Hôm nay (31/5), Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) đã cho ra mắt Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2020. Báo cáo đã nêu ra bức tranh tổng quan về tình hình đầu tư vào các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ngành công nghệ Việt Nam.
451 triệu USD vốn đầu tư cho các start-up công nghệ Việt Nam
2020 là một năm thử thách nhưng ẩn chứa nhiều cơ hội đối với bối cảnh đầu tư đổi mới sáng tạo và công nghệ toàn cầu, và thị trường Việt Nam không phải ngoại lệ. Tổng số vốn đầu tư vào các start-up công nghệ Việt Nam đạt 451 triệu USD, giảm 48% so với năm 2019, chủ yếu do sự vắng bóng của các khoản đầu tư đáng kể đã được các công ty lớn khép lại trong năm trước. Tuy nhiên, số lượng các khoản đầu tư giảm không đáng kể ở mức 17%, trong đó ghi nhận 60 thương vụ vào nửa cuối năm - con số tương đương với cùng kỳ năm trước. Sau giai đoạn sụt giảm mạnh vào quý I, hoạt động đầu tư mạo hiểm bắt đầu hồi phục từ quý II trở đi.
Thanh toán và bán lẻ tiếp tục là lĩnh vực nhận được nhiều nhất những khoản đầu tư giá trị lớn nhờ vai trò chủ chốt trong sự phát triển của nền kinh tế Internet. Một số ngành như HRTech (công nghệ nhân sự), PropTech (công nghệ bất động sản) tiếp tục thu hút vốn đầu tư, trong khi các ngành như EdTech (công nghệ giáo dục), MedTech (công nghệ y tế), và SaaS (phần mềm dạng dịch vụ) đang tăng dần lên do sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sau Covid-19.
Vốn đầu tư vào start-up công nghệ Việt Nam năm 2020 giảm một nửa so với năm trước đó do yếu tố Covid-19, nhưng được dự báo sẽ bứt phá trong năm 2021 |
Quỹ nội đóng vai trò quan trọng
Trong bối cảnh khó khăn chung của các nền kinh tế toàn cầu bởi đại dịch Covid-19, số lượng nhà đầu tư nước ngoài chỉ giảm nhẹ trong năm 2020 cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút các nhà đầu tư. Hoạt động mạnh mẽ nhất đến từ các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc và Singapore, trong khi đó số lượng các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản có giảm đáng kể.
Nguồn vốn ổn định vào các start-up giai đoạn đầu đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe của toàn bộ hệ sinh thái đầu tư mạo hiểm. Do Ventures ghi nhận hơn một nửa trong tổng số lượng thương vụ đầu tư vào start-up công nghệ Việt Nam được thực hiện bởi các quỹ đầu tư nội địa. Đây là chỉ dấu cho thấy vai trò quan trọng của các nhà đầu tư trong nước trong việc hỗ trợ start-up giai đoạn đầu tiếp tục tiến xa hơn trong giai đoạn nhiều thử thách như hiện nay.
Số liệu tổng hợp cho thấy, quỹ đầu tư nội đã vươn lên đứng đầu về số vốn đầu tư vào các start-up trong năm 2020 |
Triển vọng 2021: Khủng hoảng là chất xúc tác mạnh mẽ cho các mô hình kinh doanh đột phá
Theo nhóm nghiên cứu, sự vào cuộc mạnh mẽ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ ngành liên quan đã góp phần hoàn thiện nhiều cơ chế pháp lý nhằm hỗ trợ và khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam.
Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi cũng như quy trình đầu tư và thoái vốn dành cho nhà đầu tư nước ngoài cũng được quy định ngày một rõ ràng, đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn bậc nhất trong khu vực. Đặc biệt, Chính phủ đang có những bước đi quyết liệt trong phát triển nền kinh tế số khi bước đầu triển khai khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) cho các ngành nghề mới như công nghệ, tài chính (fintech).
Báo cáo ghi nhận những nỗ lực từ Chính phủ Việt Nam nhằm kiến tạo một môi trường thuận lợi nhất, nơi các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và nhà đầu tư có thể hợp lực tạo nên những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế.
Báo cáo nhận định, mặc dù thị trường đầu tư công nghệ Việt Nam có sự chững lại khó tránh khỏi do tác động của Covid-19, các nhà sáng lập tại Việt Nam đã tận dụng mọi nguồn lực có thể để trụ vững và tiếp tục phát triển.
“Khủng hoảng luôn là chất xúc tác mạnh mẽ để các mô hình kinh doanh đột phá xuất hiện. Với những nỗ lực từ phía Chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, start-up Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá khi hoạt động đầu tư dần phục hồi”, nhóm tác giả nhận định.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC và bà Lê Hoàng Uyên Vy, CEO Do Ventures |
Với vai trò là cơ quan hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia cho biết: "NIC đang nghiên cứu và đề xuất xây dựng môi trường pháp lý cho đổi mới sáng tạo Việt Nam và các chương trình, chính sách đặc thù, cơ chế thử nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Sự phối hợp giữa NIC và Do Venture trong việc đồng phát hành Báo cáo Đổi mới Sáng tạo và Đầu tư Công nghệ Việt Nam 2020 nhằm cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư về hoạt động đầu tư đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, qua đó tăng cường thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước cho đổi mới sáng tạo".
Chia sẻ nhận định về kết quả của báo cáo, bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành Do Ventures, cho biết: "Thách thức đã trải dài toàn bộ năm 2020 và có lẽ vẫn sẽ chưa dừng lại trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, là những người hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chúng tôi luôn nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Do Ventures tin vào năng lực vượt lên trở ngại để tạo ra những giá trị mới cho xã hội của các nhà sáng lập tại Việt Nam, đồng thời cam kết luôn sát cánh hỗ trợ họ trong những giai đoạn then chốt".