Trong cuốn The Snowball: Warren Buffett and the Business of Life (tạm dịch: Hòn tuyết lăn: Cuộc đời và sự nghiệp của Warren Buffett), nhà đầu tư huyền thoại bộc bạch: “Bạn không thể tin được tôi cảm thấy như thế nào mỗi lần phải nói chuyện trước đám đông đâu, cảm giác như muốn… nôn mửa vậy”.
Tuy nhiên lúc đó, Warren Buffett đã quyết tâm vượt qua nỗi sợ hãi này để đạt được một trong những mục đích là... theo đuổi Susan Thompson – người sau này trở thành vợ đầu tiên của ông.
Vì vậy, ở tuổi 19, ông đã tham gia khóa học nói trước công chúng của Dale Carnigie – Học viện mang tên vị diễn giả có tầm ảnh hưởng lớn, tác giả cuốn How to Win Friends and Influence People (Đắc nhân tâm) và nhiều cuốn sách bán chạy khác.
Sau khi hoàn thành khóa học, Buffett đã tự tin nói chuyện trước công chúng và có lẽ một "thành tựu" còn quan trọng hơn là: cầu hôn thành công Susan.
CNBC đã có buổi trò chuyện cùng Joe Hart – Chủ tịch, CEO của Viện Dale Carnegie – về những bài học quan trọng nhất giúp một người giao tiếp hiệu quả trước công chúng và thay đổi cuộc đời mình giống như Warren Buffett. Theo đó, dưới đây là 4 bài học quan trọng nhất:
1. Học hỏi càng nhiều càng tốt
Joe Hart cho rằng, một trong những đặc điểm tuyệt vời của Warren Buffett là học hành theo cách rất chủ động, điều đó khiến ông dễ dàng thành công. Vì luôn học hỏi, Buffett liên tục bồi đắp thông tin cho những chủ đề mình yêu thích.
Theo tài liệu Hướng dẫn diễn thuyết hiệu quả (Speak more effectively) do Dale Carnigie biên soạn, những bài diễn thuyết hay nhất được thực hiện bởi những người am hiểu tường tận về chủ đề đó.
“Hãy nói về điều mà bạn biết và biết rằng mình biết. Đừng bỏ ra 10 phút hoặc 10 giờ để chuẩn bị cho một bài nói, mà hãy bỏ ra 10 tuần hoặc 10 tháng. Thậm chí tốt hơn nữa là dành 10 năm cho nó”, Carnigie viết.
2. Nói về những trải nghiệm cá nhân
Nói về những câu chuyện cá nhân là con đường ngắn nhất để chiếm được cảm tình của mọi người. Buffett thường xuyên thực hành điều này trong các bài nói của mình. Ông thường thêm những chi tiết từ cuộc đời, sự nghiệp của mình để nhấn mạnh một luận điểm.
“Hãy mang theo một tờ giấy trong vài tuần để ghi chú lại những trải nghiệm mỗi khi bạn nghĩ về các chủ đề mình sắp nói trước đám đông”, Dale Carnigie gợi ý. Những điều cần ghi chú có thể là một nỗi hối hận lớn, một tham vọng lớn, hoặc vấn đề tại sao bạn thích hoặc không thích trường học…
3. Chỉ ghi chú chứ đừng viết ra trước bài nói
Nếu từng xem Buffett diễn thuyết, bạn sẽ thấy ông hiếm khi nhìn vào một mảnh giấy. Đó là bởi vì một trong những nguyên tắc cốt lõi của Carnigie là, một bài diễn thuyết hay không bao giờ được viết ra trước.
Thay vào đó, Dale Carnigie đề xuất người diễn thuyết chỉ nên tạo ra các ghi chú ngắn gọn, vì việc đọc lại nguyên bản một bài viết từ trước sẽ xóa mờ đi sự hiện diện của chính họ: “Nếu viết ra trước bài nói, khi diễn thuyết thật, bạn sẽ phải cố gắng nhớ ra những điều mình đã viết. Điều này khiến bạn trở nên mất tự nhiên”.
4. Có sự say mê với chủ đề cần nói
Nụ cười mang năng lượng tích cực, và sự lan tỏa tự tin tạo ra một sự khác biệt lớn, Joe Hart nói với CNBC.
Warren Buffett quan tâm một cách say mê đến lĩnh vực đầu tư, tài chính và đạt được thành công khi còn trẻ. Điều này giúp duy trì sự tâm huyết trong các bài trả lời phỏng vấn cũng như các bài nói chuyện trước công chúng của ông.
“Ngay cả những người với khả năng nói chuyện bình thường cũng có thể diễn thuyết tốt nếu họ được nói về chủ đề mà mình say mê một cách sâu sắc”, Carnigie nhận định.