Đồng thời, 44 doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận hoặc tự chấm dứt hoạt động vì kém hiệu quả. Thời điểm năm 2016 toàn thị trường có có 67 doanh nghiệp bán hàng đa cấp hoạt động.
Giai đoạn 2016 – 2017, doanh thu toàn ngành bán hàng đa cấp đạt khoảng 8.000 tỷ đồng/năm. Năm 2018 đạt hơn 10 ngàn tỷ đồng/năm và theo số liệu mới nhất, trong 6 tháng đầu năm 2019, doanh thu của 23 doanh nghiệp đạt 5.800 tỷ đồng (tăng 25% so với cùng kỳ năm 2018).
Tính đến tháng 9/2019 chỉ còn khoảng hơn 800.000 người ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp, trong đó có khoảng 300.000 người có hoạt động bán hàng và phát sinh hoa hồng, còn lại chủ yếu là ký hợp đồng để được mua hàng với giá chiết khấu.
Ngành bán hàng đa cấp tại thị trường Việt Nam những năm qua có nhiều “sóng gió” tuy nhiên kể từ khi Nghị định 40/2018/NĐ-CP ra đời và có hiệu lực từ ngày 2/5/2018 với nhiều điều kiện thay đổi trong đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, đã mở ra một giai đoạn phát triển mới và cũng tạo ra môi trường minh bạch hơn cho những công ty chân chính hoạt động.
Nghị định mới có các điều khoản siết chặt hơn về điều kiện kinh doanh, hoạt động và chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp đa cấp. Chẳng hạn, cấm sử dụng hình thức kinh doanh đa cấp để huy động tài chính trái phép, hướng đa cấp đi đúng bản chất là hình thức phân phối hàng hóa, không bị lợi dụng cho những hình thức trái phép khác; về điều kiện đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, doanh nghiệp phải ký quỹ một khoản tiền tương đương 5% vốn điều lệ nhưng tối thiểu 10 tỷ đồng trở lên thay vì 5 tỷ như nghị định cũ…
Dù những thay đổi về khung pháp lý ngày càng chặt chẽ khó khăn hơn nhưng theo các doanh nghiệp, những quy định này sẽ tạo điều kiện cho ngành bán hàng đa cấp tiếp tục phát triển bền vững hơn bởi tiềm năng phát triển trong tương lai của ngành này còn lớn.