Cụ thể hơn, ông Tuấn Anh thông tin, đến cuối tháng 2/2021, tín dụng ngành nông, lâm, thủy sản đạt 776.918 tỷ đồng, tăng 0,16% so với năm 2020 (cùng kỳ 2020 giảm 0,09%; năm 2020 tăng 8,3%); ngành công nghiệp và xây dựng đạt 2.615.593 tỷ đồng, tăng 1,13% (cao hơn mức tăng 0,95% của cùng kỳ 2020; năm 2020 tăng 9,58%); ngành thương mại, dịch vụ đạt 5.860.560 tỷ đồng, tăng 0,52% (cùng kỳ năm 2020 giảm 0,15%; năm 2020 tăng 13,9%).
Đối với tín dụng các lĩnh vực ưu tiên, tính đến cuối tháng 2/2021, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 2.274.259 tỷ đồng, giảm 0,14% so với năm 2020 (cùng kỳ 2020 giảm 0,94%; năm 2020 tăng 11,52%); doanh nghiệp nhỏ và vừa là 1.816.970 tỷ đồng, giảm 0,12% (cùng kỳ 2020 giảm 1,7%; năm 2020 tăng 13,56%); xuất khẩu đạt 1.816.970 tỷ đồng, giảm 0,12% (cùng kỳ 2020 tăng 0,2%; năm 2020 tăng 13,66%); công nghiệp hỗ trợ đạt 232.896 tỷ đồng, tăng 2,45% (cùng kỳ 2020 tăng 0,96%; năm 2020 giảm 1,74%); doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 34.640 tỷ đồng, giảm 2,27% (cùng kỳ 2020 tăng 2,54%; năm 2020 tăng 5,26%).
Tín dụng lĩnh vực đang được thị trường rất quan tâm đó là bất động sản, tính đến ngày 28/2 là 1.835.504 tỷ đồng, tăng 2,13% so với 2020 (kinh doanh bất động sản tăng 2,82%); phục vụ đời sống là 1.848.015 tỷ đồng, tăng 0,14%; kinh doanh chứng khoán là 42.590 tỷ đồng, giảm 6,98%; BOT, BT giao thông đến 31/12/2020 là 108.722 tỷ đồng, giảm 1,76%.
“Trong tháng 2/2020, tín dụng các ngành nông lâm thuỷ sản, công nghiệp và xây dựng, thương mại dịch vụ đều tăng, trong đó có ngành công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, cao hơn tăng trưởng 0,67% tín dụng chung toàn nền kinh tế. Đối với các lĩnh vực ưu tiên, tín dụng ngành nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đều giảm trong khi tín dụng đối với công nghiệp hỗ trợ tăng cao tăng nhẹ. Đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, tín dụng bất động sản và phục vụ đời sống tăng, riêng tín dụng kinh doanh chứng khoán tiếp tục giảm mạnh (6,98%)”, ông Tuấn Anh nhận xét.
Được biết, tính đến 31/3/2021, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng chính sách xã hội đạt 230.554 tỷ đồng, tăng 1,9% so với 31/12/2020 (31/12/2020 dư nợ đạt 226.197 tỷ đồng, tăng 9,37%) với khoảng 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ.
Liên quan đến việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 theo Thông tư 01, ông Tuấn Anh cho biết, đến ngày 22/3/2021, các tổ chức tín dụng đã triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.
Theo đó, thứ nhất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 262.679 khách hàng với dư nợ 352.986 tỷ đồng; thứ hai, miễn, giảm, hạ lãi suất vay vốn cho 660.175 khách hàng với dư nợ 1.271.204 tỷ đồng; thứ ba, cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23/01/2020 đến nay đạt 3.113.574 tỷ đồng cho 452.233 khách hàng.
Theo ông Tuấn Anh, trên cơ sở các diễn biến kinh tế vĩ mô, đánh giá nhận định của các tổ chức trong nước và quốc tế, tình hình tăng trưởng đối với các ngành, lĩnh vực trong năm 2020 và đầu năm 2021, tín dụng ngân hàng đã diễn biến phù hợp, đi vào các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh và ngành lĩnh vực ưu tiên.
Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cho rằng, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và đặc điểm năm nhuận, Tết âm lịch rơi vào tháng 2 dương lịch (thông thường là tháng 1 dương lịch) nên các chỉ số kinh tế vĩ mô cũng như tình hình tín dụng ngân hàng có thể bị tác động rõ nét vào cuối quý 1/2021.
“Từ sau Tết Nguyên đán, tín dụng có xu hướng tăng thấp hơn mức tăng 0,76% cuối tháng 1/2021, (đến 26/2/2021 tăng 0,67%, giảm 0,09% so với cuối tháng 1/2021), tín dụng phục hồi rõ rệt trong tháng 3 (ngày 31/3/2021 tăng 2,93%)”, ông Tuấn Anh chia sẻ.
Ông Tuấn Anh cho biết, với nguồn vốn huy động dồi dào, tín dụng có thể tăng trưởng mạnh mẽ từ quý 2/2020, đặc biệt đối với các ngành sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thương mại, du lịch… và có thể vượt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% của năm 2021.
“Tất nhiên, kết quả trên đạt được trong điều kiện tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, việc tiêm vắc-xin phát huy ngay hiệu quả, các động lực tăng trưởng như cầu tiêu dùng nội địa, xuất khẩu phục hồi; thu hút vốn FDI và giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh”, ông Tuấn Anh nói.