4 “đại gia” ngành dầu khí trên sàn niêm yết

4 “đại gia” ngành dầu khí trên sàn niêm yết

(ĐTCK-online) Từ ngày 31/5 đến 2/6/2010, CTCK Dầu khí (PSI) phối hợp cùng Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) tổ chức chương trình “Đi thăm và tiếp xúc với các DN trong ngành dầu khí” tại TP. HCM và Vũng Tàu. Số lượng đông đảo các CTCK và công ty quản lý quỹ tham gia vào chương trình đã cho thấy sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư tổ chức với các cổ phiếu ngành dầu khí.

Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (HOSE: PVD)

PVD là nhà cung cấp dịch vụ khoan duy nhất của Việt Nam, trực thuộc PVN. Với 3 giàn khoan biển, 1 giàn khoan đất liền cùng 3 giàn đi thuê của nước ngoài, PVD hiện chiếm khoảng 50% thị phần dịch vụ khoan tại Việt Nam. Các giàn khoan do Công ty sở hữu đều là những giàn mới hiện đại, hiệu suất sử dụng trên 99%…

Hợp đồng cung cấp dịch vụ khoan cho năm 2010 đã được ký kết xong, Công ty hiện đã bắt đầu triển khai việc đàm phán ký kết các hợp đồng cho năm 2011. Ba giàn khoan biển hiện tại của PVD đều đã có hợp đồng đến hết năm nay… Giàn khoan đất liền PV Drilling 11 hiện đã ký hợp đồng 3 năm với khách hàng Bir Seba. Ba giàn khoan đi thuê cũng đang hoạt động theo hợp đồng đến hết năm 2010. Ngày 20/5/2010, PVD cũng đã ký hợp đồng cung cấp giàn khoan biển tự nâng Maersk Convincer cho Công ty Điều hành chung Hoàng Long (Hoàng Long JOC).

Giàn khoan nửa nổi nửa chìm (TAD) dự kiến đưa vào khai thác từ cuối năm 2011 với hợp đồng 5 năm cho Biển Đông JOC phát triển các vùng mỏ Hải Thạch và Mộc Tinh.

Năm 2010, PVD đặt kế hoạch khá thận trọng bởi giá dịch vụ cho thuê giàn khoan chưa phục hồi hoàn toàn. Đây cũng là năm PVD bắt đầu thanh toán những khoản lãi vay cho giàn khoan PV Drilling II và III, vì thế chi phí tài chính sẽ tăng cao. PVD đặt mục tiêu tổng doanh thu 5.100 tỷ đồng, tăng 1.003 tỷ đồng (24,49%) so với thực hiện năm 2009 và lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, giảm 126 tỷ đồng (13,60%) so với năm 2009. Theo Nghị quyết ĐHCĐ, năm nay PVD dự kiến phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu (kỳ hạn 3 năm) trong quý III/2010…

PVD cũng đã ký hợp đồng với Công ty Baker Hughes (Hoa Kỳ) để thành lập Liên doanh PV Drilling - Baker Hughes tại Việt Nam trong tháng 3 vừa qua. Đây sẽ là một trong những liên doanh đầu tiên trong lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật giếng khoan tại Việt Nam, nâng cao uy tín và sức mạnh thương hiệu của PV Drilling trên khoan trường trong nước và quốc tế.

 

Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (HOSE: PVT)

Tới thăm trụ sở PVTrans, tọa lạc tại 384 Hoàng Diệu, quận 4, TP. HCM, đoàn công tác đã được đại diện của Công ty đón tiếp nồng hậu. Được sở hữu 60% bởi PVN, Công ty hiện sở hữu 4 tàu chở dầu thô với tải trọng xấp xỉ 100.000 DWT/tàu, trong đó đội tàu chở hàng lỏng đứng đầu tại Việt Nam với gần 20 chiếc chở dầu thô, LPG, dầu thành phẩm, tàu FSO. Công ty hiện được thầu hầu hết hợp đồng vận chuyển dầu thô và dầu thành phẩm cũng như các sản phẩm lọc dầu từ các thành viên khác của PVN.

Đầu tháng 6/2010, PVTrans đã ký hợp đồng vận tải 100% dầu thô nguyên liệu đầu vào cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, cùng khoảng 50% đầu ra cho nhà máy này. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hiện là nhà máy lọc dầu duy nhất tại Việt Nam, được thiết kế chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, dự kiến sẽ nâng công suất lên 10 triệu tấn dầu thô/năm.

Năm 2009, tổng doanh thu hợp nhất của PVT đạt 2.071 tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2008, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 9,49 tỷ đồng, giảm 92% so với năm 2008. Việc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hoạt động chưa ổn định trong năm qua cũng gây nhiều khó khăn cho PVTrans. Ngoài ra, lợi nhuận giảm là do Công ty phải đưa tàu ra quốc tế khai thác đã bị lỗ (giá cước dầu thô giảm 45%, cá biệt hàng rời giảm 90%).

PVTrans cho biết, năm 2010 Công ty cấp 3 tàu hoạt động tại Dung Quất, tăng 1 tàu so với trước đây. Dự kiến, việc vận chuyển dầu cho nhà máy này sẽ mang lại doanh thu 42 triệu USD trong năm 2010. Với mảng dịch vụ FSO/FPSO, hiện Công ty đang cung cấp dịch vụ FSO cho mỏ Đại Hùng (từ 2009) với tàu Kamari, tàu Lewek Emas hiện đang được hoán cải tại Singapore để cung cấp FPSO cho mỏ Chim Sáo từ 2011. Giai đoạn 2011 - 2016, PVTrans có kế hoạch phát triển đội tàu lên 60 chiếc. Năm nay, Công ty đặt kế hoạch 2.800 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, lợi nhuận sau thuế 126,7 tỷ đồng.

 

PVS - lợi thế từ nhà cung cấp độc quyền trên thị trường

Hiện Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PVS) tập trung vào 6 mảng dịch vụ chính:

Dịch vụ cho thuê tàu chuyên dụng: đem lại doanh thu chính của PVS với doanh thu 4.250 tỷ đồng năm 2009, chiếm 39,79% tổng doanh thu; lợi nhuận 516 tỷ đồng, chiếm 50,94% tổng lợi nhuận gộp. Hiện PVS đang sở hữu 21 tàu chuyên dụng và dự kiến tăng lên trên 30 tàu vào năm 2015. Thị phần của PVS về dịch vụ này chiếm trên 85%.

Dịch vụ cơ khí dầu khí, đóng mới phương tiện nổi, cơ khí sửa chữa: với thị phần chiếm trên 80% dịch vụ thiết kế, chế tạo chân đế giàn khoan dầu khí tại Việt Nam và trên 8% trong khu vực, đây là dịch vụ mũi nhọn của PVS với doanh thu năm 2009 đạt 3.193 tỷ đồng, chiếm 29,9% doanh thu; lợi nhuận 51 tỷ đồng, chiếm 4,94% lợi nhuận gộp…

Dịch vụ O&M, lắp đặt, đấu nối, tháo dỡ, vận hành và bảo dưỡng công trình dầu khí: PVS là đơn vị duy nhất tại Việt Nam đang đảm nhiệm công việc vận hành giàn thai khác dầu khí, đấu nối, lắp đặt, vận hành, chạy thử các cấu kiện dầu khí… Dịch vụ này có tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 25 - 30% từ nay đến 2015. Năm 2009, doanh thu của dịch vụ đạt 1.804 tỷ đồng, chiếm 16,89% tổng doanh thu, lợi nhuận 103 tỷ đồng, chiếm 10,17% lợi nhuận gộp.

Dịch vụ căn cứ cảng dầu khí: PVS đang sở hữu 6 cảng là cảng Vũng Tàu (80 héc-ta), cảng Đình Vũ - Hải Phòng, cảng Phú Mỹ (28 héc-ta), cảng Dung Quất, cảng Quảng Bình và cảng Nghi Sơn. Năm 2009, doanh thu của dịch vụ cảng đạt 618 tỷ đồng, chiếm 5,78% tổng doanh thu, lợi nhuận 176 tỷ đồng, chiếm 17,37% tổng lợi nhuận gộp.

Dịch vụ cho thuê FPSO/FSO: PVS có đội tàu gồm 5 tàu cho thuê dịch vụ kho nổi, xử lý và chứa xuất dầu thô. Dự kiến, đội tàu FPSO/FSO sẽ tăng lên 9 tàu trong tương lai (trên thế giới hiện có 184 tàu FPSO/FSO đang hoạt động). PVS đang chiếm 50% thị phần dịch vụ này tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng dự kiến 25%/năm. Năm 2009, doanh thu của dịch vụ ước đạt 650 tỷ đồng.

Ngoài ra, PVS đang triển khai thêm dịch vụ khảo sát địa chất công trình, khảo sát sửa chữa công trình ngầm. Dự kiến, giai đoạn 2011 - 2015, lượng tàu mà PVS là chủ sở hữu thực hiện cung cấp dịch vụ thăm dò đạt 30% về số lượng và chiếm 90% thị phần tại Việt Nam. Trong năm 2009, doanh thu của mảng dịch vụ này đạt khoảng 8 triệu USD.

Trong năm 2010, doanh thu của PVS ước đạt 12.815 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm 2009; lợi nhuận sau thuế ước đạt 692 tỷ đồng, tăng trưởng 20,1% so với năm 2009; EPS sau khi Công ty tăng vốn lên 3.000 tỷ đồng, sẽ đạt 3.465 đồng. Tốc độ tăng trưởng doanh thu giai đoạn 2010 - 2015 vào khoảng 22%/năm.

 

DPM - cho vụ mùa bội thu

Tổng CTCP Phân đạm và Hóa chất Dầu khí (DPM) là 1 trong 10 cổ phiếu có mức vốn hóa lớn nhất TTCK Việt Nam. DPM đang sở hữu Nhà máy Đạm Phú Mỹ với tổng vốn đầu tư 370 triệu USD. Với công nghệ thuộc loại hiện đại nhất thế giới, DPM có chi phí tiêu hao nhiên liệu thấp, giá thành sản xuất thuộc loại thấp nhất trong ngành.

Từ năm 2010, DPM sẽ có lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với trước đây, chủ yếu do giá bán đạm trung bình năm 2010 đã tăng khá so với năm 2009, từ mức giá 5,3 triệu đồng/tấn lên 6,0 triệu đồng/tấn.

DPM hiện tập trung vào sản xuất - kinh doanh đạm Urê với doanh thu sản xuất Urê năm 2009 chiếm 58,2% tổng doanh thu, doanh thu kinh doanh đạm nhập khẩu chiếm 38,9%, các sản phẩm khác chiếm 2,9% trong cơ cấu doanh thu. Năm 2010, tỷ trọng các mảng kinh doanh sẽ có những thay đổi đáng kể: Doanh thu sản xuất đạm Urê trong nước sẽ chiếm khoảng 71,6% tổng doanh thu, doanh thu đạm nhập khẩu chiếm 25,1% doanh thu, các sản phẩm còn lại chiếm 3,3% tổng doanh thu.

4 “đại gia” ngành dầu khí trên sàn niêm yết ảnh 1

Sản lượng tiêu thụ hàng năm của DPM vào khoảng 950.000 tấn với khoảng 740.000 tấn đạm sản xuất trong nước và khoảng 210.000 tấn đạm nhập khẩu, cung ứng khoảng 55,88% tổng sản lượng tiêu thụ cả nước…

Hiện nay, ngoài các dự án đầu tư mở rộng sản xuất sản phẩm truyền thống là đạm Urê từ 740.000 tấn/năm lên 800.000 tấn/năm, Công ty còn đầu tư dây chuyền sản xuất phân NPK công suất 400.000 tấn/năm, đầu tư Hệ thống kho cảng Cái Cui - Cần Thơ với công suất 20.000 tấn phục vụ thị trường ĐBSCL, Tòa nhà 43 Mạc Đĩnh Chi – TP. HCM, dự án Tổ hợp thương mại Cửu Long - Cà Mau…

Với chiến lược giữ vững ổn định trong hoạt động kinh doanh truyền thống, dần mở rộng thị phần sang các nước trong khu vực Đông Nam Á và Bắc Phi, DPM sẽ giữ vững vị thế đơn vị chi phối thị trường phân đạm Việt Nam và hàng đầu trong khu vực. Mô hình dự báo doanh thu, giá vốn, lợi nhuận của chúng tôi chỉ ra rằng, từ năm 2011, lợi nhuận của đơn vị sẽ tăng nhanh nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh, điều này trực tiếp tác động đến kết quả định giá cổ phiếu DPM.

Điểm qua một số DN đầu ngành dầu khí, chúng ta có thể thấy một chu trình sản xuất khép kín với những nhà máy hiện đại của PVD - khoan dầu, PVT - vận chuyển, PVS - dịch vụ và DPM - sản xuất sản phẩm cuối cùng là phân bón. Điểm chung của các công ty trên là đều có tiềm năng to lớn trong thời gian tới với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh, tiếp tục khẳng định vai trò là những DN then chốt trong nền kinh tế quốc dân.