Dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội được CII đầu tư từ vốn trái phiếu Goldman Sachs

Dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội được CII đầu tư từ vốn trái phiếu Goldman Sachs

5 lý do CII "đại hạ giá" trái phiếu chuyển đổi

(ĐTCK) Những thắc mắc của cổ đông về việc tại sao CII "đại hạ giá" trái phiếu chuyển đổi vừa được công ty này giải đáp.

Từ mức giá chuyển đổi công bố ban đầu dự kiến 43.500 đồng/cổ phiếu, CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) đã điều chỉnh mạnh về mức 10.000 đồng/cổ phiếu và 18.800 đồng/cổ phiếu cho 2 đợt phát hành trái phiếu. Việc này đã gây thắc mắc cho cổ đông Công ty. Trong công văn gửi Sở GDCK TP. HCM ngày 5/11, CII đưa ra 5 lý do về việc thay đổi này.

 

3 năm, lời 13 triệu USD từ 40 triệu USD trái phiếu

Theo tính toán của CII, với tỷ suất sinh lợi trước thuế cho các dự án mà Công ty triển khai khoảng 18,67%/năm, ước đến 4/2014, tổng số tiền mà CII thu lợi được từ 40 triệu USD vốn trái phiếu phát hành cho Goldman Sachs là 13,43 triệu USD.

Con số này, theo ước tính của Ban lãnh đạo Công ty đã bao gồm chi phí lãi phải trả cho trái chủ (tính 4%/năm), phí bảo lãnh, phát hành và chênh lệch tỷ giá.

 

Nhu cầu vốn lớn

Không tiết lộ dự án mà Công ty xin triển khai, nhưng trong công văn gửi HOSE, CII cho biết, Công ty đã hoàn tất nghiên cứu một số dự án, trong đó có 2 dự án có hiệu quả tốt, với quy mô vốn đầu tư chỉ riêng 2 dự án này là 15.200 tỷ đồng.

Hai dự án trên, theo Ban lãnh đạo Công ty, được kỳ vọng là “sẽ làm thay đổi toàn bộ hoạt động của CII hiện hữu (theo chiều hướng tốt hơn rất nhiều) và nâng cao vai trò, vị trí của CII trong đầu tư cơ sở hạ tầng”.

Chính vì vậy, nhu cầu vốn của Công ty là không nhỏ.

Bản thân CII thời gian cũng đã thay đổi chiến lược kinh doanh, khai thác các dự án BOT, theo hướng khai thác hết vòng đời dự án, chứ không bán sau khi hoàn tất dự án, nên nhu cầu vốn của Công ty càng lớn hơn. Đây được coi là lý do, CII càng có động lực “giữ chân” vốn từ Goldman Sachs.

 

Điều chỉnh do bắt buộc

Ngoài 2 nguyên nhân đến từ phía CII, có 1 yếu tố nữa khiến CII phải buộc điều chỉnh giá chuyển đổi trái phiếu cho các trái chủ, mà NĐT đang quan tâm chủ yếu là Goldman Sachs, là yếu tố chống pha loãng.

Theo CII, với việc phát hành trái phiếu chuyển đổi, cổ phiếu CII sẽ bị pha loãng. Giá CII sau phát hành trái phiếu ước khoảng 14.000 đồng/cổ phiếu, nên Công ty tính mức chuyển đổi mới, cộng thêm 10% lên mức 15.500 đồng/cổ phiếu.

2 mức giá chuyển đổi cho trái chủ là 10.000 đồng/cổ phiếu cho gói 15 triệu USD và 18.800 đồng/cổ phiếu gói trái phiếu 25 triệu USD được điều chỉnh trên cơ sở mức giá bình quân 15.500 đồng nói trên.

Với những lý do này, theo CII, việc giảm giá chuyển đổi trái phiếu cho trái chủ vẫn đảm bảo không gây ảnh hưởng đến NĐT, đồng thời vẫn mang lại hiệu quả cho cổ đông, do chênh lệch lớn giữa chi phí trái tức và lợi nhuận thu về từ vốn đầu tư.

 

2 lý do của… niềm tin

Ngoài 3 lý do hoàn toàn mang yếu tố kinh tế nói trên, Ban lãnh đạo CII giải trình thêm 2 vấn đề liên quan đến thực hiện quyền của trái chủ, là chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu và lấy tiền trước hạn.

Theo đó, cổ đông băn khoăn, liệu Goldman Sachs có chuyển đổi 15 triệu cổ phiếu thành trái phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và sau đó bán ngay ra thị trường để chốt lời, gây ảnh hưởng tới giá CII?

Về thắc mắc này, Ban lãnh đạo CII cho rằng, qua trao đổi với đối tác, CII nhận thấy, nếu có bán, đối tác sẽ thương lượng bán gói lớn, chứ không bán lẻ ra thị trường, vì “họ biết giá trị của cổ phiếu CII”, và, nếu khớp lệnh, rất lâu mới có thể bán hết được số cổ phần nói trên.

Đối với lo ngại NĐT sẽ rút trước hạn gói trái phiếu 25 triệu USD (có giá chuyển đổi 18.800 đồng/cổ phiếu), CII cũng tự tin cho rằng, trái phiếu trên thậm chí có thể gia hạn tới năm 2017, bởi NĐT có đủ điều kiện để yêu cầu CII mua lại trái phiếu từ trước thay đổi giá chuyển đổi, nhưng đã không thực hiện quyền của mình, cho thấy họ ý thức được giá trị cổ phiếu CII.

>> CII “đại hạ giá” trái phiếu chuyển đổi

>> CII: Triển khai chiến lược phát triển bền vững

>> CII: Vừa báo lỗ quý II đã dự kiến lãi lớn ở quý III