5 mối đe dọa ngày càng tăng đối với sự thống trị của đồng đô la trong thương mại toàn cầu

5 mối đe dọa ngày càng tăng đối với sự thống trị của đồng đô la trong thương mại toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự thống trị của đồng đô la đối với dòng chảy đầu tư và thương mại toàn cầu đang đối mặt với hàng loạt mối đe dọa mới khi nhiều quốc gia đẩy mạnh kế hoạch sử dụng các đồng tiền thay thế.

Các quốc gia từ Trung Quốc và Nga, đến Ấn Độ và Brazil đang thúc đẩy thực hiện giao dịch bằng các đồng tiền không phải là đồng USD nhiều hơn, với các kế hoạch từ việc sử dụng đồng nội tệ đến đồng tiền ổn định được hỗ trợ bằng vàng và đồng tiền dự trữ mới của BRICS.

Trong nhiều thập kỷ, đồng bạc xanh đã thống trị vị trí là đồng tiền dự trữ của thế giới và được sử dụng rộng rãi trong thương mại xuyên biên giới, đặc biệt là đối với các mặt hàng như dầu mỏ. Nhờ sự ổn định về giá tương đối, các nhà đầu tư đã xem đồng đô la như một tài sản trú ẩn an toàn trong thời kỳ bất ổn kinh tế và địa chính trị gia tăng.

Đồng đô la đã được thúc đẩy vào năm ngoái bởi sự gia tăng lãi suất của Mỹ khiến đồng tiền này trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm lợi suất cao hơn. Đồng đô la đã tăng 17% trong 9 tháng đầu năm 2022, nhưng sau đó là hạ nhiệt trở lại do triển vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sớm chấm dứt việc tăng lãi suất khi lạm phát hạ nhiệt nhanh chóng.

Trong bối cảnh đó, có những mối đe dọa mới nhất đối với vị thế của đồng bạc xanh. Dưới đây là 5 dự án tiền tệ từ khắp nơi trên thế giới nhằm mục đích cuối cùng là làm suy yếu uy thế của đồng đô la.

Brazil và Argentina lên kế hoạch đồng tiền chung

Tổng thống Argentina Alberto Fernandez (trái) và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva (phải). Ảnh: AP

Tổng thống Argentina Alberto Fernandez (trái) và Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva (phải). Ảnh: AP

Brazil và Argentina gần đây đã thông báo rằng họ đang chuẩn bị tung ra một loại tiền tệ chung, được đặt tên là "sur" (south), đồng tiền được kỳ vọng có thể trở thành một dự án giống như đồng euro được cả Nam Mỹ chấp nhận.

Các nhà lãnh đạo của các quốc gia cho biết trong một tuyên bố chung rằng, đồng tiền chung có thể giúp thúc đẩy thương mại Nam Mỹ vì có thể tránh được chi phí chuyển đổi và sự không chắc chắn của tỷ giá hối đoái. Điều đó có thể làm xói mòn sự thống trị của đồng đô la trong khu vực, do đồng bạc xanh chiếm tới 96% giao dịch giữa Bắc và Nam Mỹ từ năm 1999 đến 2019, dựa theo dữ liệu từ Fed.

Nga và Iran cân nhắc stablecoin được hỗ trợ bằng vàng

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

Nga và Iran đang hợp tác phát triển một loại tiền điện tử được hỗ trợ bởi vàng, đây là một loại stablecoin có thể thay thế đồng đô la để thanh toán trong thương mại quốc tế.

Nga và Iran đang muốn phát hành "mã thông báo của vùng Ba Tư" để sử dụng trong các giao dịch xuyên biên giới, với kế hoạch sẽ được đưa vào sử dụng tại một vùng kinh tế đặc biệt ở Astrakhan ở miền Nam nước Nga.

Tuy nhiên, theo một nhà lập pháp của Nga, dự án chỉ có thể tiến triển khi thị trường tài sản kỹ thuật số của Nga được quy định đầy đủ.

Theo tổ chức tư vấn Jamestown Foundation, Nga và Iran đã đẩy mạnh nỗ lực "phi đô la hóa" trong những tháng gần đây. Họ đặt mục tiêu tăng khối lượng giao dịch lên 10 tỷ USD mỗi năm thông qua các động thái như phát triển hệ thống thanh toán quốc tế thay thế cho SWIFT.

UAE, Ấn Độ xem xét sử dụng đồng rupee trong thương mại phi dầu mỏ

Đồng Rupee

Đồng Rupee

Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ấn Độ đã đưa ra ý tưởng tiến hành thương mại phi dầu mỏ bằng đồng rupee.

Động thái này sẽ dựa trên một hiệp định thương mại tự do được ký kết vào năm 2022, nhằm mục đích thúc đẩy thương mại không bao gồm dầu mỏ giữa hai nước lên 100 tỷ USD vào năm 2027.

Theo Bộ trưởng Ngoại thương của UAE Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Trung Quốc cũng đã cân nhắc về ý tưởng giải quyết thương mại phi dầu mỏ bằng đồng nội tệ loại trừ đồng bạc xanh.

Trung Quốc thúc đẩy đồng nhân dân tệ thay thế đồng đô la trong giao dịch dầu mỏ

Hai lãnh đạo Nga và Trung Quốc chụp ảnh chung trong cuộc gặp tại Bắc Kinh vào ngày 4/2/2022. Ảnh: AFP qua Getty Images

Hai lãnh đạo Nga và Trung Quốc chụp ảnh chung trong cuộc gặp tại Bắc Kinh vào ngày 4/2/2022. Ảnh: AFP qua Getty Images

Trung Quốc cũng đang tìm cách làm suy yếu vị thế của đồng đô la bằng cách thúc đẩy đồng nhân dân tệ thay thế đồng bạc xanh trong các giao dịch dầu mỏ, do thương mại giữa Trung Quốc và Nga gia tăng sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.

Động thái này có vẻ sẽ loại bỏ chế độ petrodollar được áp dụng từ những năm 1970, cơ chế mà các giao dịch dầu mỏ toàn cầu chủ yếu được thanh toán bằng đô la.

Vào cuối năm ngoái, Bắc Kinh bắt đầu mua dầu thô của Nga với giá chiết khấu cao, hoàn tất các giao dịch mua đó bằng đồng nhân dân tệ thay vì đô la, cơ chế này được gọi là petroyuan.

Với đồng bạc xanh mạnh hơn, các hợp đồng dầu mỏ trở nên đắt đỏ hơn vì các giao dịch chủ yếu được định giá bằng đồng tiền Mỹ, và điều này cũng giải thích cho việc Trung Quốc rời xa đồng đô la.

Nhà phân tích Viktor Katona của Kpler cho biết, Nga đã thực sự trở thành "một quốc gia châu Á mà theo ý kiến của tôi đã đưa đồng nhân dân tệ vào giao dịch dầu quy mô lớn".

Nga, Trung Quốc đề xuất đồng tiền dự trữ mới

Lãnh đạo các quốc gia BRICS tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Osaka, Nhật Bản vào ngày 28/6/ 2019. Ảnh: Reuters

Lãnh đạo các quốc gia BRICS tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Osaka, Nhật Bản vào ngày 28/6/ 2019. Ảnh: Reuters

Năm ngoái, Nga và Trung Quốc đã khởi động các cuộc đàm phán để phát triển một đồng tiền dự trữ mới với các nước BRICS khác nhằm thách thức sự thống trị của đồng đô la.

Đồng tiền dự trữ mới sẽ dựa trên một rổ tiền tệ từ các thành viên của nhóm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), vị thế của đồng đô la với tư cách là đồng tiền dự trữ chính đã suy yếu khi các ngân hàng trung ương đa dạng hóa tài sản nắm giữ của họ sang các loại tiền tệ như đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, đồng krona của Thụy Điển và đồng won của Hàn Quốc.

Tin bài liên quan