4 yếu tố hỗ trợ thị trường tăng điểm

(ĐTCK-online) Ba tuần qua, TTCK có xu hướng giảm, nhưng đã có phiên phục hồi mạnh ngày hôm qua khi thông tin Việt Nam phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu và không tăng lãi suất cơ bản (LSCB) được công bố. Liệu thị trường có tiếp tục tăng, trở thành con sóng nhỏ cuối cùng của năm âm lịch khi thời điểm Tết Nguyên đán đang cận kề, trong khi nhiều DN công bố kết quả kinh doanh năm 2009 tương đối khả quan? ĐTCK đã ghi nhận ý kiến của các chuyên gia.

Ông Ngô Văn Minh, Giám đốc khối Phân tích, Công ty Quản lý quỹ Sài Gòn Hà Nội (SHF)

Hôm qua, TTCK tăng điểm ấn tượng. Theo tôi, đây là một trong những phiên mở đầu của đợt tăng điểm mới cho đến Tết Nguyên đán. Có 4 yếu tố hỗ trợ cho khả năng này. Trước hết là thông tin Việt Nam phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để Việt Nam chủ động hơn trong điều hành chính sách tiền tệ và thu hẹp thâm hụt cán cân thanh toán. Thứ hai, LSCB đã được chính thức khẳng định là duy trì ổn định trong tháng 2 ở mức 8%. Mức tăng CPI tháng 1 là 1,36% so với tháng trước, nằm trong vùng dự báo của giới phân tích. Lãi suất liên ngân hàng giảm dần, tốc độ huy động và giải ngân tín dụng, theo ghi nhận của chúng tôi, đang tăng trở lại, thể hiện thanh khoản các ngân hàng bắt đầu tốt dần. Yếu tố thứ ba là giai đoạn này có nhiều DN công bố kết quả quý IV/2009 rất tốt, đưa mức định giá P/E, P/B trở nên hấp dẫn, nhất là sau khi VN-Index đã có thời gian xuống điểm khá nhanh và sâu (nếu không tính đến yếu tố nâng đỡ chỉ số chung của 2 mã VNM và BVH thì VN-Index đã xuống ngưỡng 450 điểm). Yếu tố cuối cùng là theo công cụ phân tích của SHF, thị trường đã hình thành dấu hiệu chỉ báo mua vào từ phiên 25/1, với độ tin cậy trong quá khứ là 80%.

 

Ông Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính DN, Đại học Kinh tế TP. HCM

Thời gian qua, dường như ai cũng dự đoán là LSCB sẽ tăng, vấn đề chỉ là thời điểm. Do đó, TTCK bị kìm hãm bởi tin đồn về việc chuẩn bị tăng LSCB. Vì vậy, khi thông tin không tăng LSCB được công bố thì thị trường đã bật lên. Đây là điều dễ hiểu. Chúng ta cần nhìn kỹ lại chính sách lãi suất. LSCB và lãi suất trong nền kinh tế hiện nay đã cao. Không ở nước nào mà sau khủng hoảng cần tăng trưởng kinh tế mà lãi suất lại cao như vậy. Vấn đề là kiểm soát lạm phát không chỉ có kiểm soát cung tiền thông qua điều tiết tín dụng. Từ khi tăng LSCB thêm 1% đến nay, huy động vốn chỉ tăng 1%, trong khi DN sản xuất vẫn thiếu vốn, phải đi vay với lãi suất cao. Vậy tiền ở đâu? Có một luồng tiền tích trữ chờ đợi dấu hiệu ổn định của TTCK là ào vào? Thực tế là lợi nhuận của các DN niêm yết nói riêng, của DN trong nền kinh tế nói chung trong năm 2009 đã tăng trưởng tốt (dù một số DN có lợi nhuận từ những nguồn bất thường). Điều đó đã chứng minh năng lực của DN. Năm 2010, với điều kiện tốt hơn, DN sẽ tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn. Vì thế, chính sách tiền tệ thắt chặt chỉ là khó khăn nhất thời với TTCK.

 

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC

Việc Chính phủ phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu là thông tin tích cực, vì nó sẽ giúp giảm thâm hụt ngân sách, cân bằng nhu cầu ngoại tệ, ổn định vĩ mô. Bên cạnh đó là LSCB được giữ nguyên. Trước những thông tin tốt, TTCK đã tăng điểm, nhưng ngân hàng vẫn chưa cho vay bình thường, thanh khoản vẫn chưa thoải mái nên TTCK có thể sớm có sự điều chỉnh giảm, do tác động tâm lý.

LSCB được giữ nguyên, nhưng việc cho vay vượt trần lãi suất đang diễn ra. Tuy nhiên, không tăng LSCB có tác động kéo lãi suất chững lại, tác động tốt về tâm lý cho thị trường. Nếu LSCB tăng thì sẽ hợp thực hóa các khoản vay với lãi suất vượt trần và đẩy lãi suất cho vay tăng cao.

Có thể tháng sau LSCB sẽ tăng, nhưng tăng là tốt cho thị trường. Vì sau Tết, nguồn tiền bớt căng thẳng, tiền sẽ chảy vào hệ thống ngân hàng, giúp lãi suất cho vay giảm xuống. Khi đó, có thể tăng LSCB để ngân hàng huy động vốn, mà lãi suất cho vay không đụng trần.

 

Ông Nguyễn Thế Nhiên, Phó giám đốc điều hành CTCK Thành Công (TCSC)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định giữ nguyên mức LSCB 8% trong tháng 2 đã giải tỏa lo ngại của NĐT trên TTCK. Điều này thể hiện phần nào trong phiên giao dịch 26/1 vừa qua khi VN-Index tăng 16 điểm (+3,5%), tính thanh khoản được cải thiện. Diễn biến này cho thấy, áp lực lạm phát những tháng đầu năm 2010 đã đẩy thị trường rơi vào trạng thái bi quan, dù kết quả kinh doanh của nhiều DN lớn trên 2 sàn đều khả quan, vượt mức kế hoạch. Theo xu hướng mọi năm, vào giai đoạn công bố kết quả kinh doanh, thị trường thường có mức tăng điểm ấn tượng. Thế nhưng, năm nay, việc công bố kết quả kinh doanh rơi vào thời điểm mà thị trường đang lo ngại đến vấn đề lạm phát và chính sách tiền tệ, đặc biệt là chính sách lãi suất của NHNN. Việc công bố giữ nguyên mức LSCB lần này đã gạt bỏ những lo lắng trước đó của thị trường và lúc này, NĐT đang trông ngóng kết quả kinh doanh năm 2009. Đây chính là 2 yếu tố cơ bản có thể giúp thị trường tăng điểm trong những phiên giao dịch tới. Trong khi đó, triển vọng kinh doanh năm 2010 sáng sủa hơn.

 

Bà Hoàng Thị Hoa, Trưởng bộ phận Phân tích, CTCK Bản Việt

Giữ nguyên LSCB là một quyết định phù hợp trong thời điểm hiện tại, khi áp lực lạm phát không đáng lo, đồng thời hiệu quả của việc tăng lãi suất trong thời điểm hiện tại là không lớn. Trong những ngày cận Tết Nguyên đán, nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế không nhiều, khi nhu cầu vốn của các DN và người dân tiếp tục gia tăng để phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Do vậy, ngân hàng gặp khó khăn trong việc huy động vốn do lãi suất huy động ở mức khá thấp - hiện nay là 10,5%. Nếu LSCB tăng thêm 0,5% thì trần lãi suất huy động có thể được điều chỉnh lên 11 - 11,5%, nhưng vẫn chưa đủ hấp dẫn để thu hút nguồn tiền vào hệ thống ngân hàng ở thời điểm hiện tại.

Bên cạnh đó, nguy cơ điều chỉnh lãi suất vào thời điểm sau Tết sẽ lại trở thành một rủi ro chưa giải tỏa được, vì khó khăn trong huy động vốn của ngân hàng vẫn tiếp tục và hiệu quả của việc tăng lãi suất có thể có tác dụng hơn vào thời điểm sau Tết, tức là từ tháng 3 trở đi. Lý do là vì lúc đó các nguồn vốn nhàn rỗi trong nền kinh tế sẽ dồi dào hơn: DN có nguồn tiền bán hàng dịp Tết; các khoản lương, thưởng Tết của người lao động; lượng kiều hối từ nước ngoài gửi về cho thân nhân…

Có thể nói, dòng tiền sẽ khá biến động trong tháng 2 do tác động của dịp Tết. Do vậy, chúng tôi cho rằng, NĐT không nên quá hào hứng với thông tin LSCB được giữ nguyên trong tháng 2, vì xu thế tăng ổn định trong trung hạn vẫn chưa được thiết lập và cần thị trường kiểm chứng thêm trong một vài phiên nữa.

 

Ông Hải Tùng, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Dầu khí (PSI)

TTCK tăng điểm mạnh là phản ứng tích cực trước thông tin tốt: Việt Nam phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu chính phủ và chưa tăng LSCB. Tuy nhiên, đà tăng của thị trường có duy trì được lâu hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thanh khoản của ngân hàng, dòng tiền, kết quả kinh doanh quý IV/2009 và triển vọng phát triển của các DN…

Theo phân tích kỹ thuật, VN-Index có ngưỡng kháng cự quan trọng ở vùng 517 - 520 điểm, được tạo bởi kênh xu thế giảm trung hạn, nối 2 mức đỉnh gần đây là 633,21 điểm và 544,49 điểm.

Đến nay, nhiều DN đã công bố kết quả kinh doanh quý IV/2009 với những con số lạc quan. Tuy nhiên, hầu hết những thông tin này đã được dự báo trước và phản ánh vào giá cổ phiếu. Vì vậy, vào thời điểm này, với NĐT theo xu thế, chỉ nên thực hiện mua - bán khi xác định được xu thế. Tránh việc chạy theo các tin đồn thổi. Kết quả kinh doanh tốt của các DN có tác dụng tích cực khi thị trường đi lên, nhưng có thể không có nhiều tác động khi thị trường đi xuống. Với các NĐT theo giá trị, ngoài đánh giá về kết quả kinh doanh, cần lưu ý triển vọng phát triển của DN phù hợp với diễn biến vĩ mô, triển vọng ngành. Năm 2010, nhìn chung, kinh tế thế giới cũng như trong nước sẽ có sự cải thiện, tuy tốc độ còn chậm và chứa đựng một số rủi ro. Những ngành như vật liệu cơ bản, xây dựng, bất động sản, tài chính, ngân hàng… là những ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi kinh tế hồi phục.

 

Ông Nguyễn Hữu Việt, Phó phòng Nghiên cứu Phân tích, CTCK Quốc tế Hoàng Gia (IRS)

Khối lượng giao dịch thời gian qua cạn kiệt, cầu yếu do NĐT e ngại về các yếu tố kinh tế vĩ mô như LSCB, CPI, lạm phát…, nhưng quan trọng hơn là cung yếu do tâm lý nhiều NĐT không muốn bán cổ phiếu với mức giá thấp. Chính vì vậy, thông tin về việc phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế, giữ nguyên LSCB đã tác động tích cực đến tâm lý NĐT. Như vậy, tín hiệu tốt cho thị trường chính là chỉ cần tin tốt thì dòng tiền sẽ quay trở lại. Tuy nhiên, chúng tôi không đánh giá cao tác động lâu dài của thông tin trên đối với đà tăng của thị trường, bởi tâm lý NĐT còn thận trọng, các yếu tố vĩ mô chưa thật sự ổn định, giao dịch gần Tết với thời gian nghỉ dài sẽ có những ảnh hưởng nhất định.

Nhìn lại giữa tháng 10/2009, khi mà nhiều báo cáo tài chính quý III/2009 được công bố với kết quả lợi nhuận tương đối khả quan thì TTCK bước vào giai đoạn điều chỉnh sau khi có đợt tăng điểm trước đó. Sau đó, VN-Index phục hồi từ 430 điểm lên 540 điểm kể từ giữa tháng 12/2009 đến đầu tháng 1/2010 khi chưa có báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2009 và chỉ số lại điều chỉnh sau ngày 10/1/2010 khi đến mùa báo cáo năm. Như vậy, "sóng quý IV" đã có dấu hiệu ngắn hơn, khi mà tính đột biến không còn, mặc dù hầu hết DN có kết quả lợi nhuận tốt.

Việc NĐT mua cổ phiếu vào thời điểm này sẽ phản ánh sự kỳ vọng của họ vào quý I/2010. Cơ hội ở đây là một số lĩnh vực tiếp tục được hỗ trợ lãi suất cho hết quý I. Nền kinh tế nhìn chung vẫn trên đà hồi phục và tín hiệu tốt cho một số ngành nghề mang tính mùa vụ. Rủi ro tiềm ẩn ở chỗ, nhiều DN thường có hiệu quả kinh doanh trong quý I không cao như các quý khác trong năm.

 

Ông Nguyễn Tuấn, Chuyên gia phân tích, CTCK FPT

Phiên 26/1, TTCK có sự khởi sắc đột biến, nhưng chưa đủ cơ sở cho tín hiệu đảo chiều của một xu thế tăng trưởng mới. Trước tiên, trên phương diện kinh tế vĩ mô, mặc dù vấn đề lãi suất đã tạm thời lắng xuống bởi quyết định giữ nguyên LSCB, song bài toán giải quyết nhu cầu vốn cho DN vẫn chưa có lời giải cụ thể, nhất là khi tăng trưởng tín dụng năm nay bị khống chế ở mức 25%. Điều này sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của các DN. Bên cạnh đó, nhiệm vụ kiểm soát lạm phát năm 2010 sẽ có ảnh hưởng đáng kể tới việc định hướng chính sách tiền tệ, đặc biệt trong giai đoạn quý I/2010, khi CPI thường tăng cao do tác động cầu kéo trước và sau Tết Nguyên đán.

Thứ hai, trên quan điểm phân tích kỹ thuật, các chỉ báo kỹ thuật đang cho thấy vị trí bất lợi của thị trường trong thời điểm hiện tại, khi MACD cắt xuống đường tín hiệu ở mức điểm âm, đường giá vận động dưới đường MA ngắn hạn, đồ thị phiên tạo "gap" (khoảng trống), sự chi phối của mức hoàn giá trị (tăng) đang giảm dần…

Tuy nhiên, mặt tích cực là quá trình điều chỉnh giảm trước đó đã đưa thị trường về mức điểm hấp dẫn ở khá nhiều cổ phiếu, đặc biệt là những mã có kết quả kinh doanh năm 2009 khả quan. Bên cạnh đó, kỳ vọng sự phục hồi kinh tế trong năm 2010 cũng là một yếu tố quan trọng giúp nâng đỡ thị trường.

Hiện tại, tôi ủng hộ quan điểm đầu tư trung và dài hạn. Lợi nhuận quý IV/2009 của các DN đã được tiên liệu từ khá sớm. Do vậy, thông tin này được công bố sẽ chỉ có tác dụng nhất thời trong một vài phiên. Yếu tố quan trọng quyết định tới xu thế thị trường lúc này là triển vọng của các DN, trước mắt là quý I/2010.