1. Số ca nhiễm mới giảm trên toàn cầu
Mặc dù mỗi ngày vẫn xuất hiện thêm những ca nhiễm mới nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới trên toàn cầu đã giảm 5 tuần liên tiếp, từ đầu tháng 1/2021 đến tuần vừa qua đã giảm tổng cộng gần một nửa.
Một tin tốt khác là các chương trình tiêm vắc xin đang phát huy hiệu quả trong việc phòng dịch. Như ở Israel, sau khi người dân được tiêm phòng hai liều vắc xin, số ca mắc COVID-19 có triệu chứng đã giảm 94% và số ca nặng giảm 92%.
2. Các nước đẩy mạnh kế hoạch tiêm chủng
Tại Mỹ, Tổng thống Biden đang ráo riết thúc đẩy việc phân phối vắc xin với mục tiêu tham vọng là 300 triệu người Mỹ sẽ được tiêm vắc xin đầy đủ vào cuối mùa hè năm nay.
Hàng loạt nước châu Á khác cũng bắt đầu nhận được các đợt vắc xin đầu tiên. Với Singapore, có khả năng 100% dân số được tiêm vắc xin vào cuối quý III/2021. Hàn Quốc đặt mục tiêu tiêm cho 70% dân số trước tháng 9/2021.
Vietjet là một trong những hàng hàng không có lãi trong năm 2020 do đã chuyển hướng kinh doanh sang vận tải hàng hóa. |
Tại Việt Nam, dự kiến tuần tới sẽ nhập hơn 200.000 liều vắc xin đầu tiên phục vụ nhu cầu phòng chống dịch. Vắc xin do Việt Nam nghiên cứu và đang thử nghiệm cũng đã có kết quả rất tích cực.
Những thông tin trên dự báo nhu cầu du lịch vào mùa hè sắp tới sẽ bùng nổ trên toàn cầu khi người dân được tiêm phòng và an tâm đi lại, đồng nghĩa với việc các hãng hàng không sẽ đầy khách trở lại trên các chuyến bay. Điều này hứa hẹn món hời lớn cho các nhà đầu tư khi mua cổ phiếu hàng không vào giai đoạn hiện nay.
3. Doanh thu phụ trợ hàng không tăng
Điều gây bất ngờ là doanh thu phụ trợ tính trên mỗi hành khách của các hãng hàng không đã tăng mạnh trong năm qua. United Airlines công bố doanh thu phụ trợ trên đầu người của hãng tăng gần 59%, trong khi hàng loạt hãng khác như Alaska, Air Canada, Ryanair và Wizz Air cũng ghi nhận mức tăng ở mức hai con số.
Forbes cũng cho biết, Vietjet là một trong ít hãng bay hiếm hoi trên thế giới báo lãi năm 2020 và đã công bố lãi sau thuế 3 triệu USD sau khi chuyển hướng kinh doanh sang vận tải hàng hóa và dịch vụ phụ trợ.
4. Du lịch hồi phục ở các nước kiểm soát được dịch
Trong tình hình du lịch nước ngoài tiếp tục bị hạn chế, du lịch nội địa tại các nước và khu vực đã kiểm soát được dịch bắt đầu phục hồi và trên đà quay trở lại mức trước dịch. Trung Quốc, Úc, New Zealand là các ví dụ điển hình.
Một điển hình khác thành công về phát triển du lịch nội địa trong năm 2020 là Việt Nam. Tổng lượt khách nội địa năm 2020 của Việt Nam đạt 56 triệu lượt. Năm 2021, ngành du lịch Việt Nam tiếp tục xác định lấy du lịch nội địa làm nội lực duy trì hoạt động của ngành, chú trọng liên kết giữa các địa phương - doanh nghiệp - truyền thông, quảng bá những điểm đến mới.
Việc kiểm soát tốt dịch bệnh giúp cho người dân yên tâm khi sử dụng dịch vụ hàng không. |
Việc ngành du lịch sống tốt với du lịch nội địa có phần đóng góp không nhỏ của ngành hàng không. Năm 2020, hầu hết các hãng hàng không Việt Nam đã mở thêm nhiều đường bay nội địa mới để đáp ứng nhu cầu du lịch của người dân.
5. Các hãng mở rộng đầu tư
Dù không phải hãng hàng không nào cũng mở rộng đầu tư nhưng nhiều hãng đang phát ra những tín hiệu tích cực cho giới đầu tư. Một số hãng quyết định mở các đường bay mới để lấp vào chỗ trống để lại sau khi các hãng đối thủ bỏ tuyến bay, như Southwest chen chân vào sân bay O’Hare (Chicago) và George Bush (Houston) vốn là địa bàn của United Airlines và American Airlines.
Nhiều hãng lại tuyển thêm phi công như PSA Airlines và Frontier Airlines; hoặc rót thêm tiền đầu tư ví dụ như nhận thêm tàu bay mới, hay giới thiệu các dịch vụ cao cấp mới.
Trước đó, theo báo cáo chiến lược đầu tư năm 2021, Công ty Cổ phần chứng khoán VNDirect cũng đưa ra đánh giá lạc quan về triển vọng của ngành hàng không Việt Nam do các dự án đầu tư sắp tới trong ngành này sẽ tạo ra một động lực nhanh và ổn định trong tương lai.