Ảnh Shuttertock

Ảnh Shuttertock

5 sự kiện nhà đầu tư chứng khoán không thể bỏ qua tuần này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau hai phiên cuối tuần trước biến động mạnh khi nhóm cổ phiếu công nghệ Mỹ có dấu hiệu chốt lời và bán tháo, tâm lý nhà đầu tư dần chuyển từ hưng phấn sang lo ngại bong bóng cổ phiếu công nghệ và sự tách rời giữa thị trường chứng khoán và nền kinh tế.

Tuần này, giới đầu tư sẽ tập trung vào vào những câu chuyên lo ngại về bong bóng cổ phiếu công nghệ, cũng như dữ liệu kinh tế các nền kinh tế lớn trên thế giới. Dưới đây là 5 sự kiện không thể bỏ qua tuần này.

Dữ liệu kinh tế Mỹ

Lạm phát của Mỹ dường như ít có cơ hội chạm mức 2% sớm, số liệu lạm phát dự kiến trong tháng 8 sẽ tăng 0,2% so với tháng 6 và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong cuộc họp gần đây, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cho biết, sẽ không lo lắng về việc lạm phát vượt quá mục tiêu 2% trong thời gian tới, điều này hàm ý Fed sẽ giữ lãi suất ở mức thấp trong một thời gian.

Đây là một tin tốt đối với thị trường chứng khoán, bất động sản và các lĩnh vực khác được hưởng lợi từ chi phí nắm giữ tiền rẻ.

Những người tham gia thị trường cũng đang xem xét báo cáo vào hôm thứ Năm (10/9) về số đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp. Số liệu này sẽ thể hiện sự phục hồi của thị trường lao động sau khi báo cáo số việc làm tạo ra trong tháng 8 đã chậm lại so với tháng trước.

Nhóm công nghệ tiếp tục biến động mạnh

Thị trường chứng khoán tuần này có thể sẽ tiếp tục biến động mạnh khi các nhà giao dịch quay trở lại làm việc sau ngày nghỉ lao động vào thứ Hai (7/9) trong bối cảnh có sự lo ngại giữa định giá cao của nhóm công nghệ và sự phục hồi kinh tế là không đồng đều.

Sau đợt bán tháo vào phiên thứ Năm (3/9), đầu phiên thứ Sáu (4/9) và sau đó hồi phục vào nhẹ vào cuối phiên, tránh được mức thấp nhất trong ngày. Mặc dù vậy, biến động là tương đối mạnh trong phiên giao dịch này.

Việc bán tháo trong phiên giao dịch ngày 3/9 vừa qua đã phản ánh sự lo ngại của nhà đầu tư rằng định giá của nhóm cổ phiếu công nghệ lớn đã tăng quá nóng và những lo lắng này càng có cơ sở hơn khi vào hôm thứ Sáu (4/9). Financial Times báo cáo rằng, giao dịch quyền chọn của Softbank (doanh nghiệp Nhật Bản) đã thổi phồng những cổ phiếu công nghệ.

Việc bán tháo trong 2 phiên vừa qua có thể là một cảnh báo sớm cho hai tháng sắp tới đầy khó khăn khi các nhà đầu tư tổ chức trở lại sau kỳ nghỉ hè và tập trung sự chú ý của họ vào những dữ liệu kinh tế không chắc chắn cuối năm, cũng như sự tách rời giữa kinh tế và thị trường chứng khoán thời gian vừa qua.

Cuộc họp của ECB

Các quan chức của Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) có nhiều điều để thảo luận tại cuộc họp chính sách vào thứ Năm (10/9) sau khi đồng euro chạm mức cao 1,2 USD lần đầu tiên kể từ năm 2018 và lạm phát khu vực đồng euro lần đầu tiên chuyển sang âm vào tháng 8 kể từ năm 2016.

Dấu hiệu giảm phát là tín hiệu báo động của ngân hàng trung ương, với mục tiêu lạm phát hàng năm là 2% nhưng ngân hàng trung ương vẫn không đạt mục tiêu lạm phát đề ra trong nhiều năm.

Tuy nhiên, có thể còn quá sớm để ECB công bố bất kỳ một thay đổi lớn nào vào thứ Năm sắp tới.

Đồng euro đã được hỗ trợ bởi đồng USD suy yếu hơn, cũng như những gói cứu trợ đại dịch lên tới 750 tỷ euro của khu vực. Do đó, bất kỳ tác động nào đến lạm phát có thể chỉ là tạm thời.

Tuy nhiên, trong dài hạn, ECB có thể buộc phải đánh giá lại chính sách tiền tệ của mình do Fed có thể duy trì mức lạm phát cao kéo dài, điều này có thể tác động tới đồng USD trong nhiều năm tới.

Brexit và GDP của Anh

Các cuộc đàm phán về Brexit giữa Anh và khu vực EU sẽ được tiếp tục tại London vào thứ Ba (8/9), tuy nhiên để kỳ vọng một sự đột phá diễn ra dường như sẽ khó có thể.

Cuộc đàm phán đã bị đình trệ khi Anh yêu cầu những hạn ngạch trong đánh bắt cá và mong muốn dùng viện trợ của nhà nước để xây dựng lĩnh vực công nghệ của mình.

Mặc dù Anh tuyên bố rời EU từ lâu, nhưng các cuộc đàm phán cho đến nay vẫn chưa đạt được nhiều bước tiến triển về thống nhất một thỏa thuận thương mại mới khi thỏa thuận cũ sẽ kết thúc vào 31/12/2020. Tính tới thời điểm hiện tại, hạn chốt để đàm phán một thỏa thuận mới là 2/10/2020 vì sau đó phải được sự phê chuẩn tại hội nghị thượng đỉnh EU.

Ngoài ra, những dữ liệu kinh tế sẽ được Anh công bố vào thứ Sáu (11/09) sẽ cho thấy nền kinh tế phục hồi trở lại như thế nào so với tháng 7, cũng như việc nới lỏng các lệnh phong tỏa tác động tới nền kinh tế.

Dữ liệu thương mại Trung Quốc

Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu thương mại vào thứ Hai (7/9) dự kiến cho thấy xuất khẩu tăng vững chắc trong tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 8, ngoài ra kỳ vọng nhập khẩu cũng tăng trở lại.

Xuất khẩu của Trung Quốc không bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự suy thoái toàn cầu như một số nhà phân tích lo ngại và được coi là động lực chính trong sự phục hồi kinh tế của quốc gia này.

Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc dự kiến sẽ leo thang trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11, Trung Quốc vẫn đang duy trì mua hàng hoá như cam kết trong thoả thuận Giai đoạn 1 với Mỹ.

Tin bài liên quan