5 rủi ro cao về thuế hiện nay mà các doanh nghiệp cần lưu ý

(ĐTCK) Vi phạm về thuế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp. Do đó, việc nhận diện rủi ro sẽ giúp doanh nghiệp tránh được những vi phạm không mong muốn.
5 rủi ro cao về thuế hiện nay mà các doanh nghiệp cần lưu ý

Rủi ro bị hoãn xuất cảnh

Tại tọa đàm Doanh nhân và Kế hoạch Phòng tránh Rủi ro về Thuế do Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn phối hợp cùng Hội tư vấn và Đại lý thuế TP.HCM (HTCAA) tổ chức ngày 04/10, ông Nguyễn Văn Được, Trưởng ban chính sách HTCAA thông tin, theo số liệu từ Tổng cục Thuế, tính đến ngày 30/06/2024, cả nước có khoảng 6.500 trường hợp bị hoãn xuất nhập cảnh, trong khi năm 2023 là 2.400 trường hợp, tăng gấp 2,3 lần.

“Những con số này cho thấy ngành thuế đang rất mạnh tay dùng biện pháp tạm hoãn xuất nhập cảnh để đôn đốc doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ thuế của mình”, ông Được đánh giá.

Tại khoản 1, Điều 21, Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định các trường hợp bị tạm hoãn xuất nhập cảnh do nợ thuế bao gồm: Cá nhân là đại diện pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; Người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; Người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Tuy nhiên, sắp tới luật sẽ sửa đổi và bổ sung các đối tượng phải hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi xuất cảnh gồm: Chủ hộ kinh doanh, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cá nhân kinh doanh…

Ông Nguyễn Văn Được, Trưởng ban chính sách HTCAA

Ông Nguyễn Văn Được, Trưởng ban chính sách HTCAA

Đối với trường hợp cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, theo quy định điều 137, Luật Doanh nghiệp năm 2020 về cơ cấu tổ chức công ty cổ phần, nếu công ty chỉ có 1 đại diện pháp luật, bắt buộc chủ tịch HĐQT hoặc tổng giám đốc/giám đốc phải là người đại diện pháp luật. Trong hai vị trí này, ai là người đại diện pháp luật sẽ thuộc trường hợp bị hoãn xuất nhập cảnh.

Đối với công ty có hơn 1 đại diện pháp luật, theo Điều 12, Luật Doanh nghiệp năm 2020, điều lệ công ty phải quy định rõ trách nhiệm, phân công nhiệm vụ với từng cá nhân, khi xảy ra vấn đề thì cá nhân sẽ phải chịu trách nhiệm về khoản đó, nếu điều lệ không quy định thì hai cá nhân chịu trách nhiệm ngang nhau. Tuy nhiên, dù điều lệ có phân công rõ ràng thì theo quy định Luật Doanh nghiệp, tất cả những người đại diện pháp luật phải liên đới chịu trách nhiệm với các hoạt động của doanh nghiệp, tức cả 2 đại diện đều bị cấm xuất nhập cảnh.

Để kiểm soát tình trạng tạm hoãn xuất nhập cảnh, ông Được nhấn mạnh, doanh nghiệp cần hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế, kiểm tra tình trạng thuế trên hệ thống Etax; tra cứu thông tin về xuất cảnh trên trang điện tử Tổng cục Thuế; đồng thời cập nhật đẩy đủ, đúng và kịp thời địa chỉ nhận thông báo thuế và email, điện thoại.

Rủi ro từ hoá đơn bất hợp pháp

Ông Cao Đức Nam, Phó ban chính sách HTCAA nhận định, các doanh nghiệp cần quản lý rủi ro về thuế.

Trong đó, rất nhiều doanh nghiệp bị xử phạt thuế về hoá đơn, bao gồm việc vô tình sử dụng hoá đơn bất hợp pháp từ những công ty buôn bán hoá đơn đã bị bắt. Sau khi giải trình với cơ quan thuế về những hoá đơn bất hợp pháp, doanh nghiệp có thể bị xử phạt hành chính ở mức 35 triệu đồng cho mỗi tờ hoá đơn (theo Nghị định 125/2020). Mức thứ hai là xử lý hành vi thiếu thuế, thuế trốn, kê khai sai.

“Trên thực tế, một số cơ quan thuế không còn phạt kê khai sai mà đưa về hành vi sử dụng hoá đơn bất hợp pháp của những công ty buôn bán hoá đơn đã bị bắt, lúc này mức phạt sẽ lên đến 2 – 3 lần thuế và tính lãi chậm nộp 0,03%/ngày”, ông Nam lưu ý.

Việc quản lý rủi ro thuế sẽ bảo đảm cho doanh nghiệp nhận diện sớm rủi ro thuế, hạn chế các ảnh hưởng tài chính trọng yếu; góp phần kiểm soát thực hiện kế hoạch thuế theo chiến lược dài hạn của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng chủ động trong việc tương tác và làm việc hiệu quả với cơ quan thuế (đặc biệt trong quá trình kiểm tra, thanh tra thuế), từ đó góp phần nhận diện các cơ hội tiết kiệm thuế.

Ông Cao Đức Nam, Phó ban chính sách HTCAA.

Ông Cao Đức Nam, Phó ban chính sách HTCAA.

Nhìn chung, 5 rủi ro cao về thuế hiện nay mà các doanh nghiệp cần lưu ý gồm: quy định thuế toàn cầu thay đổi; chuyển giá; sự kiện bất thường bên trong và bên ngoài; yêu cầu số hoá trong quản lý thuế; lưu trữ, tổ chức và cung cấp dữ liệu/chứng từ của người nộp thuế.

Ông Nam đã đưa ra 6 giải pháp giúp doanh nghiệp hạn chế rủi ro thuế. Thứ nhất, hiểu thấu đáo các quy định của pháp luật. Thứ hai, có ý thức tuân thủ pháp luật. Thứ ba, xây dựng các quy định kiểm soát rủi ro về hoá đơn. Thứ tư, không tham gia thực hiện, không là đồng phạm trong các giao dịch mua, bán hoá đơn, sử dụng hợp đồng không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hoá đơn,…

Thứ năm, không tổ chức, tư vấn, xúi giục, giúp sức, hỗ trợ trong các giao dịch: mua bán hoá đơn, sử dụng hoá đơn không hợp pháp. Thứ sáu, kiểm soát hoá đơn mua vào thông qua: quy chế quản lý nhận hoá đơn (hợp đồng, biên bản, chứng từ xuất, nhập, giao nhận hàng, thanh toán chuyển khoản, hợp đồng chính phủ…); phần mềm hỗ trợ quản lý đơn chuyên dụng.

Tin bài liên quan