4 thành phố sẽ có 36 triệu dân, tín dụng mua nhà là nhu cầu thực

4 thành phố sẽ có 36 triệu dân, tín dụng mua nhà là nhu cầu thực

(ĐTCK) Trước nhu cầu về nhà ở đang ngày một cao tại Việt Nam hiện nay, ông Sabbir Ahmed, Giám đốc toàn quốc Khối Dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản Ngân hàng HSBC Việt Nam cho rằng, sức cầu tăng sẽ làm tăng nhu cầu vay mua nhà và vốn ngân hàng vẫn là nguồn tài chính hỗ trợ quan trọng nhất cho nhu cầu này. 

Việt Nam đang trong giai đoạn dân số “vàng”, tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nên nhu cầu sở hữu nhà ở tăng cao, đặc biệt là với những người trẻ, khiến giá nhà đất cũng tăng theo. Ông đánh giá thế nào về xu hướng này, thưa ông?

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, do tác động của khủng hoảng tải chính, tăng trưởng lương đang trì trệ, trong khi giá bất động sản không ngừng tăng. Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng lại “đi ngược” xu hướng. Sự phát triển về kinh tế giúp tăng trưởng lương khu vực này tăng nhanh hơn giá nhà.

Theo Báo cáo Chỉ số giá nhà toàn cầu phát hành tháng 1/2017 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), giá nhà tại Việt Nam năm 2016 tăng 1,8% so với năm 2015, trong khi tăng trưởng lương thực tế được dự báo ở mức 7,2% trong năm 2017 (theo số liệu của Korn Ferry & Hay Group). Tăng trưởng lương tốt, cùng với giá nhà tăng ở mức tương đối tạo ra nhiều triển vọng mua nhà cho những người trẻ.

4 thành phố sẽ có 36 triệu dân, tín dụng mua nhà là nhu cầu thực ảnh 1

 Ông Sabbir Ahmed

Ngoài ra, Báo cáo Chỉ số tăng giá bất động sản của Savills công bố tháng 2/2017 cho thấy, chỉ số giá nhà ở tại Hà Nội giảm 1,5 điểm theo năm và tại TP.HCM tăng 3 điểm theo năm. Chỉ số giá nhà ở được dự đoán sẽ tiếp tục tăng ổn định trong vòng 2 năm nữa nhờ nguồn cung dồi dào ở hầu hết các phân khúc căn hộ. Điều này mở ra nhiều cơ hội đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Đối với người trẻ, tùy theo nhu cầu và tình trạng tài chính, mỗi người có thể sẽ có những lựa chọn khác nhau trong việc sở hữu nhà ở. Song dù lựa chọn là gì, điều quan trọng giúp cho người trẻ có thể sở hữu nhà ở là họ phải có sẵn một kế hoạch tài chính thật tốt. 

Theo ông, tại Việt Nam, nhu cầu vay mua nhà của cá nhân diễn biến ra sao trong năm nay?

Lĩnh vực bất động sản Việt Nam đã tăng trưởng khá ổn định trong năm qua. Báo cáo Tóm tắt thị trường bất động sản quý IV/2016 của Savills cho thấy, có khoảng 77 dự án cung cấp hơn 50.000 căn hộ cho thị trường Hà Nội và hơn 60.000 căn hộ mới gia nhập thị trường TP.HCM bắt đầu từ quý I/2017 đến năm 2018.

Với số lượng lớn căn hộ như trên, một số ý kiến lo ngại thị trường sẽ bị “dội cung”. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cơ cấu dân số “vàng” của Việt Nam sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc dẫn dắt lực cầu.

Hiện tại, thu nhập của nhóm người trẻ thuộc Thế hệ Y (còn gọi là Millennials, những người sinh ra trong giai đoạn từ đầu thập niên 1980 đến đầu thập niên 2000 – PV) ngày càng tăng và ngày càng có nhiều người chọn sống độc lập.

Chính lực cầu về nhà ở tăng sẽ làm tăng nhu cầu vay mua nhà và vốn ngân hàng vẫn là nguồn tài chính hỗ trợ quan trọng nhất cho nhu cầu này. 

Ông đánh giá thế nào về mặt bằng lãi suất dành cho cá nhân có nhu cầu về nhà ở hiện nay, thưa ông?

Tùy vào chiến lược kinh doanh, phân khúc khách hàng mục tiêu và mức độ chấp nhận rủi ro của tổ chức, mỗi ngân hàng sẽ áp dụng các mức lãi suất khác nhau.

Để thích ứng với nhu cầu vay mua nhà đang tăng dần như hiện nay, tôi cho rằng, các ngân hàng sẽ thường xuyên điều chỉnh lãi suất sao cho vừa tăng cường sức cạnh tranh, vừa phù hợp với mức độ chấp nhận rủi ro của ngân hàng đó, nhằm đảm bảo hệ số rủi ro và kết quả kinh doanh bền vững. 

Vay mua nhà được xếp vào “tín dụng tiêu dùng nhỏ lẻ”. Khi các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng liệu có gây lo ngại vốn tín dụng đổ dồn vào bất động sản?

Vay mua nhà là một nhu cầu có thực và đang gia tăng tại Việt Nam, do sự thay đổi về nhân khẩu học và quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Cụ thể, những người trong độ tuổi 25-45 chiếm gần 1/3 dân số và hơn một nửa trong số đó thuộc Thế hệ Y.

Theo Bộ Xây dựng, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam đạt 35% trong năm 2016 và ước đạt 40% vào năm 2020, đồng nghĩa với việc các trung tâm kinh tế như TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng sẽ là nơi cư trú của khoảng 36 triệu dân chỉ trong 4 năm tới.

Ngoài ra, nhu cầu về nhà ở cũng được kích thích bởi sự chuyển biến mang tính xã hội, có thể nhận thấy qua sự phổ biến của mô hình “gia đình hạt nhân” và lối sống tự lập ngày càng tăng trong giới trẻ. Vay mua nhà là một sản phẩm đáp ứng cho nhu cầu có thực đó. 

Việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống 50% theo quy định của Thông tư 06/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ 1/1/2017 có làm hạn chế hoạt động cấp vốn cho vay mua nhà, thưa ông?

Tôi cho rằng, việc ban hành Thông tư 06 là một động thái cần thiết, góp phần xây dựng một thị trường tài chính lành mạnh. Thực tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có tính toán về tác động có thể xảy ra của Thông tư 06 đối với thị trường, thể hiện qua việc quy định hệ số rủi ro tăng từ 150% lên 200%, vốn thấp hơn Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 trước đây.

Bên cạnh đó, bản thân các ngân hàng cũng ngày một thận trọng hơn đối với các khoản vay bất động sản, có thể thấy qua dư nợ ở khu vực này giảm đi trong bảng cân đối kế toán. Đặc biệt, việc thực thi các quy định trong Thông tư 06 sẽ diễn ra theo lộ trình cho đến năm 2018, cho phép các ngân hàng có thời gian chuẩn bị.

Tin bài liên quan