4 nguyên nhân khiến TTCK chưa như kỳ vọng

4 nguyên nhân khiến TTCK chưa như kỳ vọng

(ĐTCK) Sự bất cập của hệ thống pháp lý hiện hành, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, đang là một trong những nguyên nhân khiến TTCK chưa phát triển như kỳ vọng. Đây là vấn đề cần được tập trung khắc phục trong năm nay.

4 cái khó

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2015, do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đã chỉ ra 4 nguyên nhân chính khiến TTCK chưa phát triển như kỳ vọng.

Đầu tiên, tuy khung pháp lý cho TTCK đã được cải thiện, sửa đổi nhiều lần, nhưng vẫn còn bộc lộ những bất cập. Trong khi đó, “Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và một số cơ chế, chính sách đã thay đổi, nên nếu vẫn giữ Luật Chứng khoán như hiện hành, thì sẽ không có sự đồng bộ, tạo rào cản về pháp lý, ảnh hưởng đến sự phát triển của TTCK”, ông Hà nói.

Thứ hai, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, tái cơ cấu ngân hàng nói riêng, đã có những chính sách mới ra đời, tác động đến TTCK. Chẳng hạn, Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Đây là một văn bản tích cực, tạo thước đo về an toàn tài chính đối với các tổ chức tín dụng, nhưng lại gây ra “phản ứng phụ” đối với TTCK. Sở dĩ có tình trạng này là bởi có sự liên thông giữa khối tổ chức tín dụng với TTCK, kể cả khối DN bảo hiểm. Do đó, chỉ cần thay đổi chính sách điều chỉnh một khâu nào đó, sẽ tác động đến các khu vực khác, nhất là trong bối cảnh TTCK còn phụ thuộc khá nhiều vào kênh tín dụng. Điều này thể hiện rõ nét ở diễn biến trên thị trường trái phiếu và một phần trên thị trường cổ phiếu thời gian qua.

Thứ ba, TTCK chưa phát triển như kỳ vọng là xuất phát từ nguyên nhân nội tại của nền kinh tế, chất lượng hoạt động của các DN, nhất là các DN niêm yết, các CTCK, vấn đề quản trị DN, minh bạch thông tin… chưa đạt được những bước cải cách như mong muốn. Điều này khiến nỗ lực cải thiện niềm tin trong giới đầu tư trong và ngoài nước gặp không ít khó khăn.

Thứ tư, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với thị trường vốn quốc tế, nên đòi hỏi phải chủ động sửa đổi chính sách để ứng phó với bối cảnh hội nhập, nhưng thực tế cho thấy, quá trình này diễn ra còn bị động cả ở phía cơ quan quản lý lẫn các DN.

“Đơn cử, quy định về nới room cho NĐT nước ngoài, thời gian qua, việc xây dựng cơ chế diễn ra còn chậm...”, ông Hà nói.

Kỳ vọng giải pháp mới

Để thúc đẩy TTCK phát triển, ngành chứng khoán đề ra 2 nhóm giải pháp: tác động ngay đến thị trường trong năm nay và nhóm giải pháp hỗ trợ thị trường dài hơi hơn.

Về hướng xây dựng, triển khai nhóm giải pháp “ăn ngay” trong năm nay, theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, UBCK cần khẩn trương sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán theo hướng: gắn cổ phần hóa với niêm yết; quản lý chặt hơn hoạt động phát hành riêng lẻ, phát hành ra công chúng; quy định cụ thể cơ chế nới room cho NĐT nước ngoài, để trình Chính phủ ban hành và áp dụng ngay trong năm nay.

Trước sự sốt ruột của các thành viên thị trường về vấn đề nới room, ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCK cho biết, nếu thành viên thị trường trăn trở một, thì cơ quan quản lý trăn trở gấp đôi. Không ai muốn đưa ra chính sách mà lại không được triển khai. Vấn đề nới room, Bộ Tài chính, UBCK đã xoay xở nhiều cách.

“Có những lúc, chúng tôi nghĩ hay không đặt vấn đề này ra, nhưng không thể, vì mục tiêu phát triển thị trường, chúng tôi tiếp tục nỗ lực trong năm nay để có thể ban hành chính sách về nới room gắn với sửa đổi Nghị định 58/2012”, ông Bằng chia sẻ và cho biết, việc sửa đổi văn bản này đang được UBCK triển khai khẩn trương, có những việc lẽ ra triển khai ở công đoạn 4 - 5, thì UBCK triển khai song song với các công đoạn đầu tiên khi bắt tay vào xây dựng phương án sửa đổi Nghị định 58/2012. Hiện nay, dự thảo đã được hoàn thiện đến phiên bản 4 - 5. Khi dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012 được ban hành sẽ thúc đẩy quá trình cổ phần hóa gắn với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK, đồng thời giải quyết được vấn đề mà thị trường mong đợi lâu nay là quy định về nới room cho NĐT nước ngoài. Theo quan điểm của UBCK, với những ngành nghề không thuộc lĩnh vực cấm kinh doanh, các ngành nghề kinh doanh có điều kiện…, thì nên tạo thuận lợi tối đa cho NĐT nước ngoài đầu tư vào TTCK Việt Nam.

Một giải pháp mang tính ngắn hạn khác sẽ có tác động tích cực đến thị trường trong năm nay là việc sửa đổi Thông tư 52/2012/TT-BTC về công bố thông tin sắp hoàn tất. Qua đó, không chỉ giúp cải thiện tính minh bạch cho thị trường, mà còn góp phần thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài hiệu quả hơn.

Liên quan đến nhóm giải pháp hỗ trợ thị trường, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà gợi ý, UBCK cần tiếp tục thúc đẩy tái cơ cấu TTCK. Trên cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ phương án hợp nhất hai Sở GDCK, sẽ tái cơ cấu, hình thành các khu vực thị trường theo các kênh: thị trường cổ phiếu, trái phiếu và TTCK phái sinh. Cùng với đó là tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức trung gian theo hướng nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường năng lực tài chính, quản trị công ty.

“Đề án hợp nhất hai Sở GDCK đến nay đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành”, ông Bằng nói và cho biết thêm, dự thảo Nghị định về TTCK phái sinh cũng đã được trình Thủ tướng Chính phủ và đang trong quá trình hoàn thiện. Nếu thuận lợi, dự kiến văn bản này sẽ được ban hành trong quý I/2015, sẵn sàng cho sự mở cửa của TTCK phái sinh trong năm 2016.

Ngoài tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm nâng hạng thị trường, trong năm nay, UBCK sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng bộ chỉ số chung cho toàn thị trường (bao gồm cổ phiếu tại cả hai Sở GDCK), nghiên cứu triển các sản phẩm mới như: chứng quyền (covered warrants), chứng chỉ lưu ký không quyền biểu quyết (NVDR)…

TTCK chỉ có thể phát triển lành mạnh, bền vững, một khi trật tự thị trường được thiết lập và duy trì theo chiều sâu. Ông Hà cho rằng, để duy trì trật tự thị trường, trong năm nay, UBCK cần trung nâng cao chất lượng hoạt động quản lý, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm, qua đó giúp gia tăng niềm tin trong giới đầu tư, cải thiện tính tuân thủ trên thị trường.

“Nên ưu đãi thuế để tiếp sức cho TTCK”

Ông Nguyễn Băng Tâm, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Các công ty niêm yết

Việc nới “room” cho NĐT nước ngoài cần sớm triển khai. Trước mắt, nếu cần thận trọng, thì nên xem xét nới room đối với một số ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, để tạo ra hiệu ứng thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Cũng cần thúc đẩy thoái bớt vốn Nhà nước tại các DN niêm yết (hiện Nhà nước còn nắm giữ trên 50%), trong những ngành nghề mà Nhà nước không cần kiểm soát.

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, tác động đến TTCK, ảnh hưởng đến việc huy động vốn của các DN niêm yết, rất cần các chính sách của Nhà nước để kích thích sự sôi động của thị trường, cũng như khuyến khích các công ty đại chúng tham gia niêm yết. Chính phủ cần có chính sách ưu đãi về thuế nhằm nâng đỡ, tiếp sức cho TTCK hồi phục trong năm 2015, cũng như giai đoạn tới.

“Cần xử lý dứt điểm các CTCK không hoạt động”

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB)

Sau quá trình tái cấu trúc CTCK, tuy đến nay đã giảm được hơn 20 CTCK, nhưng trong năm 2015, UBCK cần có giải pháp để xử lý dứt điểm các CTCK yếu kém, hoạt động èo uột. Nên ưu tiên, khuyến khích hợp nhất, sáp nhập các CTCK.

Cơ quan quản lý cần nghiên cứu ban hành quy định, các CTCK phải là hội viên của VASB thì mới được làm thành viên của Sở GDCK, như thông lệ quốc tế.

Việc tái cấu trúc Sở GDCK đã được nêu ra ngay từ đầu năm 2014, nhưng đến nay chưa có lộ trình cụ thể. Thực tế, quá trình chuẩn bị hợp nhất hai Sở GDCK diễn ra quá chậm. Việc sớm hoàn tất hợp nhất hai Sở GDCK sẽ góp phần thúc đẩy TTCK phát triển chuyên nghiệp, hiện đại hơn, tiết kiệm chi phí hoạt động cho các CTCK.

Tin bài liên quan