33 quỹ đầu tư cam kết rót 815 triệu USD vào start up Việt tại VVS 2020

33 quỹ đầu tư cam kết rót 815 triệu USD vào start up Việt tại VVS 2020

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit) 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức sáng nay 25/11, 33 quỹ đầu tư đã cam kết rót 815 triệu USD vào lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 5 năm 2021-2025.

Trong đó các quỹ đầu tư lớn đều đặc biệt thể hiện sự quan tâm đặc biệt như VinaCapital Ventures, 500 Startups, AlphaJWC, BeeNext, CyberAgent Capital, Do Ventures, FEBE Ventures, Genesia Ventures, Monk’s Hill Ventures, Insignia Ventures, Patamar Capital, Smilegate, Vietnam Investment Group, Viet Capital Ventures...

Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng kinh tế số

Đánh giá cao kết quả này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặc biệt đánh giá cao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng các tổ chức, đơn vị cũng như các cơ quan liên quan đã tổ chức sự kiện.

"Năm nay, số lượng các nhà đầu tư, quỹ đầu tư cam kết tăng gấp rưỡi, số tiền cam kết tăng gần gấp đôi. Điều đó cho thấy chúng ta có những thành công và tin rằng mặc dù bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng “trong cái khó ló cái khôn”. Lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến, ngoài các nhà đầu tư có mặt tại hội nghị rất nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp startup ở khắp nơi đang theo dõi. Đấy là sự thích ứng theo hướng đi lên”, Phó Thủ tướng nhận định.

Theo Phó Thủ tướng, trong khi nhiều nước trên thế giới vẫn đang hết sức khó khăn gồng mình chống dịch bệnh, Việt Nam vẫn tổ chức được các hoạt động phát triển sản xuất, kinh doanh tương đối, kể các hoạt động đối ngoại xuyên biên giới.

Dẫn khảo sát của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Phó Thủ tướng cho biết, đến nay chỉ có 4 nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng dương là Việt Nam, Ai Cập, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Dự báo những năm tới đây còn tiếp tục rất khó khăn. Trong bối cảnh này, đây là những thành quả đáng khích lệ, thể hiện khả năng linh hoạt, thích ứng của Việt Nam, các nước trong khu vực và cộng đồng.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng vẫn lưu ý không nên quá hài lòng, bởi vẫn còn nhiều việc chưa thực sự đạt như kỳ vọng.

“Nhiều dự đoán cho rằng đại dịch COVID-19 sẽ làm cho thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử tăng đột biến nhưng ở Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng. Thương mại điện tử trước đây tăng 20-25%, năm nay 6 tháng đầu tăng 25% và kỳ vọng cả năm đạt khoảng 30%. Nếu có đạt 30% thì cũng chưa phải đột biến”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Chính phủ Việt Nam chào đón và tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng cần tham khảo những việc cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã làm được trong thời gian qua

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Hay như về lượng vốn đầu tư sau 1 năm tăng đột biến các quỹ đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp ở Việt Nam, đạt mức 800 triệu USD, thì năm 2020 lượng vốn chỉ khoảng hơn 200 triệu USD.

Nhìn tổng thể, trong bối cảnh hết sức khó khăn của năm nay, nhiều điểm sáng trong cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đã xuất hiện với việc đã có một số doanh nghiệp Việt nằm trong top đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử, cung cấp các dịch vụ giao thông vận tải, thương mại điện tử, tạo các không gian làm việc chung, trong đó có những cái tên đáng chú ý như Tiki, Sendo…

Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần thực sự nỗ lực hơn nữa để sẵn sàng đón nhận nhận thách thức và cơ hội mới trong xu thế chuyển đổi trào lưu đầu tư, kinh doanh mới trong bối cảnh bình thường mới và thích ứng hiệu quả trước những ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 để vươn lên hiện thực hóa các khát vọng phát triển của cộng đồng khởi nghiệp.

Chia sẻ về các chủ trương của Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, Việt Nam bắt đầu kết nối và đẩy mạnh ứng dụng kinh tế số, Chính phủ đang chỉ đạo cập nhật thông tin, số hoá. Sự góp sức đồng lòng của cả cộng đồng sẽ tạo được sự đồng bộ hoá. Số hoá sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển.

Cũng theo ông, muốn đón bắt cách mạng công nghệ, tạo sân chơi cho giới startup, phải phát triển hạ tầng công nghệ thông tin. Vừa qua, Chính phủ, địa phương và Bộ Thông tin truyền thông đã đưa ra giải pháp phát động sức mạnh cộng đồng để có thể phấn đấu đạt được mỗi người dân có một điện thoại thông minh.

“Cách thích ứng tốt nhất mà chúng ta có thể làm được là chúng ta dự liệu trước được tương lai một cách dài hơi và sát với hiện thực như dự báo thời tiết ngày càng chính xác hơn. Tuy nhiên, thế giới trong 2 năm, 5 năm tới sẽ ra sao thì cần phải có sự tính toán, từ những công ty rất lớn cho tới các công ty kỳ lân”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ.

Cũng theo Phó Thủ tướng, thực tế cho thấy, thời gian qua, doanh nghiệp nào thích ứng được thì phát triển rất tốt, đặc biệt quan trọng nhất là cách thích ứng. Ông nhắc lại bài học thành công bước đầu của Việt Nam trong việc kiểm soát tốt COVID-19.

“Đặc biệt, chúng ta cần tự tin hơn. Chính phủ Việt Nam chào đón và tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng cần tham khảo những việc cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã làm được trong thời gian qua. Khi triển khai chương trình chuyển dịch số tại các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng sẽ tạo ra sự chuyển chuyển tốt, mang lại hiệu quả tích cực cho nền kinh tế và có những bước tiến vững chắc để chúng ta cùng nhau đưa Việt Nam phát triển nhanh và bền vững hơn”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Sẵn sàng nguồn lực để đón đầu xu thế đầu tư

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoach và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Nghị quyết số 52/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đã khẳng định chủ trương phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lấy doanh nghiệp làm trung tâm.

Với vai trò là cơ quan tham mưu, hoạch định chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động cụ thể hóa chủ trương, định hướng của Đảng trong từng chính sách và hành động cụ thể. Hiện đang Bộ đang chủ trì xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, trong đó xác định hai trụ cột quan trọng tạo động lực bứt phá cho phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn tới. Đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển con người.

Dự thảo Chiến lược cũng đã xác định định hướng hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Xây dựng, hoàn thiện, thử nghiệm khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số...

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, đã sẵn sàng chuẩn bị các nguồn lực cũng như hoàn thiện, triển khai các cơ chế chính sách phù hợp để đón đầu xu thế đầu tư. Đặc biệt, đến nay mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam đã mở rộng các Mạng lưới thành phần tại các nước Đức, Nhật Bản, Úc và tiếp tục thành lập tại Mỹ, Canada với hàng nghìn thành viên nhằm quy tụ những người Việt Nam xuất sắc để sẵn sàng tham gia các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và ứng dụng tại Việt Nam.

Trong thời gian tới, sẽ đẩy mạnh triển khai xu hướng số hóa nhằm thúc đẩy ứng dụng kinh tế số tại Việt Nam. Theo Bộ trưởng, hiện Việt Nam đã xây dựng chương trình chuyển đổi số cho đẩy mạnh ứng dụng kinh tế số Việt, hơn 800 nghìn đẩy mạnh ứng dụng kinh tế số Việt có thể tiếp cận được để chuyển đổi số, dựa trên các nền tảng số, từ đó sẽ mang lại lợi ích cho DN, nền kinh tế. Đây là việc làm thiết thực và hiệu quả nhất nên Bộ dự kiến sẽ triển khai sớm chương trình này.

Chia sẻ tại diễn đàn, ông Vũ Quốc Huy, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đang phát triển rất sôi động, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang rất thuận lợi để các startup công nghệ phát triển. Đây là nền tảng vững chắc và động lực để Chính phủ và các công ty công nghệ hàng đầu khu vực tiếp tục phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Ông Huy cho biết, xuyên suốt hoạt động của diễn đàn, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia phối hợp với nhiều đơn vị để lựa chọn, đồng hành cùng Starup Việt nhằm nâng cao hiệu quả thiết thực của các chương trình đối với cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp. Đáng chú ý, trong đó có Chương trình Grab Ventures Ignite chọn lựa 13 startup để đồng hành.

Theo thông tin từ Trung tâm, Các startup tham gia chương trình được tìm hiểu về cách gọi vốn và mở rộng quy mô kinh doanh, tiếp thị sản phẩm ra thị trường hiệu quả hơn và đảm bảo kinh doanh. Các startup còn được tham gia các buổi tư vấn 1:1 với đội ngũ giám đốc cấp cao của Grab và các chuyên gia hàng đầu trên thế giới từ các đối tác của chương trình.

Đây là lần thứ hai Diễn đàn được tổ chức với chủ đề của năm nay là “Dịch chuyển số” nhằm phản ánh những đổi mới công nghệ, những chuyển động thị trường kinh tế số trong bối cảnh đặc biệt của năm 2020. Diễn đàn Vietnam Venture Summit 2019, đã thu hút hơn 130 quỹ đầu tư quốc tế và hơn 70 quỹ đầu tư trong nước tham dự; hơn 600 lượt doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia chương trình tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hơn 40 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp tại Việt Nam tham dự.

Về giá trị kết nối, tại diễn đàn VVS 2019, 18 quỹ đầu tư trong nước và quốc tế đã cam kết giá trị đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong giai đoạn 2019-2021 đạt 425 triệu USD. Tính đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động kéo dài từ dịch Covid-19 trong năm 2020, số tiền đầu tư của các quỹ vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đã đạt trên 50% số vốn cam kết.

Tin bài liên quan