúp các công ty tiếp cận dễ dàng dựa trên hiệu quả của nền tảng kỹ thuật số. Deman đang mở rộng dịch vụ tại thị trường Singapore và xa hơn là các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương”, bà Melville cho hay.
Câu chuyện của Deman là một minh chứng cụ thể về cách làm lớn mình nếu các MSMEs biết tận dụng sức mạnh của công nghệ số. Thực tế cũng cho thấy, dư địa phát triển kinh doanh trên thị trường online còn rất lớn. Giáo sư William Wang (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, doanh nghiệp do nữ giới làm chủ chiếm 38% tổng số doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và 65% trong đó thuộc về lĩnh vực dịch vụ, thương mại điện tử.
“Có đến 90% doanh nghiệp do nữ làm chủ là MSMEs. Trong khi đó, khách hàng mua bán online khu vực ASEAN là 158 triệu người, chiếm 29% tổng dân số khu vực và con số này đang không ngừng tăng lên. Do đó, tiềm năng tiếp cận mở rộng thị trường online là rất lớn”, giáo sư Wang nhìn nhận.
5 thách thức với nữ lãnh đạo SMEs Việt
Tại Việt Nam hiện nay, các SMEs do nữ làm chủ đang gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận và phát triển thị trường thông qua thương mại điện tử. Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, lãnh đạo nữ thường khó khăn trong tiếp cận thương mại điện tử, trong khi thời buổi công nghệ hiện nay buộc họ phải thích nghi để cạnh tranh, tồn tại và phát triển, cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo ông Thái, có 5 thách thức mà hầu hết nữ doanh nhân khối doanh nghiệp này gặp phải, đó là hiểu biết hạn chế về Internet, thiếu kỹ năng về công nghệ thông tin, chi phí tài chính đắt đỏ, cơ sở hạ tầng xử lý thông tin hạn chế và các vấn đề về bảo mật thông tin.
“Nhiều nữ doanh nhân vẫn đang loay hoay trước những rào cản về thương mại điện tử, trong khi đây là cánh cửa mới để họ có thể tiếp cận thị trường và hội nhập”, bà Phạm Thị Hoài Giang, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam nhận định.
Bà Giang phân tích, mặc dù thương mại điện tử là xu thế tất yếu trên thế giới, nhưng việc hiện thực hóa tại Việt Nam nhanh hay chậm phụ thuộc vào hành động của Chính phủ, sự thúc đẩy của các hiệp hội nghề và nỗ lực của chính các nữ doanh nhân.
“Hiện tại, họ phải tự mày mò, tìm kiếm thông tin để tiếp cận, việc tập huấn hỗ trợ còn rất hạn chế. Các hiệp hội cũng đã nỗ lực tìm kiếm nguồn lực về kinh phí, nhân lực nhưng chỉ như ‘muối bỏ bể’. Hầu hết doanh nghiệp vẫn phải tự ‘bơi’, nhất là doanh nghiệp trẻ”, bà Giang nói.
Để doanh nhân nữ tiếp cận tốt hơn với thương mại điện tử, tăng năng lực kinh doanh, theo ông Jerry Ho, Chuyên gia tư vấn Phát triển SMEs cho Chính phủ Newzealand, cần có một cơ quan trung gian đại diện cho tiếng nói của nữ giới, có dữ liệu nghiên cứu khoa học để tăng sự thuyết phục với cơ quan pháp luật, từ đó mới có hành lang pháp lý phù hợp để đưa chính sách vào thực tiễn.
Cũng theo ông Jerry Ho, để thành công trong môi trường kinh tế số, bên cạnh sự đam mê và tâm huyết, phụ nữ cần xây dựng hệ sinh thái riêng cho mình, trả lời được các câu hỏi tại sao mình chọn hình thức kinh doanh này, qua đó tìm ra hướng đi khác biệt…
Đồng quan điểm, bà Giang nhấn mạnh, hiện nay, vai trò của phụ nữ là rất rõ ràng, được thể hiện trong Luật Bình đẳng giới, Luật Hỗ trợ SMEs, nhưng cần thêm các nghiên cứu có định tính, định lượng để kiến nghị với các bộ chủ quản nhằm đưa Luật vào cuộc sống.