Chúng ta luôn muốn gây ấn tượng với sếp và đồng nghiệp bởi phần lớn thời gian trong cuộc sống chúng ta làm việc với họ, gặp gỡ họ còn nhiều hơn cả bạn bè, người thân.
Tuy nhiên, có những điều tưởng chừng như gây được ấn tượng tốt nhưng thực ra lại gây hại cho sự nghiệp của bạn, theo Business Insider.
Luôn làm việc muộn
Ở bất cứ ngành nghề nào cũng có ít nhất một người luôn là người cuối cùng ra về sau một ngày làm việc. Những người này tin rằng họ hy sinh như vậy sẽ làm sếp hài lòng.
Tuy nhiên, nhiều khi đồng nghiệp không thích hành động này bởi họ không sẵn lòng làm ngoài giờ như vậy. Họ cũng dễ hiểu lầm rằng sếp coi trọng làm muộn hơn là hiệu quả công việc.
Trên thực tế, những người quản lý cũng không quan tâm bạn ra về muộn như thế nào, mà chỉ quan tâm tới hiệu quả công việc.
Cùng thực hiện một dự án, nhưng bạn phải làm việc muộn và lâu hơn một đồng nghiệp khác, sếp sẽ cho rằng kỹ năng quản lý thời gian của bạn kém, tác phong chậm chạp hoặc đơn giản là người nước đến chân mới nhảy.
Vì vậy, hãy chỉ làm việc muộn nếu bạn buộc phải làm vậy. Những người trả lời email sếp gửi lúc nửa đêm hoặc đảm nhận những dự án gấp cần phải làm thêm giờ sẽ chứng tỏ được giá trị của họ với công ty. Nhưng nếu làm việc muộn chỉ vì hình thức sẽ chẳng đưa bạn tới đâu, thậm chí còn gây hại.
Người đa năng
Kiểu người này vừa ngồi họp vừa gõ máy tính làm một việc khác không liên quan. Họ vừa làm một phần công việc này, đồng thời thực hiện một công việc khác, nhưng không bao giờ hoàn toàn hoàn thành cả hai thứ. Khi bạn phân tán sự tập trung vào các công việc khác nhau cùng lúc, đồng thời bạn cũng phải phân tán sự chính xác và hiệu quả.
Bạn có thể phải mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành một công việc, bởi bạn đang làm đồng thời 5 việc. Liên tục chuyển từ việc nọ sang việc kia, nguy cơ mắc lỗi là rất lớn và bạn phải mất thêm thời gian để sửa các lỗi này.
Sếp muốn bạn hoàn thành 4 việc trong một ngày, nhưng họ cũng muốn bạn tập trung từng chi tiết cho mỗi việc. Do vậy, thay vì làm mọi thứ cùng lúc, tốt hơn hết bạn hãy tập trung làm từng việc một, bắt đầu từ cái khó nhất tới đơn giản nhất.
Thường xuyên mua đồ ăn cho đồng nghiệp/nhân viên
Ai cũng quý người hay mua đồ ăn vặt, thức uống cho mình nhưng hành động này cũng có mặt trái.
Khi mua đồ ăn vặt tới văn phòng, tức là bạn không coi trọng chế độ ăn của đồng nghiệp. Bữa ăn của họ có những gì không phải việc của bạn. Việc mang đồ ăn tới văn phòng thường xuyên khiến bạn giống như bố hoặc mẹ của họ vậy.
Ngoài ra, sếp cũng không hài lòng nếu bạn thường xuyên mang đồ ăn vặt tới công sở, làm mọi người xao nhãng công việc. Vì vậy, hãy thận trọng với hành động này. Nếu sếp tỏ ý không thích thì đừng dại dột tiếp tục làm vậy. Thay vào đó, hãy mời đồng nghiệp ra ngoài ăn trưa hoặc uống cà phê để trò chuyện vui vẻ.
Quá hòa đồng với đồng nghiệp
Kiểu người này không thể đi qua hành lang mà không dừng lại nói chuyện với mọi người họ gặp. Đập tay, gật đầu hoặc chỉ trỏ là những hành động phổ biến của họ.
Mặt trái của việc quá hòa đồng là vạ miệng. Ví dụ, bạn xin sếp nghỉ với lý do bị ốm để làm việc riêng, nhưng lại chia sẻ với đồng nghiệp mình đang làm gì, ở đâu.
Nếu sếp biết được điều này, anh/chị ta sẽ không hài lòng và sẽ cân nhắc việc giao cho bạn các dự án quan trọng hoặc thăng chức.
Hoặc việc bạn chia sẻ mức lương mình nhận được với đồng nghiệp và khiến anh/chị ta bất mãn cũng sẽ làm sếp tức giận. Những nhân viên nói nhiều, quá hòa đồng cũng khiến quản lý phải đau đầu.