400 doanh nghiệp niêm yết có doanh thu lớn nhất, đa số sử dụng vốn kém hiệu quả

(ĐTCK) Theo đánh giá của PwC Việt Nam về hiệu quả sử dụng vốn lưu động tại Việt Nam, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam trong 4 năm qua đang tồn tại nhiều mối lo ngại.
400 doanh nghiệp niêm yết có doanh thu lớn nhất, đa số sử dụng vốn kém hiệu quả

Hiệu quả kém

Theo kết quả báo cáo nghiên cứu được thực hiện với 400 doanh nghiệp lớn nhất tính theo doanh thu đang niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) và Sở GDCK Hà Nội (HNX) vừa được PwC Việt Nam công bố, với các chính sách tiền tệ phù hợp và nguồn vốn FDI dồi dào, các doanh nghiệp đã tăng trưởng nhanh qua các năm, đạt mức 6,1% một năm cho giai đoạn 2013-2017.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng lợi nhuận trong giai đoạn này của các doanh nghiệp này vẫn ghi nhận ở mức hạn chế.

Mặt khác, tỷ suất sinh lời trên vốn sử dụng (ROCE) của các doanh nghiệp suy giảm dù tỷ lệ nợ trên vốn ngày một cao, chủ yếu do gia tăng vay mượn để đầu tư tài sản cố định.

Cũng theo báo cáo, chu kỳ tiền mặt (Cash to Cash cycle - C2C) - là số ngày trung bình doanh nghiệp cần để chuyển đổi nguyên liệu đầu vào thành dòng tiền từ hoạt động, đã kéo dài thêm 6 ngày trong 4 năm qua do vốn lưu động sử dụng để tạo ra doanh thu đang ngày một tăng.

C2C của doanh nghiệp Việt Nam vào khoảng 68 ngày cho năm tài khóa 2017, cao gấp 2 lần hoặc hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới (cao hơn các khu vực phát triển như Mỹ, châu Âu từ 10 tới 40 ngày và hơn các nước trong khu vực châu Á khoảng 15 ngày).

400 doanh nghiệp niêm yết có doanh thu lớn nhất, đa số sử dụng vốn kém hiệu quả ảnh 1 

Nguyên nhân chính đến từ sự thiếu hiệu quả trong sử dụng vốn lưu động của các nhóm ngành như kỹ thuật - xây dựng, chăm sóc sức khỏe và hàng tiêu dùng.

Báo cáo nghiên cứu của PwC Việt Nam chỉ ra rằng, chỉ có 6 trong số 14 ngành nghiên cứu cải thiện được năng lực quản lý vốn lưu động trong 4 năm qua.

Các nhóm ngành ghi nhận cải thiện đáng kể gồm có năng lượng -tiện ích khác, dầu mỏ - khí đốt và thương mại (khoảng 15%/năm), trong khi các nhóm ngành như công nghệ - truyền thông, hàng tiêu dùng và kim loại - khai khoáng lại ghi nhận suy giảm nghiêm trọng (khoảng 10%/ năm).

Sự khác biệt

Theo báo cáo của PwC, kết quả tài chính giữa các doanh nghiệp quản lý tốt và quản lý chưa tốt vốn lưu động có sự khác biệt rõ rệt, trong đó doanh nghiệp quản lý tốt vốn lưu động đạt hiệu quả tài chính vượt trội.

Nhóm doanh nghiệp với hiệu quả sử dụng vốn lưu động tốt ghi nhận C2C chỉ là 12 ngày, thấp hơn khoảng 20 lần so với C2C của nhóm doanh nghiệp chưa tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn lưu động.

Theo PwC, "Tiền mặt là vua" là một cụm từ thường được dùng trong ngôn ngữ kinh doanh nhằm nêu lên tầm quan trọng của việc quản lý hiệu quả vốn lưu động. Đây là điều kiện cần và đủ để doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững.   

Ngoài ra, nhóm này cũng hiệu quả hơn trong việc duy trì khả năng thanh toán và ít phụ thuộc vào vay mượn để sử dụng cho các hoạt động doanh nghiệp thường ngày.

Hạn chế trong khâu quản lý các khoản phải thu khách hàng và hàng tồn kho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Điều này khiến doanh nghiệp phải kéo dài thời hạn thanh toán với nhà cung cấp để đảm bảo khả năng thanh khoản.

Trong số 400 doanh nghiệp được nghiên cứu, chỉ 15 doanh nghiệp thực sự rút ngắn được C2C của mình, đồng thời cải thiện hiệu quả tài chính trong cùng giai đoạn.

Theo PwC, trên quan điểm hoạt động M&A, hiệu quả sử dụng vốn lưu động ảnh hưởng trực tiếp đến ước tính giá trị doanh nghiệp hoặc giá trị vốn chủ sở hữu trong một thương vụ. Với việc chưa tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn lưu động, doanh nghiệp đã và đang thất thoát một lượng tiền đáng kể.

Gần 10 tỷ USD tồn đọng trong vốn lưu động thuần

Tồn đọng trong vốn lưu động thuần của các doanh nghiệp nghiên cứu vào khoảng 10 tỷ USD.

Báo cáo của PwC Việt Nam cho thấy, cơ hội giải phóng tiền mặt lên tới 40% giá trị tồn đọng trên (khoảng 4 tỷ USD) nếu các doanh nghiệp này đạt được C2C của nhóm 25% doanh nghiệp đứng đầu hiệu quả sử dụng vốn lưu động tối ưu.

Các nhóm ngành như kỹ thuật - xây dựng, hàng tiêu dùng và kim loại - khai khoáng có lượng tiền mặt tồn đọng trong vốn lưu động lớn nhất và cũng là nhóm sở hữu cơ hội giải phóng tiền mặt nhiều nhất, chiếm khoảng 50% tổng giá trị ước tính.

Vốn lưu động không chỉ giúp đáp ứng các nghĩa vụ ngắn hạn như chi trả các khoản vay, mà còn để đầu tư cho các mục tiêu dài hạn như nâng cao năng suất, mở rộng thị trường, tạo ra sản phẩm mới, thu hút thêm khách hàng...   

Dựa vào kết quả hoạt động quá khứ, lượng tiền mặt giải phóng từ việc cải thiện hiệu quả sử dụng vốn lưu động đủ để chi trả cho tổng vốn lưu động và nhu cầu chi phí đầu tư xây dựng cơ bản (Capex) cho 3 năm tới (khoảng 2,5 tỷ USD), tính từ năm tài khóa 2017.

“Chuỗi cung ứng chưa hiệu quả, cùng với sự thay đổi không ngừng nghỉ của môi trường và phương thức giao dịch, đi kèm với các giải pháp thanh toán tài chính chưa được tối ưu hóa là những lý do quan trọng nhất dẫn tới sự tụt hậu trong hoạt động quản lý vốn lưu động từ doanh nghiệp Việt Nam so với các doanh nghiệp khác trong khu vực và trên toàn thế giới”, ông Mohammad Mudasser, Phó giám đốc Dịch vụ Tư vấn quản lý vốn lưu động của PwC Việt Nam nhận định.

Các doanh nghiệp cần thay đổi

Theo khuyến nghị của PwC, quản lý vốn lưu động cần được xem là ưu tiên hàng đầu của mỗi doanh nghiệp, vì điều này không chỉ ảnh hưởng tích cực tới cân đối kế toán và kết quả hoạt động, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp đạt được các mục tiêu chiến lược.

Tối ưu hóa hiệu quả sử dụng vốn lưu động giúp doanh nghiệp cải thiện bảng cân đối kế toán thông qua lượng tiền mặt giải phóng từ các khoản phải thu khi khách hàng trả tiền đúng hạn, giảm thiểu hàng tồn kho thừa nhờ vào quản lý chuỗi cung ứng một cách bài bản.

Thêm vào đó, quy trình mua hàng chi tiết hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao vị thế với nhà cung cấp và quản lý tiền mặt và ngân sách hiệu quả cải thiện khả năng tài trợ hoạt động doanh nghiệp.

Rút ngắn C2C ảnh hưởng tích cực lên bảng kết quả hoạt động kinh doanh nhờ vào doanh thu tăng thêm từ cải thiện cân đối cung cầu, giá vốn bán hàng giảm nhờ quản lý khoản phải trả chặt chẽ, đồng thời các chi phí hoạt động khác giảm xử lý một cách khoa học các khâu lưu kho và logistics.

Kết quả là doanh nghiệp có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững trong việc cắt giảm chi phí, tối đa hóa lợi nhuận và đem lại nhiều giá trị tăng thêm cho các nhà đầu tư.

Tin bài liên quan