Ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công nghiệp TP.HCM cho biết, trong các ngành công nghiệp trọng yếu hiện nay của TP.HCM thì ngành công nghiệp điện tử – công nghệ thông tin trong 6 thàng đầu năm nay đạt chỉ số tăng trưởng rất thấp, chỉ tăng 8,7% so với cùng kỳ. Nguyên nhân dẫn đến kết quả nằm ngoài mong đợi này là do ngành này còn phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, trong khi đó, mẫu mã lại hạn chế, dịch vụ hậu mãi, chất lượng sản phẩm trong nước thì chưa đủ sức thuyết phục khách hàng.
Nhưng oái ăm nhất không phải là ngành công nghiệp điện tử – công nghệ thông tin mà chính là ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, đồ uống. Đây là một ngành chiếm tỷ trọng cao, nhưng lại có tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong các ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố trong 6 tháng đầu năm nay: chỉ tăng trưởng 2,8% so với cùng kỳ. Tại buổi làm việc với Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM, ông Nguyễn Văn Lai cho biết, ngoài những khó khăn chung như: dịch cúm gia cầm, sự biến động giá nguyên, nhiên liệu thì những rào cản kỹ thuật đã được các nước áp dụng nên đã ảnh hưởng đến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, tất nhiên TP.HCM không thể ngoại lệ.
Có nhỉnh hơn các ngành công nghiệp khác, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn đang ở mức khiêm tốn, đó là ngành công nghiệp dệt may, chỉ tăng 12,2%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 20,4%. Một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này than phiền, mặc dù Việt
Cùng chung số phận với các ngành trên là ngành công nghiệp chế biến gỗ. Theo phân tích của Sở Công nghiệp TP.HCM, mặc dù đã thời gian qua ngành này đã đạt được những kết quả nhất định trong việc thâm nhập thị trường gỗ thế giới nhưng do quy mô nhỏ, còn manh mún, chưa chú trọng đầu tư cho mẫu mã và chất lượng sản phẩm nên con số tăng trưởng chỉ dừng lại mức tăng 6,5% so với cùng kỳ.
Mổ xẻ những dấu hiệu chững lại trên, quan điểm của Ban Kinh tế Ngân sách cũng như Sở Công nghiệp TP.HCM đều cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành công nghiệp của thành phố hiện còn rất nhiều nhược điểm. “Đa số các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp có trình độ trung bình chiếm 32%, dưới trung bình chiếm đến 43% và công nghệ hiện đại chỉ có 25%. Đáng nói là, hiện quy mô sản xuất của các doanh nghiệp này chiếm đến 75% là những cơ sở sản xuất nhỏ, với công nghệ lạc hậu; 25% nhỏ nhoi còn lại là sử dụng công nghệ tiên tiến. Điều này rõ ràng có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung của ngành công nghiệp thành phố” – ông Nguyễn Văn Lai, nói.
Với một xuất phát điểm không mấy sáng sủa ấy nên năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp ở TP.HCM trong lĩnh vực này hiện còn rất yếu. Một thực trạng chung đang tồn tại dai dẵng từ nhiều năm nay là năng suất lao động, trình độ quản lý, trình độ khoa học công nghệ, giá trị gia tăng, năng lực tiếp thị… của nhiều doanh nghiệp đều còn quá hạn chế, khiến cho bản thân nhiều doanh nghiệp bị thụ động trong quá trình hội nhập.
Công tâm mà nói, việc di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi thành phố trong thời gian qua cũng có ảnh hưởng nhất định đến sự tăng trưởng của các ngành công nghiệp vì có nhiều đơn vị phải ngưng sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề. Theo Sở Công nghiệp TP.HCM, sau 4 năm thực hiện di dời, đã có 1.261 đơn vị di dời, chuyển đổi ngành nghề, ngưng sản xuất, khắc phục ô nhiễm trên tổng số 1.402 đơn vị phải di dời, đạt 89,94%. Ban Kinh tế Ngân sách TP.HCM cho biết, theo Nghị quyết HĐND TP.HCM, chương trình di cơ sở sản xuất phải kết thúc vào cuối năm 2006. Ban chỉ đạo chương trình di dời này cũng đã chấm dứt hoạt động từ tháng 5/2007. Vì thế, các việc tồn đọng của chương trình này được giao cho các sở chuyên ngành tiếp tục thực hiện.
Trong quy hoạch chi tiết phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020, TP.HCM sẽ tập trung vào ngành: cơ khí, hoá chất, điện tử – công nghệ thông tin, chế biến tinh lương thực – thực phẩm. Hiện các dự án trên đang được xúc tiến, triển khai. Tất nhiên, ngành công nghiệp TP.HCM trong thời gian tới có tạo ra được sự bứt phá ngoạn mục hay không thì còn phải chờ.