Trong tháng Sáu vừa qua, TTCK Trung Quốc có lúc ghi nhận trên 700 tỷ USD giá trị cổ phiếu “bốc hơi”

Trong tháng Sáu vừa qua, TTCK Trung Quốc có lúc ghi nhận trên 700 tỷ USD giá trị cổ phiếu “bốc hơi”

4 nguyên nhân khiến chứng khoán Trung Quốc lao dốc

(ĐTCK) Trung Quốc hiện là TTCK lớn thứ hai thế giới sau Mỹ. Tuy nhiên, sự biến động quá mạnh trên thị trường này vẫn là chuyện phổ biến, khi các chỉ số chứng khoán tiêu chuẩn có thể dao động tới 10% chỉ trong vài giờ.

Đáng chú ý, TTCK Trung Quốc trong tháng Sáu vừa qua có  lúc ghi nhận trên 700 tỷ USD giá trị cổ phiếu “bốc hơi”. Dưới đây là một số lý do giải thích những biến động quá mạnh trên sàn chứng khoán Trung Quốc. 

Giới đầu tư trên sàn chứng khoán Trung Quốc là ai?

Các nhà đầu tư cá nhân chiếm 80 - 90% giao dịch trên TTCK Trung Quốc. Rất nhiều trong số họ đều rất mới mẻ với hoạt động đầu tư, khi chỉ riêng tháng 5/2015 đã có trên 14 triệu tài khoản giao dịch được lập mới. Điều đó có nghĩa, hàng triệu người giao dịch cổ phiếu Trung Quốc hiện nay có rất ít hoặc không có ý niệm trực tiếp về bong bóng chứng khoán và đổ vỡ thị trường hồi giai đoạn năm 2007 - 2008.

Ngay cả các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp tại Trung Quốc cũng thường hành động với tầm nhìn ngắn hạn, khi nhiều người trong số họ thường chỉ đánh giá tình hình dựa trên dữ liệu trên hàng tháng và hàng quý. 

Tác động của chính sách nhà nước tới thị trường

TTCK Trung Quốc thường được mô tả là vận động phụ thuộc vào chính sách, đặc biệt là các chính sách tiền tệ và quy định ngân hàng. Thậm chí, các phương tiện truyền thông quốc gia cũng giữ vai trò rất quan trọng trong nêu ra định hướng, như những thông điệp ủng hộ các bước đi của Chính phủ trong điều tiết thị trường.

Trong dài hạn, triển vọng thay đổi là rất thấp, khi mà TTCK Trung Quốc vẫn được coi là cán cân chính sách của Bắc Kinh, do đó bàn tay quản lý của Chính phủ vẫn khó có thể được nới lỏng.

Bắc Kinh đã nỗ lực khuyến khích các nhà đầu tư dài hạn vào TTCK, như cho phép khả năng tiếp cận lớn hơn các quỹ đầu tư quốc gia và quản lý tài sản nước ngoài. Tuy nhiên, quá trình này vẫn diễn ra chậm chạp. 

Giao dịch đòn bẩy vẫn được coi là nhân tố chính

Giao dịch đòn bẩy (margin trading) sử dụng tiền đi vay để giao dịch chứng khoán là hình thức phổ biến trên TTCK toàn cầu, song tại Trung Quốc, hoạt động này bùng phát mạnh mẽ trong vòng hơn một năm qua. Tỷ lệ dùng đòn bẩy trên tổng lượng vốn trên TTCK đã chạm ngưỡng kỷ lục hồi đầu năm nay, cao hơn rất nhiều so với mức từng ghi nhận trong lịch sử tại bất kỳ TTCK nào khác.

Một khi bị thắt margin, thị trường lập tức phải điều chỉnh và đẩy TTCK giảm điểm mạnh, đặc biệt là các nhà đầu tư phải chật vật để đáp ứng biên độ margin mới này. 

IPO có giúp thúc đẩy TTCK Trung Quốc?

Hệ thống niêm yết cổ phiếu mới tại Trung Quốc vẫn được các nhà chức trách kiểm soát chặt chẽ. Cơ quan quản lý có quyền ấn định giá cổ phiếu lần đầu ra công chúng, một hình thức đảm bảo lợi nhuận cho những nhà đầu tư mua vào. Ngay cả khi thời điểm TTCK Thượng Hải giảm điểm mạnh, các thương vụ IPO vẫn tăng đáng kể. Kết quả là, các nhà đầu tư có xu hướng kéo tiền mặt ra khỏi thị trường trước mỗi vụ IPO mới, tác động mạnh tới thanh khoản trên thị trường.

Trước tình hình này, các nhà quản lý đã nhận thức rõ các hạn chế và đã cam kết trao thêm quyền quyết định IPO cho các sàn chứng khoán, có thể sẽ được thực hiện ngay trong năm nay. Tuy nhiên, giới phân tích dự đoán, quá trình chuyển tiếp theo hệ thống định giá trên cơ sở thị trường này sẽ mất nhiều thời gian hơn.

Tin bài liên quan