Theo tính toán của CTCK MB (MBS) dựa theo vốn chủ sở hữu và khả năng vay nợ của các CTCK, con số 17.000 tỷ đồng khá sát với kết quả của MBS. Có thời điểm theo cách tính của MBS, lượng vốn cho margin ở quanh ngưỡng 20.000 tỷ đồng.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, chuyên gia nghiên cứu cao cấp MBS cho rằng, 17.000 tỷ đồng là con số tín dụng được sử dụng để cung cấp cho dịch vụ margin tại các CTCK. Trong đó bao gồm cả phần vốn của CTCK và phần vốn CTCK vay từ ngân hàng để làm dịch vụ, không bao gồm phần cho vay cầm cố cổ phiếu tại các ngân hàng thương mại (NHTM). Do vậy, có sự chênh lệch kể trên là vì con số mới (38.000 tỷ đồng) đã tính gộp cả phần ngân hàng cho vay cầm cố cổ phiếu niêm yết và OTC.
Tuy nhiên, phần này chưa chắc đã thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư 36, bởi trên thực tế, trong tổng nguồn vốn các NHTM cho vay cầm cố cổ phiếu niêm yết và OTC có một phần không nhỏ được dùng với mục đích không phải đầu tư kinh doanh cổ phiếu, mà là để bổ sung vốn lưu động cho sản xuất - kinh doanh hoặc đầu tư cho phát triển dự án bất động sản…
Ngoài ra, trong danh mục cho vay cầm cố cổ phiếu tại các NHTM, cổ phiếu ngân hàng được ưu tiên hơn, nhưng mục đích sử dụng vốn vay trong hợp đồng thường không rõ ràng hoặc được chủ động hướng sang các mục đích khác ngoài mục đích đầu tư tài chính, thường sẽ được hướng theo mục đích tiêu dùng cá nhân. Do đó, không thể kết luận toàn bộ 38.000 tỷ đồng sẽ tạo áp lực lên TTCK.
Trên thực tế, từ cuối năm 2014, nhiều NHTM đã mạnh tay thu hồi các khoản cho vay đầu tư cổ phiếu vượt hạn mức theo quy định của Thông tư 36. Các chỉ số chứng khoán đã bị tác động mạnh ở thời điểm này với hiện tượng bán đổ sàn hàng loạt. Hiện tại, theo ông Ngọc, thị trường đang bị tác động theo kiểu "hậu Thông tư 36", có nghĩa các CTCK sẽ bị suy giảm nguồn để làm margin. Trong đó, các CTCK lớn có thể khắc phục tình trạng này thông qua việc sử dụng vốn tự có, phát hành trái phiếu hoặc tăng vốn, còn với các CTCK nhỏ, khó có thể nhanh chóng bù đắp thiếu hụt.
Có thể thấy, khi thị trường bị hạn chế về dòng tiền, rõ ràng động lực tăng giá sẽ yếu dần và khi tâm lý nhà đầu tư bi quan thì việc thị trường suy giảm là điều tất yếu. Việc khối ngoại duy trì trạng thái bán ròng cùng với giao dịch ảm đạm của các nhà đầu tư khi thị trường sắp bước vào kỳ nghỉ lễ dài ngày cũng là những yếu tố khiến dòng tiền vào thị trường hạn chế.
Nhìn về triển vọng trung hạn, nếu không có các yếu tố hỗ trợ dòng tiền vào thị trường như khối ngoại mua ròng trở lại, thông tin doanh nghiệp tích cực và sức cầu thị trường cải thiện..., nhiều khả năng, thị trường sẽ vẫn trong xu hướng giảm về các vùng thấp hơn.