31% GDP, thị trường chứng khoán chưa "tròn vai"

31% GDP, thị trường chứng khoán chưa "tròn vai"

(ĐTCK) Đòi hỏi chuẩn hóa vị trí của TTCK trong hệ thống thị trường tài chính không phải là chuyện mới. Tuy nhiên, việc các chuyên gia nhắc tới việc này ở thời điểm hiện tại không vì thế mà ít tính thời sự, ngược lại đang là chuyện “nóng” bởi nhiều lý do.

Đầu tiên, với mức vốn hóa tương đương khoảng 31% GDP tính đến hết năm 2013, các chuyên gia cho rằng TTCK có quy mô còn nhỏ và “chậm lớn”, nên chưa đảm đương được vị trí là kênh tài trợ vốn trung và dài hạn chủ lực cho DN, cũng như nền kinh tế. Hệ quả là như năm 2013, nền kinh tế, DN phải trả giá khá đắt, do căn bệnh tắc nghẽn tín dụng chưa được điều trị hiệu quả, khiến nhiều DN đói vốn. Khi DN, cũng như nền kinh tế muốn có vốn, nhất là vốn trung và dài hạn, nhưng không dựa chủ yếu vào TTCK như thông lệ quốc tế, mà lại phần lớn trông chờ vào vốn vay ngân hàng, đang gây rủi ro lớn cho cả hệ thống ngân hàng, DN, lẫn khả năng ổn định kinh tế vĩ mô… Điều này có cả nguyên nhân từ phía DN, nhưng cũng do quy mô hạn chế, cũng như TTCK phát triển còn thiếu chiều sâu, nên chưa đáp ứng được nhu cầu huy động vốn trung và hạn của DN…

Thứ hai, sau một năm thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015 và Đề án tái cấu trúc TTCK, thị trường chưa nhận diện được sự phối hợp sắc nét trong triển khai hai đề án này, đặc biệt là ở phương diện phân vai nhiệm vụ huy động và phân bổ nguồn vốn trung và dài hạn cho DN và nền kinh tế, theo hướng giảm dần vai trò của thị trường tiền tệ, bù đắp vào đó là nâng dần vai trò của TTCK theo thông lệ phát triển thị trường tài chính quốc tế.

Thứ ba, như nhìn nhận của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, những động lực của đổi mới trước đây đã không còn đủ mạnh, nên phải tìm động lực mới để tạo ra một cú huých, sự đột phá cho phát triển nền kinh tế. Muốn đạt mục tiêu này phải bắt đầu từ cải cách thể chế kinh tế, trong đó thúc đẩy TTCK phát triển nhanh và lành mạnh hơn giữ vị trí quan trọng...

Thứ tư, từ lãnh đạo Chính phủ cho đến các bộ ngành, DN, đều đang trông đợi TTCK khởi sắc trong năm 2014, để nâng cao hiệu quả thoái vốn đầu tư của Nhà nước tại các công ty cổ phần, trong đó có nhiều DN niêm yết; thúc đẩy thoái vốn đầu tư ngoài ngành, cũng như tái cơ cấu DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty…

Sự tồn tại của 4 yếu tố trên cùng đặt ra một đòi hỏi khách quan, bức bách. Đó là đã đến lúc không nên chậm trễ trong việc định vị đúng vai trò, vị trí của TTCK với tư cách là một trụ cột quan trọng trong cơ cấu của thị trường tài chính. Nếu tiếp tục chậm trễ trong triển khai các giải pháp về ưu đãi thuế để thu hút NĐT tham gia TTCK nhiều hơn, gia tăng chất lượng hàng hóa, cải thiện sức cầu từ khối ngoại…, nhằm thúc đẩy TTCK phát triển nhanh và lành mạnh hơn, thì mục tiêu đưa TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho DN và nền kinh tế, sẽ chưa dễ sớm được hiện thực hóa. 

Tin bài liên quan