Không thể hiện hết giá trị của các tài sản vô hình
Năm 2012, truyền thông đưa tin, Kinh Đô ghi nhận thương hiệu vào tài vô hình của Công ty, việc làm này sau đó bị đơn vị kiểm toán lưu ý là trái với chuẩn mực kế toán tại Việt Nam. Kiểm toán cho rằng: “Kinh Đô đã ghi nhận giá trị thương hiệu vào tài sản với mục đích làm tăng tổng tài sản, tăng vốn chủ sở hữu”. Thực tế, thương hiệu Kinh Đô là một loại giá trị, nhưng lại không được ghi nhận trên báo cáo tài chính (BCTC).
Tương tự, BCTC sẽ không thể hiện những tài sản vô hình đang thực sự đem lại sức mạnh cho doanh nghiệp, chẳng hạn tệp khách hàng, mạng lưới quan hệ, năng lực ban lãnh đạo, trình độ công nghệ... Trong nhiều trường hợp, những tài sản này quan trọng hơn những tài sản đang kê khai trên BCTC.
Chẳng hạn, trường hợp của Vinamilk (VNM), sức mạnh của doanh nghiệp nằm ở những tài sản vô hình như thương hiệu, năng lực ban lãnh đạo, hệ thống quản lý và văn hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, BCTC của VNM đã không thể phản ánh những tài sản đó và hẳn là không nhà đầu tư nào bỏ tiền vào VNM chỉ bằng cách xem BCTC của công ty này.
Sai lệch giữa giá trị sổ sách và giá trị thị trường
Vấn đề thứ hai nằm ở việc áp dụng “nguyên tắc giá gốc” khi xây dựng số liệu trên BCTC. Theo đó, giá trị của tài sản không liên hệ đến hiệu quả sử dụng tài sản hay giá trị thị trường của tài sản qua thời gian, mà chỉ là toàn bộ số tiền doanh nghiệp đã chi ra để sở hữu tài sản đó. Nguyên tắc này chỉ mất đi khi doanh nghiệp chuyển giao quyền sở hữu hoặc đánh giá lại tài sản với mục đích góp vốn kinh doanh.
Để dễ hiểu hơn, bạn có thể hình dung về một công ty A sở hữu mảnh đất 1.000 m2 mặt tiền đường Nguyễn Huệ. Khi nhà đầu tư đọc BCTC của công ty A, giá trị mảnh đất ghi trên giấy tờ là 50 tỷ đồng, hay giá trị ghi sổ của mảnh đất này là 50 triệu đồng/m2. Bạn có nghĩ rằng, con đường sôi động bậc nhất Sài Gòn có mặt tiền giá 50 triệu đồng/m2? Nó quá phi thực tế, nhưng BCTC là thế, phải làm theo chuẩn mực.
Phụ thuộc ngày càng nhiều vào các ước tính kế toán
Ước tính kế toán, bạn có thể hiểu đơn giản là kế toán viên sẽ lấy giá trị gần đúng của một chỉ tiêu trên BCTC, giá trị này được ước tính “một cách chủ quan” trong trường hợp thực tế đã phát sinh nhưng chưa có số liệu chính xác.
Những khoản mục thường được ước tính là các khoản dự phòng, các khoản trích khấu hao tài sản cố định, chi phí trả trước, giá trị sản phẩm dở dang, doanh thu ghi nhận trước, doanh thu theo hợp đồng xây dựng dở dang, lợi thế thương mại...
Một số khoản ước tính có thể làm thay đổi cục diện tình hình kinh doanh của công ty. Chẳng hạn, trường hợp Công ty cổ phần Đầu tư Apax Holdings (IBC).
Năm 2017, IBC tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, đồng thời ghi nhận 630 tỷ đồng lợi thế thương mại, chiếm 1/3 tổng tài sản của Công ty. Được biết, lợi thế thương mại phát sinh của IBC chủ yếu là do Công ty mua chi phối Anh ngữ Apax English. 630 tỷ đồng chênh lệch này sẽ được phân bổ trong 10 năm vào chi phí của IBC, tức mỗi năm cổ đông của IBC sẽ phải gánh 63 tỷ đồng chi phí.
Bỏ qua nhiều thông tin quan trọng với nhà đầu tư
Công ty ký hợp đồng với một loạt khách hàng mới, triển khai nhiều sản phẩm mới, thay ban lãnh đạo, chuyển sàn giao dịch cổ phiếu…, tất cả những thông tin quan trọng này, bạn sẽ không thể tìm được trên BCTC.
Bởi lẽ, BCTC chỉ cho bạn những con số, kế đến là nguyên tắc để hình thành lên những con số đó và cuối cùng là một loạt con số khác để thuyết minh cho những con số trước đó. Nhìn chung là toàn số với số. Chính vì thế, những thông tin “vô hình” dù có giá trị đến mấy cũng không thể nào xuất hiện trên BCTC.
Khi đầu tư vào một doanh nghiệp là chúng ta đang đầu tư vào tương lai của doanh nghiệp đó. Điều đáng nói là tương lai của doanh nghiệp lại phụ thuộc không nhỏ vào những thông tin bên trên.
Báo cáo được kiểm toán vẫn có sai lệch
Vụ scandal sai lệch số liệu về hàng tồn kho và phải thu trong BCTC của Gỗ Trường Thành (TTF) vẫn chưa hết dư chấn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Giá cổ phiếu TTF giảm từ quanh 45.000 đồng/CP xuống còn 3.000 đồng/CP, gây mất mát cho những nhà đầu tư đã tin tưởng vào ban lãnh đạo, vào BCTC đã được kiểm toán của TTF.
Như vậy, bản thân BCTC ngoài việc mắc những “vấn đề” mang tính cố hữu còn mang theo những vấn đề về mang tính “ngoại tác” từ phía con người. Hiện nay, chưa có số liệu để thống kê được rằng, trong hai vấn đề trên, vấn đề nào là nguyên nhân của phần lớn những sai sót và gian lận trong BCTC và có lẽ sẽ không bao giờ có. Tuy nhiên, những câu chuyện từ thực tế chỉ ra rằng, BCTC không bao giờ hoàn hảo và không thể là kim chỉ nam duy nhất cho những quyết định đầu tư thông minh.