Điểm thú vị là trên TTCK, giá cổ phiếu của Hoa Sen dường như không bị ảnh hưởng bởi “bão dư luận”, cứ giữ vững mức khá cao. Điều này phản ánh một phần kết quả kinh doanh của HSG tiếp tục khả quan trong quý cuối của năm tài chính 2015-2016, nâng tổng lợi nhuận cả năm đạt cao hơn kỳ vọng, nhưng cũng đồng thời cho thấy, thông tin về Dự án thép Cà Ná chưa phản ánh vào giá cổ phiếu.
Thực tế, dự án chưa được triển khai, mới ở giai đoạn xin cấp phép. Vậy nếu HSG muốn xuống tiền để đầu tư dự án này thì làm cách nào để thuyết phục cổ đông? Khảo sát của ĐTCK cho thấy 4 vấn đề sau đây được các “ông chủ” đích thực chờ HSG lý giải.
Thứ nhất, hiệu quả của dự án ra sao? Đầu tư thép từ thượng nguồn là lĩnh vực công nghiệp được ưu tiên phát triển, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, công suất thép đã dư thừa thì việc đầu tư thêm nhà máy thép không cần thiết và sẽ không hiệu quả. Trong khi đó, một DN sản xuất thép từ quặng theo công nghệ lò cao đang phát triển rất tốt, có sức cạnh tranh trên thị trường và chiếm thị phần ngày càng lớn. DN này đang lớn mạnh ở phía Bắc khiến Hoa Sen nhìn thấy cơ hội ở phía Nam, ít nhất là trong bối cảnh chưa có doanh nghiệp nào sản xuất thép bằng công nghệ lò cao.
Những doanh nghiệp sở hữu công nghệ lò điện như Pomina vẫn đang chiếm thị phần lớn. Giá thành thép đầu tư theo công nghệ lò cao bao giờ cũng thấp hơn công nghệ lò điện khoảng 5%, lại có chất lượng tốt hơn, nên nếu đầu tư khu liên hiệp sản xuất thép, liệu HSG có nhanh chóng đưa sản phẩm chiếm thị phần thép ở miền Nam hay không?
Thứ hai là vấn đề môi trường. Từ bài học trước đây, điều lo ngại nhất là Nhà máy thép tại Cà Ná sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường. Trên lý thuyết, công nghệ lò cao khép kín thu hồi khí thải sản xuất điện vẫn có thể giải quyết vấn đề môi trường và thực tế là đã có một vài doanh nghiệp đang vận hành lò cao rất êm thấm nhiều năm qua. Vấn đề là, HSG sẽ lựa chọn công nghệ vận hành theo phương thức nào để đảm bảo rủi ro về môi trường thấp nhất?
Liên quan đến môi trường, vì địa điểm đặt nhà máy ở vùng hạn hán, nên phương án nước cho sản xuất của HSG như thế nào chính là thông tin mà cổ đông sẽ rất quan tâm. Nói cách khác, chủ đầu tư sẽ giải quyết bài toán môi trường như thế nào để dự án không gây hại cho người dân hiện tại và cả các thế hệ tương lai?
Thứ ba, để một dự án thành công, việc kết nối giao thông từ nhà máy đến các cảng khá quan trọng, giúp chủ đầu tư kiểm soát được chi phí vận chuyển. Dự án có cảng để vận chuyển đường thủy với chi phí rẻ hơn đường bộ hay không? Nếu không có cảng thủy nội địa thì phương án vận chuyển đường bộ như thế nào để đảm bảo chi phí vận tải không làm giảm lợi thế giá thành?
Thứ tư, khi đầu tư, HSG sẽ chuẩn bị nhân sự như thế nào để vận hành khu liên hiệp? Ngoài kỹ năng cứng để vận hành khu liên hiệp đảm bảo sản xuất an toàn, tạo ra sản phẩm đúng chất lượng, nhân sự của HSG còn phải rèn luyện các “kỹ năng mềm” để khu liên hiệp vận hành hiệu quả.
Theo kinh nghiệm của DN đi trước thì việc vận hành hiệu quả khu liên hiệp còn cần kinh nghiệm mua quặng, thực hiện đầu cơ/mua phòng hộ để có giá nguyên liệu thấp nhất; là các sáng kiến kỹ thuật để nhà máy vận hành tốt ưu việt hơn… Những kỹ năng này không dễ và cần thời gian để tích lũy kinh nghiệm mới có được.
Với nhà đầu tư, cơ hội cho khu liên hiệp thép Cà Ná của Hoa Sen vẫn đang là bài toán mở và có nhiều câu hỏi cổ đông chờ đợi doanh nghiệp trả lời để tìm tiếng nói đồng thuận từ các “ông chủ” đích thực, cũng như thuyết phục dư luận về cam kết không đánh đổi môi trường lấy hiệu quả kinh tế của một DN. Hoa Sen vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị và cần chuẩn bị kỹ càng