Hiện toàn bộ danh mục này được tập hợp dựa trên thống kê các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại 235 văn bản pháp luật, gồm 3 hiệp định và nghị định thư, 48 luật, 5 pháp lệnh, 104 nghị định, 111 thông tư và 15 quyết định của các bộ.
Những con số này đủ làm chóng mặt không chỉ nhà đầu tư, các doanh nghiệp (DN), mà ngay cả những người hành nghề tư vấn về thành lập DN, như ông Lê Nết, Trưởng Văn phòng Luật sư LNT cũng không đủ can đảm để tin rằng, nắm đủ các quy định có liên quan về vấn đề này.
Hệ quả của nó đương nhiên là tính rủi ro rất cao trong các quyết định đầu tư mà các nhà đầu tư, các DN sẽ là đối tượng chịu thiệt hại lớn nhất.
Nếu phân theo hình thức điều kiện kinh doanh, trong các ngành, nghề tại danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, có 121 ngành, nghề yêu cầu phải có giấy phép; 81 ngành, nghề yêu cầu phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; 34 ngành, nghề yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề; 12 ngành, nghề yêu cầu phải có vốn pháp định; 133 ngành, nghề yêu cầu phải có chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và 17 ngành, nghề có điều kiện nhưng không cần chấp thuận của cơ quan nhà nước.
Nếu căn cứ theo cơ quan quản lý nhà nước, lĩnh vực công thương đang có nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nhất, với 54 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện với khoảng 200 điều kiện kinh doanh, trong đó có 23 ngành yêu cầu giấy phép; 19 ngành yêu cầu giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh…
Bộ Tài chính có 28 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện với 30 điều kiện kinh doanh được áp dụng… Số này có thể tăng lên khi Bộ đang trình Chính phủ một số dự thảo nghị định về quản lý 3 ngành, nghề kinh doanh là kinh doanh dịch vụ định mức tín nhiệm, kinh doanh casino, kinh doanh đặt cược.
Bộ Giao thông - Vận tải đang quản lý 32 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện với 42 điều kiện kinh doanh được áp dụng. Trong lĩnh vực quản lý của Bộ Xây dựng có 24 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện với 55 điều kiện kinh doanh được áp dụng. Lĩnh vực thông tin và truyền thông có 21 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện với 25 điều kiện kinh doanh được áp dụng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có 14 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện với 36 điều kiện kinh doanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 4 ngành kinh doanh có điều kiện là đại lý đấu thầu, tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ đấu thầu, tổ chức thực hiện tư vấn đánh giá dự án đầu tư, cơ sở đào tạo đánh giá dự án…
Cũng phải nói thêm, trong số này, một số điều kiện kinh doanh được quy định không đúng thẩm quyền.
Theo quy định của Nghị định 102/2010/NĐ-CP, các quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh đối với ngành, nghề đó phải được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật là: luật, pháp lệnh, nghị định, hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nhưng trong lĩnh vực giao thông - vận tải, hiện có 2 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định ở cấp Thông tư là vận tải thử trên tuyến đường thủy nội địa và cơ sở đủ điều kiện đánh giá trình độ tiếng Anh nhân viên hàng không…
Sự rối rắm không chỉ ở số lượng và hình thức văn bản, mà theo ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương), mà ở cơ chế công bố thông tin về các ngành, nghề này cũng như điều kiện của chúng.
“Hiện chưa xây dựng được cơ chế và công cụ để công khai quy định pháp lý, quy trình, thủ tục liên quan đến ngành, nghề kinh doanh có điều kiện để hỗ trợ DN thuận lợi khi tra cứu và thực hiện. Điều này không những không tạo áp lực để DN chủ động thực thi các quy định, mà còn không phát huy được vai trò giám sát của người dân, bạn hàng, đối thủ cạnh tranh…”, ông Hiếu nói.
Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang rà soát lại toàn bộ các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh để trình Chính phủ ban hành danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh tương ứng sau khi Dự án Luật DN (sửa đổi) được thông qua.