“Phát súng” đầu tiên của Blackstone
Giá trị quá cao là lý do đầu tiên khiến các quỹ đầu tư vốn tư nhân tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương không xuống tiền trong giai đoạn trước, theo báo cáo mới công bố của Bain&Co.
Giá chứng khoán không hề giảm xuống trước khi dịch bệnh bùng phát, ngay cả khi kinh tế Trung Quốc - khu vực tập trung nhiều khoản đầu tư nhất của các quỹ đầu tư vốn tư nhân tăng trưởng chậm lại.
Bên cạnh đó, định giá doanh nghiệp được duy trì ở mức cao, bởi các công ty, doanh nhân tại châu Á biết rằng họ đang được săn đón, khi có hơn 3.000 quỹ đầu tư vốn tư nhân tìm kiếm cơ hội tại thị trường này.
Năm 2019, dù định giá các doanh nghiệp giảm nhẹ với hệ số giá trị doanh nghiệp/lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EV/EBITDA) ở mức 12,9 lần, so với mức 13,3 năm 2018, nhưng vẫn duy trì ở mức cao hơn so với trước năm 2017.
Kể từ đầu năm tới nay, chỉ số MSCI châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 23% do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, mở ra cơ hội M&A, đầu tư tại các doanh nghiệp niêm yết, đồng thời hạ thấp giá trị của các công ty chưa lên sàn trong bối cảnh hoạt động kinh doanh trở nên khó khăn hơn.
Một yếu tố không thể không kể tới là việc SoftBank Group Corp -công ty đầu tư của tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son đối diện với nhiều khó khăn, kìm hãm hoạt động tại thị trường đầu tư vốn tư nhân.
Với nhiều nhà quản lý quỹ đầu tư, thông tin này có thể mang lại tiếng thở phào nhẹ nhõm, bởi Quỹ đầu tư Vision Fund của SoftBank quản lý 99 tỷ USD tài sản trong những năm qua đã “bơm phồng” giá trị của các khoản đầu tư tư nhân, đồng thời lôi kéo nhiều nhà đầu tư góp vốn.
Với việc giá cổ phiếu SoftBank đã giảm hơn 40% so với mức đỉnh gần nhất vào tháng 2/2020, tỷ phú Masayoshi Son đang phải tập trung “cứu chính mình”, mới nhất là việc công bố mua cổ phiếu quỹ trị giá 4,8 tỷ USD vào tuần trước.
SoftBank cũng đang phải vật lộn với các khoản đầu tư trong danh mục của mình, trong đó nổi bật là WeWork - kỳ lân thất bại trong việc lên sàn và công ty khởi nghiệp Oyo tại Ấn Ðộ.
Việc Blakstone Group Inc công bố kế hoạch thâu tóm Soho China Ltd - doanh nghiệp bất động sản niêm yết tại sàn Hồng Kông được xem là “phát súng” hiệu đầu tiên về việc xuống tiền của quỹ đầu tư tư nhân tại thị trường châu Á giai đoạn này.
Tuy nhiên, một khi đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, sẽ rất khó để các quỹ đầu tư vốn tư nhân có thể tiếp xúc trực tiếp với các mục tiêu đầu tư, tạo nên những hạn chế nhất định trong việc hoàn thành thương vụ. Bên cạnh đó, cơ hội để một doanh nghiệp trỗi dậy mạnh mẽ hay lụi tàn sau đại dịch vẫn là 50 - 50.
Dự báo dòng vốn vào Việt Nam
Theo báo cáo Global M&A Review 2018, thực hiện bởi Bureau Van Dijk-aMoody’s Analytics Company thì Singapore, Việt Nam, Indonesia và Malaysia là 4 thị trường đầu tư tư nhân sôi động nhất tại Ðông Nam Á.
Ðáng chú ý, năm 2018, có 38 thương vụ được thực hiện tại Việt Nam, tăng 41% so với 2017 và đạt đỉnh trong một thập kỷ. Số tiền mà các quỹ tư nhân rót vào tăng gấp 3, lên 1,6 tỷ USD, cao thứ hai chỉ sau Singapore (7 tỷ USD) và tương đồng với Indonesia (1,7 tỷ USD).
Thị trường đầu tư vốn tư nhân tại Việt Nam chỉ có sự hiện diện của khoảng hơn 10 “tay chơi” nội địa. Nhóm này chiếm 36% tổng giá trị các thương vụ năm 2018, theo Báo cáo Thị trường vốn tư nhân Việt Nam của Thornton vào tháng 5/2019 (báo cáo mới nhất).
Trong đó, Mekong Capital là một trong những quỹ lâu đời nhất và đã xây dựng được 4 quỹ đầu tư tăng trưởng kể từ năm 2001 tới nay.
Mekong Capital là công ty tư vấn quản lý quỹ đầu tư chuyên về vốn cổ phần chưa niêm yết tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào các ngành theo xu hướng tiêu dùng.
Một số khoản đầu tư thành công nhất bao gồm Thế giới di động, PNJ, ICP, Golden Gate, Trường Quốc tế Việt Nam Úc (VAS), Masan Consumer, Traphaco, Pharmacity, F88, YOLA, Pizza 4P’s, Chảo Ðỏ, Vua Nệm, ABA Cool Trans và Nhất Tin Logistics.
Các quỹ của Mekong Capital đã hoàn tất 35 khoản đầu tư vốn cổ phần chưa niêm yết, trong đó có 26 khoản đã thoái vốn hoàn toàn. Những khoản đầu tư mới nhất của quỹ này phải kể tới Pizza 4P, Pharmacity, Vua Nệm, Precita, F88…
Một tên tuổi khác tại thị trường Việt Nam là Vietnam Investment Group (VI Group), hiện đang quản lý 3 quỹ đầu tư với tổng vốn đầu tư gốc là 400 triệu USD, chuyên đầu tư vào các ngành đang tăng trưởng ở Việt Nam.
VI Group thường tìm kiếm các cơ hội đầu tư cho phép VI Group giữ cổ phần thiểu số có quyền kiểm soát dưới góc độ cổ đông lớn với khoản đầu tư kéo dài 4 - 6 năm.
Ngoài các quỹ đầu tư tại thị trường nội địa, Việt Nam cũng nằm trong tầm ngắm của các quỹ quốc tế tập trung vào thị trường châu Á.
Trong đó, Warrbug Pincus hiện đang sở hữu 5 doanh nghiệp Việt Nam, vừa hoàn thiện thương vụ đầu tư tư nhân lớn bậc nhất với hơn 370 triệu USD vào Techcombank năm 2019.
Trước đó, quỹ này cũng rót 100 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C cho ứng dụng thanh toán di động Momo.
CVC Capital Partners (London), KKR (New York) và Advantage Partners (Tokyo) cũng là những quỹ toàn cầu đang đầu tư vào Việt Nam trong 5 năm qua. 4 trong số 10 thương vụ đầu tư tư nhân giá trị lớn nhất tại Việt Nam trong thập kỷ xuất hiện trong 2 năm qua, theo S&P Global Market Intelligence.
Trong năm 2019, dòng tiền đã đổ vào Việt Nam và các quốc gia Ðông Nam Á khác, bởi đây là khu vực được cho là hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khi hoạt động sản xuất rời khỏi Trung Quốc và chuyển sang đây.
Tuy nhiên, theo Bloomberg, đại dịch Covid-19 có thể khiến nhà đầu tư phải đánh giá lại mọi giả thuyết.