4 mong muốn hàng đầu của doanh nghiệp để tận dụng tối đa EVFTA

4 mong muốn hàng đầu của doanh nghiệp để tận dụng tối đa EVFTA

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn chưa khai thác hết tiềm năng vốn có từ những ưu đãi của Hiệp định.

EVFTA được doanh nghiệp đặt kỳ vọng cao

Tại Hội thảo Tác động của Hiệp Định EVFTA sau đại dịch Covid-19 và các biện pháp ứng phó phù hợp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 25/2 vừa qua, TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đánh giá những tác động của EVFTA từ góc độ doanh nghiệp.

Theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, từ khi EVFTA có hiệu lực, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đã có sự tăng trưởng ấn tượng. Năm 2021, dù nền kinh tế phải đối mặt với sự đứt gãy chuỗi sản xuất và ảnh hưởng của dịch bệnh, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn đạt 40,06 tỷ USD, tăng 14,1% so với năm 2020; kim ngạch nhập khẩu từ EU là 16,89 tỷ USD, tăng 15,3%.

Tuy nhiên, nếu so sánh với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam với thế giới năm 2021 đạt 336,31 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2020; kim ngạch nhập khẩu đạt 332,23 tỷ USD, tăng 26,5%, thì mức tăng trưởng xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với EU là tương đối thấp. Điều này cho thấy dù đã tận dụng khá tốt cơ hội từ EVFTA, nhưng dư địa cho các doanh nghiệp trong tương lai còn rất lớn.

Trong 5 tháng đầu tiên thực hiện EVFTA, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam là trên 15%, không cao so với tỷ lệ trung bình chung các hiệp định thương mại tự do khác cùng giai đoạn. Tuy nhiên, EVFTA vẫn có tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan cao nhất trong năm đầu tiên so với tất cả các hiệp định mà Việt Nam đã sử dụng. Riêng 7 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ sử dụng ưu đãi thuế quan của EVFTA đã tăng lên 22,5%.

Xét về ngành hàng, tỷ lệ tận dụng được ưu đãi thuế quan có sự khác nhau giữa các nhóm. Ngành giày dép, hàng thủy sản tận dụng ở mức cao trên 70%. Các ngành như: túi xách, vali; chất dẻo, sản phẩm dẻo; bánh kẹo và các sản phẩm ngũ cốc; rau quả… tận dụng được từ 50 - 70%. Một số ngành như: mây, tre, cói; sản phẩm gốm, sứ; hóa chất chỉ tận dụng được từ 30 - 50%.

Chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh đánh giá, EVFTA được ký kết đã minh chứng cho thành công của Việt Nam trong thực hiện đa dạng hóa, đa phương hóa kinh tế đối ngoại, tránh phụ thuộc vào một thị trường, một nguồn cung ứng duy nhất, giảm sức ép rủi ro cho nền kinh tế.

“Việt Nam và EU là 2 nền kinh tế bổ sung cho nhau, việc thực hiện EVFTA sẽ giúp cả 2 bên đều có lợi. Việt Nam có thể nhập khẩu từ EU những sản phẩm mà chúng ta không làm được. Ngược lại, EU lại có thể nhập khẩu từ Việt Nam những sản phẩm mà chúng ta có thế mạnh như tôm, dệt may và các sản phẩm nông sản”, TS. Lê Đăng Doanh nhìn nhận.

Theo cuộc khảo sát doanh nghiệp do VCCI thực hiện, 63% doanh nghiệp được hỏi cho rằng EVFTA sẽ mang lại những điểm tích cực, mức độ kỳ vọng cao nhất so với các hiệp định Việt Nam đã ký kết.

Đại diện VCCI lý giải, EVFTA được cho là hiệp định thu hút được sự quan tâm của doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, so với các hiệp định đã ký trước đó, sự vào cuộc hỗ trợ của các cơ quan nhà nước,VCCI, hiệp hội doanh nghiệp đối với EVFTA có phần tích cực hơn; các văn bản quy phạm pháp luật thực thi EVFTA được ban hành sớm hơn do rút kinh nghiệm từ những chậm trễ trước đó.

“Trong tương lai, chúng ta còn nhiều cơ hội để kỳ vọng mức độ tận dụng của EVFTA, cũng như lợi ích có thể được hiện thực hóa từ Hiệp định này còn lớn hơn nữa”, bà Trang khẳng định.

Mong muốn hàng đầu của doanh nghiệp

Đến nay, vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc doanh nghiệp tận dụng ưu đãi từ EVFTA, cũng như tận dụng những hiệp định thương mại khác.

TS. Nguyễn Thị Thu Trang phân tích, dịch bệnh vẫn còn là ẩn số, điều này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như quá trình tận dụng những lợi ích từ EVFTA. Bên cạnh đó, tình hình thế giới đang có nhiều biến động về kinh tế, chính trị, gần đây nhất là căng thẳng Nga - Ukraine, cùng với cuộc khủng hoảng logistics, nguyên vật liệu, giá xăng dầu,... còn kéo dài.

Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như sự phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, khả năng cạnh tranh với các nước khác sẽ càng trở nên phức tạp hơn. Cuối cùng là khả năng thích ứng với biến động thị trường của doanh nghiệp còn chưa linh hoạt.

“Tất cả những điều này sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong việc tận dụng Hiệp định thương mại Việt Nam - EU trong ít nhất là 1 - 2 năm tới”, bà Trang cho biết.

Vì vậy, các doanh nghiệp phải tự tìm cách khắc phục những hạn chế trong năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó là sự vào cuộc hỗ trợ từ các cơ quan có liên quan giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa được các ưu đãi từ EVFTA. Từ đó, chuyên gia đến từ VCCI đã chỉ ra bốn mong muốn hàng đầu của doanh nghiệp hiện nay.

Thứ nhất, doanh nghiệp mong muốn được cơ quan cấp trên phổ biến, tuyên truyền chuyên sâu theo các vấn đề, theo thị trường và tư vấn khi doanh nghiệp gặp vướng mắc trong quá trình thực thi EVFTA. Ngoài ra, doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần sự hỗ trợ trong tiếp cận thông tin về thị trường châu Âu.

Thứ hai, xúc tiến thương mại cần thực hiện ở tầm quốc gia, xúc tiến từng nhóm sản phẩm mạnh trong nước để người tiêu dùng và doanh nghiệp EU biết đến hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Đặc biệt, kết nối thương mại điện tử là cơ hội không chỉ cho các doanh nghiệp lớn mà cả những doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng có thể tham gia vào tận dụng cơ hội từ EVFTA.

Thứ ba, hỗ trợ nâng cao khả năng tận dụng ưu đãi bằng những chiến lược phát triển tổng thể cho các ngành công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra còn nâng cao chất lượng, khả năng đáp ứng các yêu cầu của đối tác và chuyển đổi số.

Thứ tư, cải thiện môi trường kinh doanh từ thể chế, cải cách thủ tục hành chính trong bối cảnh bình thường mới, đặc biệt là các thủ tục xuất nhập khẩu sẽ là điều kiện giúp doanh nghiệp giải phóng năng lực sáng tạo của mình.

Tin bài liên quan