5 cổ phiếu ngân hàng trong "watchlist" ACBS

5 cổ phiếu ngân hàng trong "watchlist" ACBS

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong báo cáo ngành ngân hàng mới đây, Phòng phân tích ACBS đánh giá triển vọng tích cực đối với cổ phiếu ngành ngân hàng nhờ định giá hấp dẫn và kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng cao trong nửa cuối năm 2022 từ hoạt động kinh doanh cốt lõi và chất lượng tài sản ổn định.

Kết quả kinh doanh quý II tích cực

Theo ACBS, kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng tiếp tục tăng trưởng mạnh trong quý II/2022 theo đà phục hồi của nền kinh tế. Thống kê cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế của 17 ngân hàng niêm yết trên HOSE tăng trưởng 37,4% so với cùng kỳ, nhưng giảm 7,3% so với quý trước. Tuy nhiên, nếu loại trừ các khoản phí hợp tác bảo hiểm trả trước trong quý I/2022 của VPB và CTG, lợi nhuận trước thuế quý II sẽ tăng 3,6% so với quý trước.

ACBS cho rằng, động lực tăng trưởng lợi nhuận quý II đến từ hai yếu tố. Thứ nhất, thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi tăng trưởng tốt, lần lượt đạt 16% và 17,5% so với cùng kỳ. Thứ hai, chi phí dự phòng giảm 14,7% so với cùng kỳ do áp lực trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu do Covid-19 đã giảm đi đáng kể.

Do đó, nhóm chuyên gia kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tiếp tục khả quan trong nửa cuối năm 2022 nhờ: tăng trưởng tốt từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi và chi phí dự phòng giảm nhờ chất lượng tài sản ổn định, bộ đệm dự phòng cao.

“Chúng tôi dự phòng lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng trong danh mục khuyến nghị của chúng tôi tăng trưởng 45,2% trong nửa cuối năm 2022 và tăng trưởng 34,6% trong cả năm 2022”, báo cáo nhấn mạnh.

Tăng trưởng tín dụng cao, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng

Nền kinh tế phục hồi sau đại dịch và lãi suất cho vay đang ở mức vừa phải giúp kích thích nhu cầu tín dụng tăng trưởng mạnh. Tính đến cuối tháng 6/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 9,44% so với đầu năm, cao hơn nhiều so với tăng trưởng huy động 4,77%.

Tín dụng tăng trưởng mạnh gây sức ép lên thanh khoản hệ thống ngân hàng trong 6 tháng đầu năm 2022, trước khi các ngân hàng chạm trần hạn mức tăng trưởng tín dụng và áp lực thanh khoản do đó cũng đã dịu bớt.

Lãi suất huy động của các ngân hàng tư nhân đã tăng 0,5 – 0,8% và ngân hàng quốc doanh tăng 0,1% trong 6 tháng đầu năm 2022. Trong nửa cuối năm, ACBS nhận thấy có nhiều yếu tố làm tăng nhu cầu đối với VND như: hạn mức tín dụng kỳ vọng được nới; lô bán kỳ hạn 11 tỷ USD của Ngân hàng Nhà nước sẽ đến hạn thanh toán,…

NIM cải thiện nhẹ, bất chấp lãi suất huy động có xu hướng tăng lên

Các chuyên gia cho biết, lãi suất huy động mặc dù có xu hướng tăng lên trong 6 tháng đầu năm 2022, tuy nhiên, NIM của các ngân hàng vẫn cải thiện nhẹ trong quý II/2022, mặc dù chưa quay lại mức đỉnh của quý II/2021.

Trong nửa cuối năm 2022, ACBS kỳ vọng NIM của các ngân hàng sẽ đi ngang so với quý II/2022 và cải thiện nhẹ so với nửa cuối năm.

Thu nhập ngoài lãi tiếp tục hồi phục tốt sau dịch bệnh

Thu nhập ngoài lãi tăng trưởng 17,4% so với cùng kỳ nhưng giảm 11% so với quý trước do một số khoản phí trả trước nhận được từ các thỏa thuận bancassurance của VPB và CTG được ghi nhận trong quý I/2022. Nếu loại trừ các khoản thu nhập đột biến này, thu nhập ngoài lãi tăng trưởng 11% so với quý I/2022.

Các hoạt động thu nhập ngoài lãi như thanh toán, phân phối bảo hiểm, dịch vụ ngân hàng đầu tư được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ nền kinh tế phục hồi sau dịch bệnh.

Áp lực trích lập dự phòng giảm

Chi phí dự phòng quý II/2022 giảm 14,7% so với cùng kỳ nhưng tăng 13,6% so với quý trước do STB trích lập dự phòng trái phiếu VAMC và Fe Credit đẩy mạnh trích lập cho nợ xấu phát sinh. Tuy nhiên, nhìn chung áp lực trích lập dự phòng trong quý II/2022 duy trì ở mức thấp.

Áp lực trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cấu trúc do Covid-19 không còn đáng kể từ đầu năm 2022 là nguyên nhân chính giúp chi phí dự phòng ở mức thấp. ACBS nhận thấy nhiều ngân hàng đã trích lập dự phòng 100% cho các khoản nợ tái cơ cấu do Covid-19 như: VCB, CTG, BID, MBB, TCB, ACB, STB, HDB, TPB.

Theo đó, ACBS kỳ vọng chi phí dự phòng sẽ tiếp tục ở mức thấp trong nửa cuối năm 2022 trên nền tảng chất lượng tài sản ổn định và bộ đệm dự phòng ngày một lớn.

Khuyến nghị đầu tư

ACBS đánh giá, đợt điều chỉnh mạnh của thị trường trong quý II/2022 đưa giá cổ phiếu ngành ngân hàng về vùng hấp dẫn. Tại ngày 15/08/2022, ngành ngân hàng đang được giao dịch ở P/E và P/B lần lượt là 9,9 và 1,75 lần, thấp hơn lần lượt 20,4% và 13,1% so với P/E và P/B trung bình 5 năm.

Từ nhiều yếu tố, nhóm nghiên cứu đánh giá triển vọng tích cực đối với ngành ngân hàng nhờ định giá ở mức hấp dẫn và kỳ vọng lợi nhuận trong 6 tháng cuối năm 2022 duy trì tốc độ tăng trưởng cao.

Tin bài liên quan