4 ưu tiên điều hành kinh tế 2013

4 ưu tiên điều hành kinh tế 2013

(ĐTCK) Để xử lý những nút thắt trong nền kinh tế trong năm 2013, có 4 giải pháp cần phải được thực hiện một cách căn cơ.

Năm 2012, mặc dầu có sự hỗ trợ của Chính phủ về tín dụng, thuế…, nhưng bức tranh kinh tế nói chung vẫn khá ảm đạm. Tăng trưởng kinh tế năm 2012 đạt khoảng 5,03%, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2000. Nếu không xử lý được nợ xấu, tái cơ cấu khu vực ngân hàng và DNNN, Việt Nam có thể rơi vào chu kỳ tăng trưởng thấp kéo dài. 

4 ưu tiên điều hành kinh tế 2013 ảnh 1Để phục hồi đà tăng trưởng kinh tế thì ưu tiên lớn nhất vẫn là phục hồi hoạt động của khối DN

 

Để xử lý những nút thắt trong nền kinh tế trong năm 2013, có 4 giải pháp cần phải được thực hiện một cách căn cơ.

Thứ nhất, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Thành tựu nổi bật của Việt Nam năm 2012 là đưa lạm phát từ trên 20% năm 2011 về 6,6%. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, đây là năm chỉ số giá lương thực liên tục giảm, bắt đầu từ tháng 1 đến tháng 9 và chỉ số giá thực phẩm liên tục giảm từ tháng 3 đến tháng 10. Với tỷ trọng 40% trong rổ hàng hóa tính chỉ số, giảm giá lương thực, thực phẩm có vai trò quyết định đến giảm lạm phát. Điều này cũng thấy rất rõ khi chỉ số lạm phát cơ bản theo Tổng cục Thống kê vẫn ở mức rất cao khoảng 11% và là năm duy nhất chỉ số này cao hơn chỉ số lạm phát toàn phần tính từ khi đưa vào tính toán theo dõi. Như vậy, hiệu ứng của chính sách thắt chặt tiền tệ, tài khóa đã góp phần rất lớn đưa lạm phát xuống thấp, nhưng nếu không có sự suy giảm của giá cả nông phẩm thì chỉ số lạm phát khó có thể đạt dưới 10% như năm qua. Điều này nói lên rằng, nguy cơ lạm phát quay trở lại, trong đó có việc tăng giá lương thực, thực phẩm là không nhỏ; đồng thời cũng cho thấy việc điều hành để ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm không chỉ là vấn đề an ninh lương thực, mà còn để ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam.

Vì vậy, để đạt được mục tiêu lạm phát 6% năm 2013 như Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, ngoài việc tiếp tục đeo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng, cần phải điều hành đồng bộ các chính sách quản lý giá lương thực, thực phẩm, xăng dầu, dịch vụ công… để kiểm soát lạm phát vững chắc hơn trong năm 2013.

Thứ hai, để phục hồi đà tăng trưởng kinh tế thì ưu tiên lớn nhất vẫn là phục hồi hoạt động của khối DN. Các DN đang hoạt động, đang cung cấp hàng hóa dịch vụ trên thị trường nội địa và xuất khẩu là lực lượng nòng cốt duy trì tăng trưởng và việc làm, cần được tháo gỡ khó khăn để phát triển. Việc giảm lãi suất và tiếp tục cung ứng tín dụng ổn định (kể cả tín dụng trung dài hạn) có vai trò đặc biệt quan trọng, nhằm giúp DN giảm chi phí, tăng xuất khẩu, đẩy mạnh bán hàng, giảm tồn kho, tạo thêm việc làm và khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cần phù hợp với lạm phát, đồng thời khuyến khích DN tích tụ và tăng cường vốn tự có để phòng ngừa rủi ro về vốn.

Đối với các DN đang hoạt động cầm chừng, có nợ xấu nên không tiếp cận được vốn ngân hàng, cần có giải pháp giúp DN tiếp cận được vốn ngân hàng, tái cơ cấu nợ để tiếp tục được cấp vốn nếu có dự án kinh doanh có hiệu quả, đặc biệt là các DN có hợp đồng tiêu thụ hoặc đơn hàng xuất khẩu tốt có thể cho khoanh nợ cũ, cho vay mới trên cơ sở đảm bảo được nghĩa vụ thanh toán các khoản vay mới và từng bước xử lý các khoản vay cũ đã quá hạn. Chính phủ cần đẩy mạnh hoạt động của các quỹ bảo lãnh DN vừa và nhỏ đối với những dự án kinh doanh có hiệu quả được các NHTM thẩm định và chấp nhận cho vay nếu có bảo lãnh.

Thứ ba, phục hồi thị trường bất động sản (BĐS). Giải cứu thị trường BĐS là vấn đề rất phức tạp và gắn liền với đà phục hồi kinh tế nói chung. Ở các nước phát triển, thị trường không bị méo mó bởi hệ thống thủ tục dự án và cấp sổ đỏ nhà ở, không bị điều tiết bởi sự bất cập của hệ thống thuế…, thì việc giải cứu chỉ dựa chủ yếu vào các biện pháp khuyến khích sở hữu nhà (mua nhà) với lãi suất hợp lý và kỳ hạn cho vay mua nhà đủ dài (Mỹ 30 năm, Thụy Sỹ 50 năm…). Ở Việt Nam, với lãi suất cho vay mua nhà trong khoảng 9 - 10%/năm, kỳ hạn 15 - 20 năm và lãi suất có thể điều chỉnh theo lạm phát sẽ là một động lực mạnh để tăng lực cầu, nhất là đối với các căn hộ có giá trị 1 tỷ đồng trở xuống. Đồng thời, để hỗ trợ cho chính sách cơ bản này trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam, cần giải quyết hàng loạt thủ tục hành chính, nhất là thủ tục cấp sổ đỏ cho người mua nhà (không thể kéo dài việc dùng hợp đồng mua nhà thế chấp vay ngân hàng như hiện nay), các thủ tục xử lý tranh chấp hợp đồng vay mua nhà… Đặc biệt, từ khi có Nghị định 69, 71 về BĐS, thuế phải trả về quyền sử dụng đất tăng đột biến, khiến cho giá đất đưa vào xây nhà tăng lên gấp đôi hoặc cao hơn. Vì vậy, Bộ Tài chính cần có gói “Thuế” để giải quyết những khó khăn hiện nay của các DN BĐS. Ngoài ra, việc rà soát lại quy hoạch, cơ cấu lại các phân khúc thị trường để phù hợp với nhu cầu cũng có vai trò thúc đẩy lượng cầu về nhà ở.

Thứ tư là vấn đề xử lý nợ xấu. Việc này đã được khởi động từ đầu năm 2012 và chủ yếu do các NHTM tiến hành trên cơ sở khoanh nợ hoặc giảm kỳ hạn nợ để giữ nguyên nhóm nợ. Tuy nhiên, trên thực tế, cách xử lý này chỉ có tác dụng tạm dụng tạm thời hỗ trợ DN có thể tiếp tục duy trì quan hệ tín dụng với ngân hàng ở mức độ hạn chế và về nguyên tắc, các khoản nợ được gia hạn vẫn là nợ xấu. Như vậy, nợ xấu về cơ bản chưa được xử lý đáng kể và đúng nghĩa. Việc xử lý nợ xấu có thể tiến hành theo hướng thành lập công ty mua bán nợ chung, trực tiếp bơm vốn cho hệ thống ngân hàng tự xử lý hoặc phối hợp cả hai biện pháp trên. Lựa chọn biện pháp nào phụ thuộc vào khả năng xử lý những trở ngại pháp lý và kỹ thuật mà điều kiện thực tiễn đặt ra hiện nay. Về nguyên tắc, việc xử lý nợ xấu phải đạt được đồng thời những mục tiêu như: tăng khả năng tiếp cận vốn của DN, xử lý được phần lớn hàng tồn kho, tăng cường khả năng tài chính của hệ thống ngân hàng tiến tới ổn định vững chắc thanh khoản hệ thống, sắp xếp dứt điểm các NHTM yếu kém.